Banner Movi
Trung Quốc

Những bí mật về Tử Cấm Thành mà bạn chưa biết

Thứ năm, 18/07/2019, 10:48 GMT+7
Tử Cấm Thành là một trong những công trình cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc. Đúng như tên gọi của nó, thành này không cho phép dân thường vào tham quan. Vì nó là nơi sinh sống của vua chúa và những thành viên trong hoàng tộc.

Tử Cấm Thành hay còn gọi là Cố Cung, là trung tâm chính trị và văn hóa của hoàng đế hai triều Minh và Thanh. Cố cung có tổng diện tích là 720.000 mét vuông, cùng với 9.999 gian phòng. Nhìn bề ngoài Cố Cung toát ra một vẻ xa hoa và lộng lẫy; tuy nhiên, khi đặt chân vào bên trong, người ta mới khám phá ra rất nhiều bí ẩn về thành này.
 

Cái tên Tử Cấm Thành


Tử Cấm Thành
Đây là một trong những cung điện xa hoa và lộng lẫy nhất thế giới
 
Vào thời phong kiến, tất cả các vị hoàng đế đều cho mình là “thiên tử” tức là con của trời. Vì vậy, họ là những người có từng quyền lực tối cao và có quyền cai trị mọi người. Các vị hoàng đế Trung Quốc còn cho rằng cung điện mà họ đang ở là nơi của những vị thần ngự trị của những vị thần. Vì thế, người dân thường không được phép bén mảng đến Tử Cấm Thành. Chữ “Tử” trong Tử Cấm Thành có nghĩa là màu tím, lấy ý theo thần thoại Tử Vi Viên. “Cấm Thành” có nghĩa là cấm người dân ra vào.
 

Những ai có thể ra vào Tử Cấm Thành?

 
Ngoại trừ những thành viên của hoàng tộc, chỉ có 6 loại người sau đây mới có thể ra vào Tử Cấm Thành. Đàn ông có 3 loại đó là người đưa than, người đưa hoa, và người dọn tuyết. Phụ nữ có 3 loại đó là vú nuôi, nữ lang y và bà đỡ đẻ. Nếu một người dân thường ra vào Tử Cấm Thành mà bị phát hiện, họ hoàn toàn có thể bị chặt đầu.
 

Gần một vạn căn phòng nhưng không có một nhà vệ sinh nào


Tử Cấm Thành
Người xưa thường “giải quyết” vào những chiếc chậu như thế này
 
Tử Cấm Thành rất rộng lớn với 9.999 gian phòng. Tuy nhiên, bạn không thể tìm thấy bất kỳ một nhà vệ sinh nào. Bởi vì, người xưa không sử dụng nhà vệ sinh mà họ chỉ sử dụng những chậu hoặc thùng vệ sinh. Những dụng cụ này có nắp đậy bên trong được giải rơm rạ hoặc tro. Sau khi đại tiện hoặc tiểu tiện, chất thải sẽ được đưa đi xử lý.
 

Lãnh cung trong Tử Cấm Thành

 
Vào thời xưa, những phi tần hay thậm chí hoàng hậu chỉ cần làm phật lòng nhà vua hoặc phạm đến một vài điều cấm kỵ, họ hoàn toàn có thể bị thất sủng và giam cầm trong những lãnh cung để chờ chết. Tuy nhiên, những lãnh cung trong Tử Cấm Thành thực chất không nằm ở một nơi cố định. Nếu các phi tần bị giam vào lãnh cung, thực chất họ chỉ bị giam lỏng và không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
 

Bí ẩn đằng sau hàng trăm miệng giếng trong Tử Cấm Thành


Tử Cấm Thành
Cuộc sống ở hậu cung luôn khắc nghiệt
 
Trong cung có gần 80 chiếc giếng lớn nhỏ khác nhau và nguồn nước từ những giếng này luôn luôn dồi dào. Tuy vậy, nước sinh hoạt hàng ngày dùng trong Tử Cấm Thành đều không đến từ những nguồn nước này. Bạn có biết nguyên nhân vì sao không? Bởi vì những chiếc giếng này rất dễ trở thành những công cụ để cho những phi tần đấu đá lẫn nhau. Không ít những phi tần thường lén bỏ thuốc độc xuống giếng để khiến kẻ thù đau bụng, tiêu chảy, thậm chí là lấy mạng của họ. Và theo truyền thuyết kể lại, những chiếc giếng này thậm chí còn là nơi một số phi tần và những cung nữ tự vẫn vì những hoàn cảnh khác nhau.
 

Được thiết kế từ một người Việt Nam


Tử Cấm Thành
Quy mô to lớn của Cố Cung thể hiện được tài năng của kiến trúc sư người Việt
 
Theo lịch sử ghi lại rằng, vào thời nhà Hồ, khi quân Minh xâm lược Đại Việt và bắt giữ rất nhiều những người thợ tài giỏi để mang về Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Nguyễn An là một kiến trúc sư tài năng đã bị bắt về để phục vụ cho việc xây dựng hoàng cung nhà Minh. Lúc bấy giờ, nhận thấy được tài năng của Nguyễn An, Minh Thành Tổ đã quyết định giao cho ông chức vụ Tổng đốc công xây dựng lên công trình kiến trúc Tử Cấm Thành ngày nay.
 
Xuân Hội
Theo Báo Du lịch