Đám cháy kinh hoàng xảy ra tại nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 15/4 khiến người dân khắp thế giới không khỏi bàng hoàng và xót xa. Tuy đã được kiểm soát, không gây thiệt hại về người, đám cháy vẫn để lại những thiệt hại không nhỏ đối với nơi được cho là biểu tượng hào hùng không chỉ của nước Pháp. Nhân đây, hãy cùng nhìn lại lịch sử hơn 850 năm của một trong những công trình vĩ đại nhất thế giới này.
Với niên đại hơn 850 năm, là một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận và là công trình vĩ đại của lịch sử thế giới, chỉ sau một vụ cháy lớn xảy ra vào khoảng 18h50' ngày 15/4 giờ địa phương, Nhà thờ đức Bà ở Paris sụp đổ và cháy rụi trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân. Ngọn lửa bất ngờ bùng phát dữ dội từ phần mái Nhà thờ và gây ra đám cháy lớn tại khu vực này 1 tiếng sau đó, khiến người dân Paris cũng như trên thế giới không khỏi bàng hoàng, xót xa, và cùng cầu nguyện, hy vọng nhà thờ nhanh chóng được gây dựng trở lại.
Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa
Nhân đây, hãy cùng nhìn lại và điểm qua những sự thật mà có thể bạn cũng chưa từng được biết về Nhà thờ Đức Bà Paris – trái tim của nước Pháp.
1. Thông tin về Nhà thờ Đức Bà
Nhà thờ Đức Bà Paris (tiếng Pháp: "Cathédrale Notre-Dame de Paris") được xây dựng từ cuối thế kỷ 12, tọa lạc ở đảo Cité trên sông Seine ở thủ đô Paris vì thế đã có niên đại hơn 850 năm. Trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, nơi đây đã từng bị hủy hoại trước khi được trùng tu và gây dựng trở thành một công trình vĩ đại bởi kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc.
Nhà thờ Đức Bà bên dòng sông Seine thơ mộng
Nhà thờ cũng chính là nơi được Hoàng đế Napoléon Đệ Nhất chọn làm lễ đăng quang vào năm 1804, với sự hiện diện của Đức Giáo hoàng Pie VII.
2. Công cuộc xây dựng theo dấu thăng trầm của đất nước
Ngày 12-10-1160, Maurice de Sully trúng cử giám mục Paris. Cùng với các tu sĩ, Maurice de Sully đã có một quyết định quan trọng: xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới theo kiến trúc Gothic, lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ và được vua nước Pháp thời bấy giờ là Louis VII đồng ý.
Mặc dù quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris được bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, nhưng phải gần 200 năm sau, công cuộc xây dựng ấy mới chính thức kết thúc vào năm 1345. Phần khung nhà thờ được làm từ gỗ của 1.300 cây sồi, tương đương 21 ha rừng.
Nhà thờ có niên đại hơn 850 năm tuổi
3. Chứng nhân lịch sử
Tuy nhiên ngay khi công trình tráng lệ này đang hình thành, lịch sử đã diễn ra trong cái bóng của nó. Các bức tượng quỷ nổi tiếng (gargoyle) trên nóc của nhà thờ đã chứng kiến cả vinh quang và thảm kịch diễn ra trong nhiều thế kỷ. Trong thời Cách mạng Pháp, kiến trúc nhà thờ với các cửa sổ hoa hồng xây dựng từ thế kỷ 13 đã bị cướp phá và gần như bị phá hủy.
Đây cũng chính là chứng nhân lịch sử cho những chiến tích huy hoàng cho đến bi kịch của nước Pháp
Nơi đây là minh chứng cho nhiều thời khắc huy hoàng, hay những bi kịch lịch sử, chứng kiến câu chuyện nổi tiếng về Joan of Arc – người có công lớn giúp Pháp đánh bại được quân đội Anh,… Bằng sự bảo tồn, khôi phục và gây dựng của người dân nơi đây, nó đã sống sót và tồn tại đến nay đã hơn 850 năm lịch sử.
4. Những quả chuông được xem như “báu vật”
Có một thứ âm thanh khiến cho nhà thờ Đức Bà Paris trở thành “báu vật” của Paris cũng như luôn vang vọng, linh thiêng hơn bất kỳ âm thanh nào khác đó chính là âm thanh từ những quả chuông lớn được xem là hoàn hảo nhất thế giới.
Quả chuông lớn nhất nhà thờ Đức Bà Paris có tên gọi Emmanuel
Trong đó có quả chuông được gọi là Emmanuel, nặng tới 13.000 kg cùng cây rung chuông nặng 500 kg được lắp tại tháp Nam của nhà thờ vào năm 1685 và vẫn đổ chuông mỗi ngày để báo hiệu về giờ giấc trong ngày.
Những chiếc chuông mới, nhỏ hơn, là sản phẩm kết hợp của công nghệ hàng đầu và những gì tuyệt vời nhất trong truyền thống cũng đang trong quá trình được hoàn thiện tại thị trấn Villedieu-Les-Poeles, Normandy, sử dụng các phương thức đúc cổ của người Ai Cập. Các kỹ sư sẽ sử dụng mọi kỹ năng và kỹ thuật để phân tích âm thanh và tinh chỉnh để hợp với âm của chiếc chuông lớn Emmanuel.
5. Là kiệt tác của kiến trúc Gothic
Kiến trúc bên trong nhà thờ mang đậm chất Gothic
Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc và cửa số kính màu mang đặc trưng của chủ nghĩa tự nhiên, khác biệt rất nhiều so với lối kiến trúc La Mã trước đây. Những mái vòm cong hình xương cá đối xứng, tòa tháp nhọn cao chót vót, những máng nước mặt quỷ, mái trần cao vút với ô kính đầy sắc màu,…tất cả làm nên kiến trúc nhà thờ Gothic đầu tiên và vĩ đại nhất trong lịch sử.
Chẳng thế mà nhà văn Victor Hugo đã từng mô tả lại vẻ đẹp hút hồn của kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Paris trong tác phẩm của mình: “Khi một con người hiểu được nghệ thuật của sự ngắm nhìn, anh ta có thể theo dấu được tinh thần của cả một thời đại và thấy được những đặc điểm của một ông vua, ngay ở vòng sắt gõ cửa nằm trên một cánh cửa.”
Đặc biệt, nhắc đến nhà thờ Đức Bà Paris, người ta sẽ nhớ ngay đến Cửa sổ hoa hồng – tác phẩm nghệ thuật tranh kính nổi danh khắp thế giới. Ánh sáng tự nhiên chiếu qua cửa kính đầy sắc màu, khi vào nhà thờ sẽ biến đổi thành các màu khác nhau với ý nghĩa nhắc nhở rằng: mỗi người như một sắc màu, ai ai cũng đặc biệt.
6. Nàng thơ trong văn chương
Vẻ đẹp tuyệt vời của Nhà thờ Đức Bà Paris khiến người ta mê mẩn đến mức công trình này xuất hiện trong cả văn học lẫn điện ảnh, và càng trở nên hoa mỹ qua con mắt của những người yêu nghệ thuật.
Sự nổi tiếng của nhà thờ được vĩnh cửu hóa với tác phẩm kinh điển "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" của đại văn hào Victor Hugo năm 1831, ông mang “nàng Esmeralda” hay “thằng gù Quasimodo” đi khắp thế giới, biến Nhà thờ Đức Bà Paris trở thành ước mơ của độc giả muôn nơi.
7. Một số kỷ lục khác của Nhà thờ
Không phải ai cũng biết một sự thật rằng, nhà thờ Đức Bà mới là địa điểm thu hút du khách nhất ở Paris chứ không phải ngọn tháp Eiffel nổi tiếng như nhiều người vẫn tưởng. Mỗi năm, nơi đây đón 13 triệu lượt khách, gần gấp đôi so với con số 7 triệu của tháp Eiffel.
Nhà thờ cũng là nơi lưu giữ 3 thánh tích cho Lòng đam mê của Chúa Giê-su, bao gồm Thánh giá, một chiếc đinh và Vương miện gai, cùng cây đàn organ lớn nhất ở Pháp, có niên đại từ thế kỷ 18 - có 5 bàn phím, 109 điểm dừng và gần 7374 ống.
Lượng khách đổ về Nhà thờ Đức Bà luôn nhiều gấp 2, 3 lần lượt khách thăm tháp Eiffel