Đình Minh Hương Gia Thạnh là một trong những ngôi đình xưa tại TP.HCM. Ngoài ý nghĩa là một di tích của xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ 19.
Hình lưỡng long tranh châu trên mái đình
Đình Minh Hương Gia Thạnh hay Minh Hương Gia Thạnh Hội Quán do người Hoa sang định cư, rồi xây dựng vào đầu thế kỷ 18 (số 380 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM). Là một ngôi đình do nhiều người Hoa đóng góp xây dựng lên, để có nơi thờ cúng và chức sắc xã có nơi làm việc.
Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên “Gia Thạnh đường”, trong đó, chữ “Gia Thạnh” tức là làm gia tăng sự thịnh vượng. Năm 1867, chính quyền Pháp thay đổi cơ cấu hành chính, đình không còn là nhà việc của xã, vì thế đình trở thành hội quán của Hội Minh Hương Gia Thạnh.
Chuông được gióng mỗi năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng
Tương truyền, người Minh Hương là con cháu của những cựu thần nhà Minh đến hàng phục Chúa Nguyễn Phúc Tần (1620 - 1687) ở Đàng Trong từ 1679.
Đình Minh Hương Gia Thạnh là minh chứng cụ thể cho việc người Hoa sống hòa nhập vào đời sống cư dân bản địa. Bởi, vốn dĩ cộng đồng người Hoa chỉ tồn tại hình thức chùa, miếu, đền chứ không có đình làng với lối thờ tự như kiểu thức người Việt. Đình Minh Hương lại là một ngoại lệ, đình của người Hoa nhưng theo hình thức của người Việt.
Đình xây bằng tường gạch, theo kiểu nhà năm gian. Mái đình lợp ngói ống, trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích của Trung Quốc... do lò gốm Đồng Hòa sản xuất năm Tân Sửu (1901).
Đình Minh Hương Gia Thạnh từ khi được xây dựng, trải qua một số lần trùng tu vào các năm 1839, 1901 và 1962. Lần cuối, có sử dụng một số vật liệu hiện đại và xây thêm tầng lầu trên chính điện.
Chính điện đình xây trên nền cao, phía trước trang trí các đề tài tùng-hạc, mai-điểu, liên-áp, giỏ cua, giỏ trái cây... Cuối chính điện là ba khám thờ lớn bằng gỗ đặt trên bệ gạch, được chạm viền chung quanh lưỡng long tranh châu.
Họa tiết điêu khắc trên cột đình
Chánh điện dùng cho việc thờ tự với Thần lầu chính thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Chánh Đông thờ hai quan võ: Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên. Chánh Tây thờ hai quan văn: Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh. Nơi đây cũng còn lưu câu đối mang bút tích của Trịnh Hoài Đức làm năm Minh Mạng thứ 2 với nội dung: “Minh đồng nhật nguyệt diệu nam thiên - Phụng chữ tường lân, Gia cẩm tú - Hương mãn càn khôn linh việt địa - Long bàn hổ cứ, Thạnh văn chương”.
Bốn câu thơ chứa bốn chữ Minh Hương Gia Thạnh, ý nói hương hỏa của người Minh ngày càng thịnh vượng. Trong đình, trước chính điện vẫn còn treo tấm biển khắc bốn chữ “thiện tục khả phong” (tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban tặng năm 1863.
Đặc biệt, tại đây còn có chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và cho phép chuyển tên từ “làng” sang “đình”. Chuông chỉ gióng một năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng. Quai chuông là một con rồng hai đầu, bốn chân.