Banner Movi

Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!

Thứ tư, 17/04/2019, 11:31 GMT+7
Đến Chợ Lớn hỏi Chùa Bà thì không ai là không biết. Đây là ngôi chùa cổ mang đậm nét văn hóa Trung Hoa tại Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ 18 và là chốn tâm linh đáng tin cậy của cộng đồng người Hoa nói riêng và người Sài Gòn nói chung.

Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Ngôi chùa có ý nghĩa quan trọng với người Hoa tại Sài Gòn 
 
Tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), Chùa Bà Thiên Hậu - hay còn được gọi là Chùa Bà Chợ Lớn - nằm trong khu vực sinh sống đông đúc nhất của người Việt gốc Hoa tại Sài Gòn. Ngôi chùa cổ hơn 250 tuổi này mỗi ngày vẫn đón hàng trăm lượt người đến viếng và tham quan nhờ bề dày lịch sử, di sản kiến trúc giàu văn hóa và sự linh thiêng được truyền tải rộng rãi.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Chùa Bà Thiên Hậu hay Thiên Hậu miếu (Ảnh: Diệu Thảo)
 
Tên chính xác của nơi này là Thiên Hậu Miếu, dịch theo Tiếng Việt có nghĩa là miếu thờ bà Thiên Hậu. Trong cách gọi của dân gian ở miền Nam, cứ có nơi nào linh thiêng thì đều gọi là chùa, vì vậy người ta gọi nơi đây là chùa Bà Thiên Hậu dù cách gọi này có phần không đúng cho lắm.
 
Chùa Bà Thiên Hậu nổi tiếng với lối kiến trúc đậm nét văn hóa của cộng đồng người Hoa. Từ nóc chùa, mái hiên cho đến các cột, vách tường… đều được trang trí bằng tượng và phù điêu gốm đẹp sắc sảo và độc đáo hiếm có vào đầu thế kỷ 20. Tuy trải qua nhiều lần trùng tu, nơi đây vẫn còn giữ được những di sản kiến trúc độc đáo này và đã được công nhận di tích nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993. Chùa Bà Thiên Hậu là nơi để gửi gắm những ước mong của con người đến các vị thần linh mà đặc biệt là Thiên Hậu Thánh Mẫu.
 
Chùa Bà Thiên Hậu có kiến trúc đặc trưng Trung Hoa với phong cách kiến trúc Á Đông thuần túy. Được xây dựng theo lối tam quan cách điệu ở phần cửa chính đi vào và hai bên hông chùa có thêm hai hành lang.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Hành lang hai bên hông 
 
Chùa Bà Thiên Hậu được chia làm 03 nơi chính: tiền điện, trung điện và chính điện với những gian thờ các vị thần linh của lịch sử Trung Hoa.
 
Mặt chính điện là nơi thờ chính của Thiên Hậu Thánh Mẫu với tượng bà Thiên Mẫu, được tạc từ khối gỗ và nổi bật giữa không gian huyền bí và linh thiêng.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Chính điện là nơi thờ tự chính của chùa
 
Tiền điện là nơi đặt miếu thờ của Phúc Đức Chánh thần hay còn gọi là thần thổ địa và Môn Quan Vương tả hay còn gọi là thần giữ cửa.
 
Trung điện là nơi chứa bộ lư cổ hơn 130 tuổi lâu đời nhất lịch sử, sở hữu những đường nét điêu khắc tỉ mỉ và đầy tinh xảo.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Bên trong chùa 
 
Bất kỳ ai khi đến đây cũng đều có thể cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc và sự bình an trong tâm hồn ngay từ khi bước vào cổng chùa. Sau những bộn bề cuộc sống, nhiều người thường tìm đến nơi đây để lấy lại sự tĩnh lặng và cân bằng trong lòng. Mọi thử đều được nhuốm màu thời gian. Gam màu đỏ, vàng và nâu đặc trưng ở đây cũng phần nào đem đến sự ấm áp và tin tưởng cho bất cứ ai ghé thăm. Dù chỉ đến một lần, bạn cũng sẽ bị ấn tượng sâu sắc bởi vẻ huyền bí và u tịch của chùa bà.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Gam màu chủ đạo của chùa Bà
 
Phần mái của chùa được trang trí bằng nhiều bức tượng đa dạng hình thù và kích cỡ, tinh tế và kỳ công bởi những người thợ thủ công từ ngày xưa.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Lưỡng Long Tranh Châu - bộ trang trí điển hình của chùa người Hoa
 
Có thể nhiều du khách không biết rằng toàn bộ vật liệu của ngôi chùa này đều được nhập hoàn toàn từ Trung Quốc về, từ cây gỗ quý cho đến bát hương, hay tượng nhỏ cho đến các bức phù điêu.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Toàn bộ vật liệu xây chùa đều được chế tác tại Trung Hoa và được vận chuyển bằng thuyền buồm về Việt Nam (Ảnh: Diệu Thảo)
 
Điểm nhấn đặc biệt của chùa Bà Thiên Hậu là những chiếc vòng nhang treo trên không đầy nét độc đáo. Khi đến đây, người viếng chùa có thể mua vòng nhang, ghi lại những lời chúc hay tâm nguyện của mình lên giấy, rồi treo lên cùng với nhang để cầu xin bà Thiên Hậu.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Vòng nhang và lời tâm nguyện 
 
Nơi đây cũng có tổ chức lễ hội chùa Bà Thiên Hậu vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm, đây được xem là ngày vía của Bà. Trong ngày này, tượng Bà sẽ được đặt trên một chiếc kiệu và được rước đi xung quanh chùa. 
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Nhang khói nghi ngút tại chùa Bà (Ảnh: Diệu Thảo)
 
Bên cạnh đó, lễ hội còn khá sôi động với các hoạt động như múa lân, biểu diễn nghệ thuật, vô cùng náo nhiệt.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Đây còn là nơi yêu thích của nhiều bạn trẻ (Ảnh: Diệu Thảo)
 
Chứng kiến sự phát triển của Sài Gòn chợ Lớn và cộng đồng người Hoa nơi đây, người Hoa kháo nhau rằng chùa Bà Thiên Hậu ngoài việc là một chốn tâm linh của người dân còn là một kho tàng văn hóa cần được bảo tồn lâu dài, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Sài Gòn. Đây là nơi gắn kết cộng đồng người Việt gốc Hoa giàu nội lực, luôn giữ gìn bản sắc riêng và sự tương trợ lẫn nhau dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Nhiều khách du lịch đến đây
 
Còn đối với giới trẻ, đây còn là điểm đến thu hút để tìm hiểu về lịch sử và văn hóa, đồng thời để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc đậm màu thời gian mà ít nơi nào có được. Và đối với chúng ta, chùa Bà Thiên Hậu có lẽ là nơi khi chơi vơi, chúng ta sẽ biết tìm đến đâu để bình yên và lắng đọng trở lại sau những tất tả ngược xuôi của cuộc sống thành thị bon chen này. Đúng không?
 
Chùa Bà Thiên Hậu - đâu chỉ là chốn tâm linh!
Nơi yên bình chốn tâm linh cho những trái tim đang chơi vơi.

Xem thêm: Tour du lịch Sài Gòn
Hàn Hàn
Theo Báo Du lịch