Cái tên Dã Liễu tức Yehliu có nhiều nguồn gốc. Trong đó có một cách hiểu là theo từ viết tắt của “Punto Diablos” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Mũi Quỷ. Theo một truyền thuyết khác, người ta kể rằng ngày trước người dân địa phương kiếm sống trên biển. Họ phụ thuộc vào những người cung cấp gạo trong đất liền. Trong quá trình vận chuyển, người địa phương trộm gạo bằng cách chọc một ống tre nhỏ vào các bao gạo cho gạo chảy ra ngoài. Các thương nhân thường nói “gạo bị đánh cắp bởi những kẻ man rợ” [trong đó Yeh (man rợ) và Liu (ăn cắp) theo tiếng Đài Loan].
Những mỏm đá phiến (shale), cát trầm tích (sedimentary sandstone) và dạng địa chất kỳ lạ với hình thù khác thường được hình thành khi lớp vỏ trái đất vận động mạnh cùng bào mòn của gió và nước biển theo biến đổi của khí hậu từ 10 đến 25 triệu năm trước. Công viên này chia làm ba khu vực chính với những tên gọi khá đặc biệt. Tại đây, tên các mỏm đá nơi đây được đặt dựa vào trí tưởng tượng đối với hình thù của nó, ví dụ như: Hài Tiên (Fairy’s Shoe), Đá Nấm (Mushroom Rock), Japanese Geisha, Đá Nến (Candle Rock),... và bất kỳ cái tên nào khác bạn có thể nghĩ ra khi nhìn thấy.
Khu thứ nhất
Khu vực của các hòn đá hình nấm và củ gừng. Tại đây, các hướng dẫn viên sẽ giới thiệu về quá trình hình thành của hòn đá có hình thù độc đáo này. Cùng trong khu vực một, du khách sẽ vô cùng cảm thấy thích thú khi chứng kiến 2 hòn đá nổi tiếng khác với hình dạng kem ly và cây nến. Đây là địa điểm check in lý tưởng cho các bạn trẻ.
Khu vực thứ hai
Khu vực 2 là khu vực vẫn có những phiến đá nấm, đá củ gừng song điểm nổi bật nhất là hòn Đầu Nữ Hoàng (Queen’s Head), và đá Đầu Rồng (Head Drago). Nằm cạnh biển nên khu vực này đá chia làm 4 loại hình thù chính là đá Hài Tiên, đá Voi, đá Củ Lạc hình thành do sóng biển ăn mòn. Mỏm đá Đầu Nữ Hoàng (The Queen’s Head) – được đánh giá là khoảng 4.000 năm tuổi – là một trong những cảnh nổi tiếng nhất công viên địa chất Yehliu và được xem như biểu tượng của trấn Vạn Lịch. Đây là là một loại nấm đá được hình thành do sự xói mòn khác biệt gây ra bởi nước biển. Theo thời gian, mỏm đá Đầu Nữ Hoàng không chỉ bị tàn phá bởi thiên nhiên mà còn bị hư hỏng do các tác động trong quá trình thăm viếng của con người. Hiện nay phần hẹp xung quanh cổ của mỏm đá chỉ còn khoảng 138cm.
Khu vực thứ ba
Khu vực 3 nằm phía bên kia của công viên, có diện tích hẹp nhất trong ba khu vực. Một phần công viên sát vách núi, còn phía dưới là những con sóng chảy xiết dữ dội. Khu vực này có vẻ nguy hiểm nhưng lại sở hữu nhiều phiến đá có hình thù lạ mắt như đá Tổ Ong, đá Hạt Đậu hay hòn đá Thời Tiết. Ngoài cảnh quan địa chất đá quý hiếm thì khu vực thứ 3 này còn là khu vực dữ trự sinh thái chính của công viên địa chất Dã Liễu.
Được biết, tại phía bắc công viên này cũng có một đài tưởng niệm với bức tượng của Mr.Lin, người đã anh dũng xả thân mình vào năm 1946 để cứu một học sinh đuối nước tại Dã Liễu cho dù đến cuối cùng cả hai đều mất mạng nhưng đó cũng là một công lao anh dũng đáng ghi nhận để mọi người mãi nhớ đến.
Vì nằm dọc bờ biển nên sóng to, vì vậy khi tham quan du khách không được vượt qua những hàng rào có biển cảnh báo màu đỏ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra để bảo môi trường cũng như giữ gìn cảnh quan cho công viên, người quản lý công viên yêu cầu du khách không được hút thuốc, xả rác bừa bãi, không được chạm vào các hiện vật, leo trèo lên các mỏm đá và đi xe đạp trong công viên.