Dậy sớm đón bình minh trên biển và học làm ngư dân là một hoạt động vô cùng thú vị mà các du khách đến với Quan Lạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm và khám phá. Đây là một trong những sản phẩm du lịch thí điểm do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản gọi tắt là JICA phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai nhằm hoàn chỉnh các tour tham quan, du lịch sinh thái cộng đồng trên đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn.
Khai thác du lịch cần bảo tồn và gìn giữ cho thế hệ mai sau
Hiện nay, những tour du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử và trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương về nông ngư nghiệp không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, dự án này của JICA là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên văn hóa và lịch sử của địa phương đồng thời định hướng việc khai thác du lịch song song với phát triển bền vững.
Theo chị Nguyễn Thị Vân, chuyên gia về du lịch bền vững và du lịch sinh thái của Dự án, việc dẫn du khách trải nghiệm văn hóa lịch sử cũng là cách người dân địa phương giúp du khách có ý thức tôn trọng và cảm nhận được cái nét hay, đẹp của văn hóa bản địa. Khách tham gia trải nghiệm sẽ được tiếp cận với hình thức đánh bắt cá truyền thống như một nét đẹp văn hóa từ bao đời đồng thời nâng cao trách nhiệm của địa phương với việc bảo tồn gìn giữ tài nguyên cho thế hệ mai sau.
Ông Bùi Duy Đông, chi hội trưởng chi hội du lịch Vân Đồn cho biết, sự xuất hiện của các chuyên gia JICA ở đảo Quan Lạn đã góp phần định hướng nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường sinh thái bền vững đồng thời giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương. Những ngày đầu tiên, bà con còn e ngại không không muốn hợp tác, nhưng hiện nay hầu hết người dân đều hào hứng tham gia vào dự án bởi họ nhận ra những quyền lợi thiết thực lâu dài cho chính mình thông qua các phương thức bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên biển.
Ông Bùi Ngọc Viên, ngư dân đảo 54 tuổi hào hứng chia sẻ, được tham gia cùng các du khách trải nghiệm tour “Một ngày làm ngư dân” là một công việc mới rất vui và ý nghĩa. Kể từ khi chính quyền địa phương tuyên truyền các hình thức đánh bắt cá không tận diệt thì ngư trường đã thấy có sự xuất hiện trở lại của nhiều loại cá sau một thời gian biến mất.
Du khách phấn khích với thành quả thu được sau “Một ngày làm ngư dân”
Một sản phẩm ý nghĩa
Sản phẩm du lịch “Một ngày làm ngư dân” ở Quan Lạn đang trong quá trình chạy thí điểm song đã nhận được sự phản hồi tích cực từ đại diện các đơn vị lữ hành và du khách.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội du lịch cộng đồng VCTC, đây thực sự là một thành công lớn của du lịch cộng đồng tại Quan Lạn. Sản phẩm này được sinh ra bởi nhu cầu của du khách khi đến đảo nhưng lại tồn tại bởi quyền lợi và lợi ích của cộng đồng bà con ngư dân tại đây. Tôi hy vọng tuyến đảo này sẽ làm tốt hơn nữa và có thêm những sản phẩm du lịch độc đáo hơn nữa mà cộng đồng chính là nòng cốt, là sự đoàn kết cho một vùng đang định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững làm trọng tâm.
Ông Lại Văn Toàn, Phó Chủ tịch thường trực Chi hội hướng dẫn viên du lịch Quảng Ninh cho rằng, sản phẩm đã hỗ trợ người dân bản địa sử dụng, phát huy nguồn lực, các giá trị văn hóa, lịch sử nguyên gốc. Giá trị của du lịch biển đảo không chỉ là tham quan nghỉ dưỡng mà là sự kết nối hài hòa giữa du khách với người dân đảo, đem lại những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống và con người chất phác nơi đây, gieo vào lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp để họ luôn mong muốn được quay lại đảo và tiếp tục trải nghiệm nhiều hơn nữa. “Một ngày làm ngư dân” là một phần trong việc xây dựng và phát triển dòng tour cộng đồng sinh thái, góp phần hỗ trợ người dân địa phương trong việc bảo tồn những nghề truyền thống. Khi phát triển đúng, sẽ thu hút một thế hệ lao động trẻ quay trở về đảo phát triển du lịch địa phương và tham gia đào tạo chuyên môn để làm chủ mảnh đất quê hương mình.
Ông Trần Đăng An - Giám đốc Công ty Halo tours Hạ Long bày tỏ, đây là một sản phẩm thú vị và khá an toàn giúp cho du khách được trải nghiệm tự tay đánh bắt hải sản tươi và thưởng thức theo cách chế biến của những ngư dân. Du khách sẽ có cơ hội được gần gũi và tìm hiểu về cuộc sống của người bản địa qua đó có thể lưu giữ được những kỷ niệm sâu sắc hơn. Tuy nhiên, cần điều chỉnh và bổ sung thêm một số chi tiết để sản phẩm hoàn hảo và hiệu quả hơn.
Với mức giá 300.000 đồng/du khách, (mỗi tour không quá 12 khách) đã bao gồm toàn bộ các dịch vụ: xe điện đưa đón, giày đi biển, thuê ngư dân hướng dẫn…, du khách được hưởng toàn bộ sản phẩm đánh bắt được. Hầu hết các đại diện lữ hành cho rằng với nội dung và chi phí như vậy việc bán tour là hoàn toàn khả thi, phù hợp với nhiều đối tượng khách cả quốc tế và nội địa.
Đến Quan Lạn để tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, làm bạn với những người dân địa phương thật thà chất phác, tự tay đánh bắt cá như những ngư dân thực thụ và thưởng thức những thành quả của chính mình quả là một điều vô cùng thú vị trong hành trình khám phá hòn đảo xinh đẹp này.