Ai đến Huế mà không một lần ghé thăm Lăng Tự Đức, là mất đi một nửa linh hồn của chuyến đi rồi. Chỉ cách trung tâm thành phố Huế 7km, bạn sẽ có cảm giác được quay ngược thời gian và trở về quá khứ ở thế kỉ 19 khi lãng đãng dạo quanh quần thể kiến trúc cổ kính rộng hơn 450ha này.
Toàn cảnh Lăng Tự Đức từ trên cao
Lăng Tự Đức là một trong những điểm đến độc đáo ở Huế, nằm trong một thung lũng hẹp của làng Dương Xuân Thượng (hiện tại thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế).
Lăng Tự Đức là điểm đến thu hút du khách bậc nhất trong các lăng tẩm vua chúa ở Cố đô Huế (Ảnh: Redsvn)
Thời đại nhà Nguyễn có 13 vị vua, trong đó Tự Đức là ông vua uyên thâm nhất về nền học vấn Đông Phương. Giỏi về sử học, ông còn tinh thông triết học và đặc biệt rất yêu thơ ca.
Qua đời năm 1883, Tự Đức để lại cho đời 600 bài văn, 4.000 bài thơ chữ Hán và 100 bài thơ chữ Nôm.
Chân dung vua Tự Đức
Lăng Tự Đức hay còn gọi là Khiêm Lăng được xây dựng từ khi nhà vua còn sống, là nơi Vua Tự Đức nghỉ ngơi, ngâm thơ, thưởng trà khi mệt mỏi, vậy nên toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn với gần 50 công trình cả trong khu vực tẩm điện và lăng mộ. Kiến trúc đan xen hài hoà với rừng núi, thiên nhiên và hồ nước.
Hồ Lưu Khiêm được người đời coi là hồ nước đẹp nhất nhì của kinh thành Huế (Ảnh: Redsvn)
Hoàn thành vào năm 1867 với phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, lăng Tự Đức được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Triều Nguyễn. Đặc biệt, cho đến ngày nay, nó vẫn được bảo toàn nguyên vẹn dấu tích của những ngày xưa huy hoàng.
Khu tẩm điện nằm ở phía Tây của hồ Lưu Khiêm, được bắt đầu bằng Khiêm Cung Môn, một công trình hai tầng dạng vọng lâu nằm trên nền cao (Ảnh: Redsvn)
Khi mới khởi công xây dựng, vua Tự Đức lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình này. Đến sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung. Và sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.
Bố cục khu lăng gồm 2 phần chính, bố trí trên 2 trục dọc song song với nhau, cùng lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm tiền án, núi Dương Xuân làm hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố minh đường.
Khiêm Cung Môn nằm thẳng hàng với Dũ Khiêm Tạ phía dưới theo trục chính của khu tẩm điện (Ảnh: Redsvn)
Trung tâm của khu tẩm điện là điện Hòa Khiêm. Khi vua Tự Đức còn sống, đây là nơi vua làm việc mỗi khi đến lăng (Ảnh: Redsvn)
Sau khi vua băng hà, điện Hòa Khiêm trở thành là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu (Ảnh: Redsvn)
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát. Được coi là một trong những công trình kiến trúc làm nên tên tuổi của xứ Huế, gần 50 công trình trong lăng cả hai tẩm điện và lăng mộ đều có chữ "Khiêm" trong tên gọi.
Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dụ, mẹ vua (Ảnh: Redsvn)
Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát (Ảnh: Redsvn)
Đặc biệt, yếu tố nổi bật của lăng Tự Đức là sự hài hòa của các đường viền. Không có đường thẳng, kiến trúc góc cạnh như những lăng khác, lối đi lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ. Sự sáng tạo của con người hài hòa với cảnh quan tự nhiên tạo nên một khung cảnh thơ mộng, diễm lệ. Trong cái quyến rũ của mây nước, hương hoa đó, người ta như quên đi rằng đó là lăng tẩm của một người quá cố mà ngỡ là thiên đường của cỏ cây, của thi ca và mộng tưởng…
Sân Bái Đính (Ảnh: Redsvn)
Hàng ngày, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế có tổ chức biểu diễn Ca Huế tại Xung Nghiêm Tạ (nơi nhà vua nghỉ ngơi, ngắm hoa, làm thơ, đọc sách). Bạn nên kiểm tra khung giờ biểu diễn để có những trải nghiệm đậm chất “cung đình” tại lăng.
Hai bên sân Bái Đình có hai hàng tượng quan viên văn võ và tượng voi, ngựa (Ảnh: Redsvn)
Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Vua Tự Đức trước lịch sử.
Cuối sân là là Bi Đình (nhà bia). Trong Bi Đình có tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn (Ảnh: Redsvn)
Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của vua trước lịch sử (Ảnh: Redsvn)
Ông vua thi sĩ đã nằm xuống giữa một không gian của thơ và nhạc, của sự yên bình trong tổng thể kiến trúc trác tuyệt về nghệ thuật xây dựng lăng tẩm thời Nguyễn. Người đời sau mỗi khi đứng trước khung cảnh thơ mộng này, ai cũng ngưỡng mộ và tâm đắc với công trình cũng như ý tứ sâu xa của vua Tự Đức đã gửi gắm tại lăng Tự Đức.
Mộ vua được xây bằng đá, có hình dáng như một ngôi nhà (thạch thất), đặt trên ba cấp nền cũng làm bằng đá. Đầu mộ có một bàn thờ bằng đá (Ảnh: Redsvn)
Lăng Tự Đức là một bài thơ kiệt tác, một hình ảnh quyến rũ trong kiến trúc tổng thể siêu việt của nghệ thuật xây dựng lăng mộ trong triều Nguyễn. Ngôi mộ xứng đáng là một trong những điểm ấn tượng nhất đối với ai đang muốn hòa mình vào bầu không khí thanh bình của thiên nhiên và khám phá những kiến trúc độc đáo.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn. Ở đó quanh năm có suối chảy, thông reo, muôn chim ca hát (Ảnh: Redsvn)
Lăng Vua Tự Đức góp phần đáng kể cho việc đưa Huế trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong lòng nhiều bạn bè quốc tế. Ngày nay, hễ nhắc đến Huế, người ta đều nghĩ phải ghé thăm lăng Tự Đức đầu tiên. Bởi lẽ nơi này không chỉ vương vấn âm hưởng của quá khứ mà còn lưu lại tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn của một ông vua yêu thơ ca Tự Đức.
Mỗi công trình kiến trúc trong lăng Tự Ðức đều mang một đường nét khác nhau về nghệ thuật tạo hình: không trùng lặp và rất sinh động (Ảnh: Redsvn)
Hãy đến với Lăng Tự Đức vào một buổi sáng trong trẻo, lắng nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót, tiếng gió hiu hiu hoà quyện với thiên nhiên, tiếng Ca Huế vang vọng tại Xung Nghiêm Tạ và nghe quá khứ vọng về. Đâu đó, bạn sẽ cảm nhận được cả một tòa thành quách đang chìm trong không gian của những thế kỉ đã cũ, những năm tháng in dấu một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta.