Huế trầm mặc và tĩnh lặng nhưng luôn là điểm đến của những kẻ lữ hành yêu thích nét hoài cổ, xa xưa. Nào có ngờ, giữa những công trình kiến trúc mang đậm phong cách Việt dưới triều nhà Nguyễn, ở Huế còn có một cung An Định rất độc đáo. Với nét nổi bật theo phong cách kiến trúc châu Âu khá lạ mắt giữa chốn kinh kỳ xứ Huế, cung An Định là một trong những điểm đến mà bất cứ ai đến Huế đều muốn chiêm ngưỡng.
Nhìn từ xa cung An Định. Nguồn: Redsvn
Cung An Định nằm bên bờ sông An Cựu, ngày xưa thuộc phường Đệ Bát – thị xã Huế, nay là số 97 Phan Đình Phùng, thành phố Huế. Cung An Định trước đây vốn là cung điện riêng của vua Khải Định. Và được ông tin dùng kể từ khi ông còn là thái tử cho đến khi lên làm vua. Sau này, vua Bảo Đại được thừa kế và sống ở đây sau khi thoái vị. Sau năm 1975, bà Từ Cung đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng. Đến nay, di tích đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp quản và phát huy giá trị.
Nét kiến trúc độc đáo của cung An Định. Nguồn: Redsvn
Cùng với rất nhiều công trình kiến trúc nổi bật trong triều đại của vua Khải Định, cung An Định là đại diện cho phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển (Néo - Classique) và mở đầu cho thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây.
Cung An Định nằm quay mặt về phía Nam - hướng sông An Cựu. Ngày xưa, lúc còn nguyên vẹn, cung An Cựu có khoảng 10 công trình: từ bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, hồ nước… Ấy vậy mà trải qua thời gian và chiến tranh,cung An Định giờ chỉ còn 3 công trình còn khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Theo sổ sách ghi chép lại, Cung An Định có địa thế bằng phẳng, xung quanh có khuôn viên tường gạch dày với hàng rào song sắt bao bọc. Cổng chính được thiết kế theo lối tam quan, hai tầng và được trang trí công phu bằng sành sứ đắp nổi.
Cổng chính xây hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu. Nguồn: Redsvn
Còn đình Trung Lập thì nằm ở phía trong cửa, có kết cấu kiểu đình bát giác. Trong đình có một bức tượng đồng của vua Khải Định được đúc từ năm 1920 có tỉ lệ như người thật.
Tượng đồng vua Khải Định. Nguồn: Redsvn
Từ đình Trung Lập đi vào một đoạn là lầu Khải Tường. Đây là công trình kiến trúc chính của cung An Định và khá nổi tiếng. Lầu Khải Tường có 3 tầng với 22 phòng, bao gồm phòng khách, phòng ở và khu vực thờ phụng. Tất cả đều được xây dựng bằng các vật liệu thường được dùng trong các lâu đài của châu Âu.
Lầu Khải Tường. Nguồn: Redsvn
Lầu Khải Tường được xây dựng từ năm 1917-1918 tại vị trí phủ An Định cũ. Vào thời điểm xây dựng lầu Khải Tường, nền văn hóa của Tây phương nói chung, nền mỹ thuật Pháp nói riêng đã ảnh hưởng đến Việt một cách mạnh mẽ. Điều này thể hiện rõ từ vật liệu xây dựng, phong cách kiến trúc đến nghệ thuật trang trí nội và ngoại thất của tòa nhà này.
Bức tượng đặt trong gian chính hiện nay là hoàng thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy trong lễ sắc phong và rước Đông cung thái tử từ Hoàng thành về cung An Định vào tháng 4/1922.
Tầng một có 7 phòng, được trang trí rất lộng lẫy, trong đó nổi bật nhất là đại sảnh. Nguồn: Redsvn
Phía trên là phần nền móng còn lại của nhà hát Cửu Tư Đài. Toàn bộ công trình này đã bị phá huỷ trong chiến tranh. Trong thời gian tồn tại, nhà hát có hai tầng, diện tích 1.150 m2 và có thể chứa hơn 500 khán giả cùng lúc. Theo các tài liệu cổ, ngoại thất của Cửu Tư Đài gần giống Nhà hát Lớn ở Hà Nội.
Phía sau lầu Khải Tường là nền móng của nhà hát Cửu Tư Đài. Đây là nơi diễn tuồng, cải lương phục vụ Hoàng gia dưới thời vua Bảo Đại. Nguồn: Redsvn
Quần thể kiến trúc tại cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây, thể hiện qua mọi công trình đều mang phong cách kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.
Cho đến ngày nay, cung An Định được biết đến là sự tổng hòa của 3 nền kiến trúc: Trung Hoa, nhà vườn Huế, kiến trúc Pháp. Và có lẽ không có khu biệt phủ hay cung điện nào có thể so sánh được với cung An Định này.
Thêm điều thú vị khi nơi đây được trang trí rất công phu với các bức tranh được vẽ trực tiếp lên tường mang đậm giá trị nghệ thuật. Nếu đến đây tham quan, bạn sẽ có dịp nhìn thấy tranh vẽ cảnh lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh.
Điều đặc biệt ở gian phòng này là bộ 6 bức tranh sơn dầu được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Nguồn: Redsvn
Nhìn tổng thể có thể thấy, Cung An Định được xây dựng một cách hài hòa giữa nét trang trí truyền thống như tứ linh, tứ quý, bát bửu với các trang trí mang phong cách châu Âu như cột theo phong cách Roman hay các thiên thần…
Đồng thời, tất cả công trình ở trong cung An Định góp phần tạo nên một bức tranh kiến trúc riêng, yên tĩnh nhưng hữu tình giữa lòng xứ Huế.
Người ta nói, cung An Định dù mang dáng dấp của kiến trúc Tây phương nhưng cái hồn và cốt cách thì lại mang dáng dấp Việt Nam lắm. Cũng phải, giữa chốn kinh kỳ thăng trầm chìm nổi bao vận đời, cung An Định vẫn sừng sững đứng đó với nhiều sự tôn nghiêm và vững chắc cho triều đại đã qua. Chứng kiến vật đổi sao dời của bao thế hệ, cung An Định mãi là nhân chứng sống hùng hồn nhất với những gì trong quá khứ.