Banner Movi
Iran

Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran

Thứ năm, 18/07/2019, 12:00 GMT+7
Những tấm thảm là một trong những hình ảnh quen thuộc trong các câu truyện nghìn lẻ một đêm về đất nước Ba Tư huyền bí. Thủ đô Tehran, Iran ngày nay là nơi được chọn để lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đất nước Ba Tư cổ, điển hình nhất chính là Bảo tàng thảm Tehran. Bảo tàng này lưu giữ không chỉ những tấm thảm giá trị nhất mà còn là nơi trưng bày các kĩ thuật dệt thảm tuyệt vời của người Ba Tư xưa. Hãy cùng tìm hiểu về bảo tàng thảm Tehran trong bài viết này nhé!
 

Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Khung cảnh bình dị bên ngoài bảo tàng 
 
Bảo tàng thảm nằm ngay bên cạnh một công viên tên là Laleh (nghĩa là Tulip), được thành lập từ năm 1976 và trưng bày các loại thảm Ba Tư trên toàn quốc suốt từ thế kỉ XVIII tới nay. Bảo tàng có tổng diện tích rộng hơn 3.400 mét vuông và nổi tiếng với thư viện có 7.000 đầu sách quý đúc kết các giá trị nghệ thuật làm thảm. Hoàng hậu cuối cùng của Iran, Farah Diba Pahlavi là người đã tài trợ chính cho việc thành lập bảo tàng.
 
Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Bảo tàng là nơi lưu giữ những tấm thảm lâu đời truyền thống của người Ba Tư
 
Hoàng hậu Farah Diba Pahlavi còn là người thiết kế chính cho bảo tàng. Hình dáng đục lỗ xung quanh bên ngoài của viện bảo tàng với chủ ý giúp nó trông như một chiếc thảm dệt. Phía tường bên ngoài thì được đúc bóng nhằm giảm ảnh hưởng của tia cực tím vào nhiệt độ bên trong.
 
Để có thể thành lập được bảo tàng, công việc đầu tiên chính là tìm kiếm và thu thập những tấm thảm có giá trị. Công việc khảo cổ tìm thấy những tấm thảm đã rất gian nan nhưng để phân tích chúng thì còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn nhiều. Bởi lẽ, qua thời gian những chất liệu như len, tơ, bông đều đã hóa tro bụi, tất cả những gì còn sót lại chỉ là một tấm thảm bình thường nếu như chỉ nhìn bằng mắt thường. Cần có sự nỗ lực của rất nhiều chuyên gia, nhà khảo cổ, cuối cùng, sau nhiều nỗ lực họ cũng đã xác nhận những tấm thảm này có từ thời đồ đồng và cần phải lưu giữ lại. Các nhà nghiên cứu cũng có thể dựa vào đó làm cơ sở.
 
Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Để phân tích một chiếc thảm tốn rất nhiều công sức
 
Cuộc khảo cổ năm 1949, đã tìm thấy một tấm thảm Pazyryk đặc biệt ở dãy núi Altai, Siberia. Nhóm khảo cổ người Nga đã tìm thấy nó trong ngôi mộ của hoàng tử Scythia trước sự giám sát của giáo sư Rudenko. Sau khi xét nghiệm Radiocarbon cho thấy tấm thảm này được dệt vào thế kỷ V trước Công nguyên. Thảm có kích cỡ 1,83 × 2 mét và 36 nút đối xứng cho mỗi cm vuông. Đây là một kỹ thuật dệt tiên tiến chứng minh cho một lịch sử lâu dài của nghệ thuật này. Hầu hết các chuyên gia cho rằng thảm Pazyryk là thành tựu cuối cùng của ít nhất một nghìn năm kinh nghiệm. Điều đó có nghĩa rằng kỹ thuật dệt thảm ở Iran có tuổi đời ít nhất là 3.500 năm tuổi. 
 
Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Pazyryk được ghi nhận là tấm thảm cổ nhất trên thế giới
 
Một số loại thảm ở đây còn được gọi là thảm Ba Lan, vì nó là hàng đặt của hoàng tử Ba Lan, do người Iran làm ra từ thế kỉ XVII tại Isfahan. Người ta dệt thảm bằng các sợi lụa, chỉ vàng, chỉ bạc. Bảo tàng đã may mắn giữ lại 7 chiếc thuộc loại thảm này làm cổ vật. Ngoài các tấm thảm vượt thời gian thì các dụng cụ để dệt như khung cửi, tấm mẫu, chổi sắt, kéo…cùng các chất liệu như các loại len, màu và các nguyên liệu khác cũng được trưng bày.
 
Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Bên cạnh những tấm thảm, bảo tàng Tehran còn có nhiều vật cổ khác
 
Người Iran rất yêu quý các tấm thảm, bởi mỗi một tấm thảm luôn biểu trưng cho một câu chuyện, theo một chủ đề ý nghĩa nhất định. Có hàng vạn chi tiết được chọn để thêu lên các tấm khác nhau, và chúng thường khác nhau, rất hiếm khi lặp lại. Khi nhìn một tấm thảm đúng chuẩn của người Iran, dù cả hai chiếc có họa tiết khá giống nhau, sặc sỡ đủ màu, nhưng chỉ cần chú ý kỹ, bạn sẽ thấy chúng hoàn toàn khác biệt và độc đáo theo cách riêng của nó.
 

Những chi tiết trên một tấm thảm Ba Tư đều được làm rất công phu và tỉ mẩn
 
Điều này lý giải tại sao người Iran coi trọng những tấm thảm, bởi nó đánh giá sự thịnh vượng và trí tuệ của người nghệ sĩ đã tạo ra nó. Người ta thường tiết kiệm tiền để mua được tấm thảm ưng ý trải ở phòng khách và giữ từ đời này sang đời khác. Một tấm thảm thủ công thật sự tốn rất nhiều thời gian mới dệt nên được, có khi cả đời người mới dệt xong một tấm thảm quý. Còn những tấm thảm lớn mà chúng ta thường thấy trong sảnh của phòng khách cung điện, đòi hỏi công sức và sự miệt mài của hàng chục người lao động trong cả nửa thế kỷ và cái giá của nó có khi không tưởng nổi. 
 Khám phá bảo tàng thảm tại Tehran
Mỗi tấm thảm đều thể hiện trình độ trí tuệ của người thợ thủ công
 
Nhìn các tấm thảm có tuổi hàng trăm hàng ngàn năm thật đáng ngưỡng mộ sự sáng tạo, tỉ mỉ và kĩ thuật của người xưa. Dệt thảm là một trong những biểu hiện nổi bật nhất của nền văn hoá và nghệ thuật Iran. Đến thủ đô Tehran, tận mắt chiêm ngưỡng những kiệt tác này quả là một trải nghiệm có một không hai trên đời!
Hồng Nhung
Theo Báo Thể Thao Việt Nam