Việt Nam sở hữu hệ thống các hang động khá đặc biệt. Và khi nhắc đến chúng, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay tới Sơn Đoòng, Phong Nha - Kẻ Bàng… Đa số các hang động sẽ nằm ở phía Bắc đúng không? Thế nhưng ở miền Tây sông nước cũng có một hang động rất hoang sơ và cũng kỳ thú, huyền bí không kém. Đó là hang Mo So, chuỗi hang động đá vôi duy nhất tại miền Nam, thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Mo So, cái tên nghe rất lạ và đặc biệt phải không? Vậy mình đi khám phá Mo So ngay nhé.
Mo So, hang động đá vôi duy nhất ở miền Nam
Mo So không quá nổi tiếng nhưng nếu đã là người bản xứ Kiên Giang thì ai cũng biết đến hang động này. Sau vài lần dừng hỏi đường, chúng tôi đã đến được khu vực của những ngọn núi đá vôi. Đường đến Mo So khá an tĩnh, trong lành và cũng khá là dễ đi. Bạn sẽ nhìn thấy những cánh đồng nước đổ lấp loáng, những ngọn núi đá vôi ở phía xa xa, những cánh cò trắng chao liệng rồi đậu xuống bụi cây giữa đồng… khung cảnh vừa gần gũi, thân thương lại khá quen thuộc và đẹp tựa một bức tranh.
Đường vào Mo So (Ảnh: Hán Hải Yến)
Con đường có khung cảnh đẹp như tranh ấy dẫn chúng tôi tới thẳng một ngọn núi đá vôi, nơi có thắng cảnh và di tích lịch sử hang Mo So. Để khám phá những hang động này, vẫn là nên có một người hướng dẫn địa phương, vì họ tường tận mọi ngóc ngách trong hang và sẽ là người dẫn đường cực kỳ tinh nhuệ cho đoàn của bạn. Vừa đi, anh hướng dẫn sẽ vừa giới thiệu về hệ thống những hang động trong núi đá vôi ở khu vực này.
Tò mò với một Mo So đầy những ngóc ngách (Ảnh: Hán Hải Yến)
Anh giải thích cho chúng tôi thắc mắc về cái tên Mo So: vì được hình thành từ những ngọn núi đá vôi trắng nên người Khmer gọi hệ thống hang động ở đây là Mo So, có nghĩa là đá trắng. Hàng triệu năm trước, ngọn núi đá vôi này bị nước biển xâm lấn. Sự tác động của thiên nhiên đã tạo ra những hang động ăn sâu vào trong lòng núi với nhiều hình dáng rất đặc biệt. Anh hướng dẫn cho hay: “Núi Mo So có hình vành khăn, thấp, ở giữa có một thung lũng nhỏ rộng hơn 2.000m2 với cây cối tốt tươi. Theo thời gian nước biển cùng với sóng xâm thực xoáy sâu vào chân núi tạo thành nhiều hang động”. Sự tác động liên tục và kéo dài đã tạo ra những quần thể hang động khác nhau, lòng hang trông rất kỳ lạ và đa dạng nhưng thường có hình bầu dục, bóng loáng và rộng rãi.
Sau vài phút chúng tôi đã có mặt ở một cửa hang rất lớn. Đây chính là hang Quân Y, nơi thời trước các chiến sĩ cách mạng trưng dụng làm nơi giấu và chữa trị cho thương binh. Hang Quân Y khá rộng, với vòm hang cao và tối, là nơi trú ngụ của loài dơi. Lũ dơi nghe tiếng người đồng loạt bay loạn xị trên đầu tạo ra thứ âm thanh vang vọng hỗn độn trong lòng hàng. Dưới nền hang nước đọng thành vũng có đoạn chúng tôi phải vượt qua cây cầu do người dân làm bằng ván để khách dễ đi lại. Ngoài hang Quân Y, Mo So còn có những hang khác được đặt tên theo chức năng mà quân cách mạng từng sử dụng như: hang Huyện ủy, hang Pháo binh… có đến tận hơn 20 động hang lớn và nhỏ trong quần thể Mo So này.
Địa hình bên trong hang (Ảnh: Hán Hải Yến)
Càng đi sâu vào trong hang, bạn càng bị hấp dẫn bởi những thạch nhũ được tạo nên từ hàng thế kỷ trước, kỳ ảo và cũng rất huyền bí. Dưới bàn tay kiến tạo của mẹ thiên nhiên, đá ở đây trở thành những đám mây ngũ sắc, chiếc thuyền đang dong buồm ra khơi, chú hải âu liệng quanh trên đỉnh đầu, và rất nhiều hình hài khác lạ và kỳ thú… Thạch nhũ còn tạo thành bàn tay Phật, khi gõ vào âm thanh trong và vang dội.
Hình thù thú vị trên hang (Ảnh: Hán Hải Yến)
Chúng tôi theo người dẫn đường luồn lách vào những ngách hang nhỏ ngắm những trụ chống trời, tượng ông Địa, thần Tài, ngắm tấm rèm cửa bằng đá hoa cương, sờ tay lên phím đàn đá… Mỗi một hình thù của nhũ đá đều rất có hồn, chân thật, đặc biệt đây là lần đầu được khám phá nên chúng tôi có cảm giác vô cùng ấn tượng.
Trong lòng hang Mo So có những chỗ rất tối, chúng tôi phải bám theo ánh đèn pin từ người dẫn đường mà lần từng bước một, nhưng cũng có đôi chỗ lại có khoảng giếng trời đưa ánh sáng xuống lòng hang. Những chùm rễ cây xuyên qua vách đá thả mình đong đưa trắng muốt trong hang tối ẩm càng tạo nên nét chấm phá đặc biệt của hang Mo So.
Lối nhỏ vào hang (Ảnh: Hán Hải Yến)
Hang nối tiếp hang, thạch nhũ nối tiếp thạch nhũ, khi bạn tập trung lần theo dấu đá thì chẳng còn nhớ gì đến khái niệm về thời gian nữa. Ngày bỗng ngắn lại, vì trời cũng chập choạng xế. Tiếp đó, bạn sẽ vào một lối đi nhỏ chỉ một người qua. Bước chân qua khỏi lối đi ấy ra khỏi hang, trước mắt bạn là một thung lũng tràn ngập ánh sáng với cây cối và hồ nước trong xanh. Không ồn ào náo nhiệt, nơi đây chỉ có tiếng chim gù, tiếng gió thổi kèn qua kẽ lá. Đứng ở đây bạn chỉ nên thầm thì nhỏ to vì chắc chắn bạn sẽ chẳng muốn phá tan bầu không khí an yên tuyệt vời này đâu. Chắc chắn là như vậy.
Qua hàng triệu năm, mẹ thiên nhiên đã kiến tạo nên một Mo So vô cùng ấn tượng (Ảnh: Hán Hải Yến)
Chưa hết đâu, còn những hang động khác ở Mo So vẫn đang chờ chúng tôi khám phá. Thế nên, nấn ná một lúc, chúng tôi tiếp tục theo chân anh hướng dẫn đoàn. Đến Kiên Giang và khám phá hết hang Mo So để thấy tạo hóa thật vĩ đại khi để lại những dấu tích thời gian thật ấn tượng và kỳ thú trên vạn vật hoang vu như vậy. Đi đi bạn.
Thung lũng xanh giữa lòng Mo So