Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Phủ Tây Hồ - Di tích lịch sử nổi tiếng Hà Nội

Thứ hai, 02/03/2015, 11:53 GMT+7
Phủ Tây Hồ (còn gọi là phủ Mẫu Tây Hồ) thờ bà chúa Liễu Hạnh. Đó là một trong tứ bất tử của Việt Nam (Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh). Cùng Du Lịch Việt Nam tìm hiểu thông tin về di tích lịch sử ở Hà Nội nổi tiếng này.
Vị trí: Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Đặc điểm: Phủ thờ bà chúa Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nhìn trên bản đồ, Hồ Tây có hình giống như chiếc càng cua, nơi bán đảo nhô ra mặt nước, mỏm xa nhất, đẹp nhất, quanh năm dập dềnh sóng nước, êm ả mây trời, lảng bảng sương lam. Đây chính là nơi tọa lạc của Phủ Tây Hồ hay còn gọi là Phủ Mẫu Tây Hồ. Đây cũng là điểm du lịch Hà Nội thu hút lượng lớn du khách viếng thăm hàng năm.
 

Tục truyền rằng: bà chúa Liễu Hạnh tên thật là Quỳnh Hoa – con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian vì tội làm vỡ cái ly ngọc quý. Xuống hạ giới, nàng chu du, khám phá khắp mọi miền, qua đảo Tây Hồ dừng lại, phát hiện ra đây là nơi địa linh sơn thủy hữu tình, bèn lưu lại mở quán nước làm cớ vui thú văn chương giữa thiên nhiên huyền diệu. Như tiền duyên xui khiến, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan trong lần đi thuyền dạo chơi trên hồ, thấy cảnh đẹp, bèn ghé vào quán Tiên chúa. Tâm đầu ý hợp, họ cùng vịnh bài thơ “Tây Hồ ngự quán” mà nay vẫn còn lưu truyền mãi. Tiên chúa ở đây trong bao lâu không ai biết, chỉ biết khi Phùng Khắc Khoan trở lại tìm thì nàng không còn. Để nguôi ngoai nỗi nhớ, ông cho lập đền thờ người tri âm.

Theo kinh nghiệm du lịch Hà Nội, Phủ Tây Hồ có quy mô không lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp, tạo ra cảm giác lâng lâng, thanh thoát cho khách hành hương mà trong lòng mang niềm tục lụy cần được giãi bày, cảm thông và giải tỏa. Phủ thờ Ngọc Hoàng Thượng đế có Nam Tào Bắc Đẩu hầu hai bên, có tam Mẫu, đệ nhất là Mẫu Liễu Hạnh, đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ tam là Mẫu Thoải (tức là bà Chúa rừng và Bà chúa nước).

Vào đến sân, qua cái cổng có vòm cong, thấy ngay cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Bà Chúa Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan…

Đến Phủ, không những là để tỏ lòng thành kính, thực hiện một ý nguyện cầu xin và giải tỏa nỗi niềm, thực hiện một nghi thức tâm linh tại khu di tích lịch sử Hà Nội nổi tiếng này, mà còn là để thư giãn tinh thần, thăm một cảnh đẹp, có nước mây thoát tục, một danh thắng hiếm có ngay giữa lòng Thủ đô Kẻ Chợ, gặp một chút xưa giữa nay, và tạm lắng nay lại để man mác cùng xưa, ru hồn mình vào mong ước tốt đẹp.


Cũng không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trên đường vào Phủ và ngay trước cổng, mọc lên hàng trăm quán hàng ăn uống và các thứ hàng mua bán khác, trong đó có món ăn Hà Nội: bún ốc. Nói đến Phủ, người ta nghĩ ngay đến bún ốc quá quen, cũng như nói đến bún ốc, người ta hỏi nhau ngay: Phủ Tây Hồ chăng? Đã hình thành một dãy phố dài ngay trên bán đảo, trước khi dẫn đến nơi đất thiêng này. Nó chẳng khác nào miếng vá trên tấm áo thiên tiên, cần u huyền thanh tao cho tâm linh bay bổng, nhưng lại níu kéo về mặt đất.

Vào các ngày 7-8-9 tháng 3 âm lịch và những ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, không chỉ những người Hà Nội, mà khách hành hương từ nhiều nơi khác cũng kéo nhau về trong dịp du lịch lễ hội, vừa đi lễ Mẫu ban cho điều an lành và mọi sự may mắn, vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp hữu tình hồ Tây.
Dulichvietnam.com.vn
Sưu tầm