Gà ăn mày, món ăn nghe lạ tai này là món ăn nổi tiếng ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Cách chế biến độc đáo mà không quá cầu kỳ, hương vị thơm ngon, thịt mềm ngọt, khiến món gà ăn mày dễ dàng chinh phục cả những vị khách khó tính nhất.
Món gà ăn mày nổi tiếng ở Hàng Châu, Trung Quốc không chỉ là một món ăn mang hương vị thơm ngon hấp dẫn với cách chế biến vô cùng độc đáo mà nó có cả một câu chuyện thú vị về xuất xứ của nó.
>> Xem thêm: Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Bắc Kinh - Trung Quốc
Được biết, gà ăn mày xuất hiện từ thời nhà Thanh (1644 - 1911). Có lẽ ai cũng thắc mắc vì sao món ngon này lại có tên là "ăn mày". Thật ra, cái tên "ăn mày" có liên quan đến người đã sáng tạo ra nó – người ăn mày.
Tên gọi của món gà ăn mày xuất phát từ câu chuyện thú vị về một người ăn mày. Theo đó, có một người ăn mày nọ trong lúc túng đói đã làm liều, trộm một con gà của người dân ven đường.
Khi đang nhóm lửa chuẩn bị chế biến, bất chợt gã thấy Hoàng thượng và các vị cận thần đang tới gần. Quá hoảng loạn và sợ hãi, gã vội vàng bọc con gà trong lá sen rồi đắp đất sét xung quanh, rồi ném thẳng vào đống lửa. Chính sự vô tình này tạo thành một món ăn dân dã mà độc đáo.
Mùi hương thơm kỳ lạ bay ra khiến Hoàng Thượng rất ngạc nhiên, dừng bước và dùng bữa cùng kẻ ăn mày kia. Thật ngạc nhiên, món ngon đến mức Hoàng thượng khăng khăng muốn biết cách chế biến món ăn này. Và kết quả là món gà ăn mày đã được đưa vào thực đơn trong cung của vua và trở thành một món ăn rất nổi tiếng ở Hàng Châu hiện nay.
Cũng có một sự tích khác kể về nguồn gốc gà ăn mày. Chuyện kể rằng, gã ăn mày ở Hàng Châu vì quá đói nên đã liều đánh cắp một con gà của nhà vườn trong vùng. Bị người chủ gà đã phát hiện và đuổi theo. Gã ăn mày chạy thục mạng ra bờ sông, vùi nhanh con gà xuống lớp bùn cạnh mép nước rồi bỏ chạy thật mau để không bị bắt.
Tối đến, khi người chủ gà không còn truy tìm nữa thì gã ăn mày trở lại bờ sông và nhóm một đống lửa rồi lôi con gà lên. Vì quá đói nên gã ta chẳng nghĩ gì đến việc rửa sạch con gà mà cứ để nguyên bùn đất thế rồi cho vào đống lửa nướng luôn.
Nhiệt nóng từ lửa đã làm lớp bùn bên ngoài con gà khô cứng lại. Khi người ăn mày đập vỡ lớp bùn thì lớp lông gà cũng rơi ra theo để lộ phần thịt gà vàng ươm và thơm nức. Người ăn mày không ngờ con gà dính đầy bùn đất sau khi nướng lên lại có vị ngon xuất sắc đến vậy.
Sau khi được thưởng thức món gà tuyệt vời này, người ăn mày bắt đầu bán món ăn này cho những người dân trong làng. Tiếng lành đồn xa, món gà ăn mày của gã đến tai nhà vua. Nhà vua tìm đến tận nơi để thưởng thức và quả như lời đồn, sau khi thưởng thức món ăn được nhiều người khen ngợi, nhà vua ra lệnh bổ sung ngay công thức mới này vào thực đơn hoàng cung. Dù trở thành món ăn hoàng cung nhưng dân gian vẫn quen gọi cái tên gà ăn mày và được lưu truyền tới tận ngày nay.
Ngày nay, món gà ăn mày vẫn gần như giữ nguyên các bước truyền thống trước kia, tuy nhiên được chế biến cầu kỳ hơn trước, đảm bảo hương vị của món ăn từng xuất hiện ở Hoàng cung. Tiếng lành đồn xa, sau khi nghe danh món ăn, rất nhiều khách tới Hàng Châu để thưởng thức món ăn này.
Chế biến món gà ăn mày kiểu Hàng Châu không quá cầu kỳ, nhưng phải đảm bảo đủ nguyên liệu. Để có thành phẩm thịt gà thơm ngon, người ta sẽ chọn giống gà thả vườn với phần thớ thịt săn chắc. Sau khi gà được làm sạch, đem ướp cùng hoa hồi, dầu đinh hương, nước tương, quế, muối, đường, hạt tiêu, một vài loại thảo mộc khác và để một lúc cho ngấm.
Phần nhân bên trong bụng gà ăn mày là một thành phần quan trọng, bao gồm hỗn hợp thịt lợn, tôm nõn, nấm hương, gừng, hành củ được xào chín thơm. Sau đó, gà được khâu kín lại. Tiếp đó là bọc gà trong lá sen. Thao tác này rất quan trọng, đòi hỏi người đầu bếp phải bọc kín gà không được để hở phần nào. Cuối cùng là đắp đất sét bên ngoài vừa phải, không quá dày hay mỏng. Loại đất sử dụng bọc gà cần đảm bảo độ dẻo dính, hòa quyện, không quá khô hay quá ướt. Loại đất này có thể lấy tại ao hồ hay đồng ruộng.
Khâu cuối cùng là nướng gà. Cách làm truyền thống và ngon nhất là nướng trên củi khô. Thời gian nướng khá lâu, có thể kéo dài từ 1-2 tiếng. Lửa ở mức vừa phải để món gà ăn mày chín dần dần. Đây là bước quan trọng, người đầu bếp phải canh lửa sao cho không to quá, cũng không nhỏ quá, nếu không, gà sẽ cháy sém hoặc chưa chín.
Ngày nay nhiều hàng quán ở Trung Quốc gọi món gà ăn mày bằng cái tên mỹ miều hơn là “gà nung đất sét”. Công thức làm món gà này cũng được biến tấu cầu kỳ hơn để thêm phần lạ miệng. Gà ăn mày được đánh giá là món đặc sản ngon nhất, xứng đáng phải thử một lần khi đến Hàng Châu.
Có những món ăn mà mới chỉ nghe tên gọi thôi cũng khiến người nghe cảm thấy tò mò và muốn được thưởng thức ngay lập tức. Có những món ăn có tên gọi giản dị, có món ăn lại có tên gọi đặc biệt, nghe một lần là nhớ, món gà ăn mày Trung Quốc là một món ăn như vậy.
Cái tên gà ăn mày thoạt nghe rất lạ tai nhưng là món ăn độc đáo trong ẩm thực Trung Quốc. Gà ăn mày mang hương vị thơm ngon tự nhiên từ hương thoang thoảng của lá sen, các vị thảo mộc, thớ thịt mềm và phần nhân béo ngậy. Cùng cách chế biến độc đáo khiến gà ăn mày Trung Quốc chinh phục được rất nhiều thực khách.
Từ món ăn được chế biến tình cờ bởi người ăn mày, đến nay, gà ăn mày trở thành một trong những món ăn hấp dẫn trong ẩm thực Hàng Châu được khách du lịch ưa chuộng và luôn chọn để thưởng thức mỗi khi có dịp du lịch Trung Quốc./.
>> Xem thêm: Sự thật về nguồn gốc của đôi đũa gắp thức ăn gắn liền với 'yêu hồ' Đát Kỷ
Nguyễn Ngân