Banner Movi
Triều Tiên

Du lịch DMZ: Ước mong hàn gắn chia cắt

Thứ hai, 17/06/2019, 09:46 GMT+7
Ngày 27/7/1953, DMZ được thành lập như là một phần trong thỏa thuận đình chiến giữa Triều Tiên, quân tình nguyện Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc.

Du lịch DMZ: Ước mong hàn gắn chia cắt
Những dải băng mang tin nhắn, ước nguyện về sự thống nhất hai miền Triều Tiên 
 
Tuy nhiên, hiệp ước hòa bình chưa bao giờ được ký. Trải dài hơn 240km dọc theo vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên, Khu phi quân sự DMZ là một trong những biên giới được canh gác nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Đây cũng được coi là di tích sống động của thời kỳ Chiến tranh lạnh, đồng thời là một điểm thu hút khách du lịch. Đây là một nơi mùa Đông đến sớm và lạnh nhất trên bán đảo Triều Tiên.
 
Tuy nằm trong không khí căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, nơi đây vẫn là địa điểm được rất nhiều khách du lịch yêu thích.
 
DMZ cách Seoul khoảng 50km, theo thống kê, mỗi năm, DMZ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đón hơn 1,2 triệu lượt khách, mỗi ngày thu hút hơn 3000 khách du lịch đến đây tham quan về chứng tích lịch sử chiến tranh lạnh giữa hai miền Bắc - Nam Triều Tiên. Không chỉ đưa đến cơ hội tìm hiểu về lịch sử, Hàn Quốc cũng khéo léo truyền tải thông điệp về hòa bình tại bán đảo Triều Tiên thông qua những video trình chiếu và các thông tin hữu ích khác.
 
Tại đây, du khách có thể quan sát vùng đất bên kia biên giới với vô số những kính thiên văn nhỏ hoạt động bằng tiền xu được đặt trên đỉnh núi. Từ đài quan sát Dora, du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những cảnh quan của Triều Tiên.
 
Du lịch DMZ: Ước mong hàn gắn chia cắt
Du khách chụp ảnh lưu niệm trên đường ray ga tàu tại DMZ phía Hàn Quốc
 
Mang tên gọi phi quân sự nhưng thực chất DMZ trên bán đảo Triều Tiên lại là nơi được trang bị vũ trang dày đặc nhất trên thế giới với vô số bãi mìn cùng hàng rào thép gai trơ trọi với thời gian và luôn thường trực quân đội của Triều Tiên, Hàn Quốc và Liên Hợp Quốc đóng giữ... Chính vì lẽ đó nó được coi là khu DMZ nguy hiểm nhất, điều đó dường như thu hút du khách muốn một lần được đặt chân tới đây. Trải nghiệm được nhiều du khách mong mỏi nhất đó là đứng giữa ranh giới chia cắt 2 nước từ thời chiến tranh lạnh, tham quan địa đạo số 3: Đây là một trong 4 đường hầm được Triều Tiên đào bên dưới khu phi quân sự. Địa đạo này dài 3,5km, chiều rộng và chiều cao 1m, có một kết cấu vô cùng chặt chẽ và rất khó để bạn có thể ra khỏi nơi này nếu không có sự chỉ dẫn. Du khách sẽ được bảo vệ bởi những chiếc mũ cứng và tham quan những buồng giam chật chội dưới lòng đất.
 
Tới đây, du khách còn được tham quan ga tàu có đoàn tàu cuối cùng nối liền 2 miền Nam-Bắc Triều Tiên. Mang thiết kế mái nhà cách điệu hình ảnh hai bàn tay nắm lấy nhau, ga Dorasan được xây dựng rất hiện đại. Vào năm 2007, tuyến đường sắt liên Triều đã được khởi hành từ Dorasan đến ga Panmun thuộc CHDCND Triều Tiên, báo hiệu những dấu hiệu tích cực cho việc hòa giải hai miền. Về các quy tắc ứng xử khi đến thăm DMZ, Hàn Quốc đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với Triều Tiên. Một số quy tắc bắt buộc như không đi dép, không mặc đồ ngụy trang, quần short hoặc quần jean rách cũng như không vẫy tay, ra tín hiệu hoặc chụp ảnh mà không được phép.
 
Đặc biệt, không thế đếm được bao nhiêu dải băng mang tin nhắn ước nguyện về sự thống nhất hai miền Triều Tiên được treo ở đây cũng là một cảnh tượng găm lại trong lòng du khách về ước mong hòa bình sẽ sớm đến với hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên.
Y.T
Theo Báo Du lịch