Có lẽ khi nói đến du lịch Thái Lan, nhiều người sẽ chọn ngay Bangkok nhưng với nhóm bạn của anh chàng Hiệp Lê đến từ Hà Nội này thì khác. Thay vì tìm đến nơi đông đúc, nhộn nhịp đó thì họ chọn một nơi chốn yên bình và nhẹ nhàng hơn để sống chậm lại, mà vẫn được ăn ngon mặc đẹp, ảnh ọt sống ảo đầy máy. Và còn đâu thích hợp hơn nữa ngoài Chiang Mai.
Nếu bạn muốn tìm một nơi để đi du lịch ngắn ngày (3 -5 ngày), di chuyển thuận tiện và chi phí hợp lý, lại bình yên, nhẹ nhàng hơn Bangkok nhưng không thiếu những chốn ăn chơi giải trí, cùng với hàng tỷ góc “sống ảo” thì tin mình đi, Chiangmai sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Đó là chia sẻ của chàng Hiệp Lê mà nếu cảm thấy thích thú bạn có thể xem quan lịch trình Chiang Mai 5 ngày 4 đêm của họ dưới đây.
Nên đi Chiang Mai mùa nào?
Thực tế thì mùa đẹp nhất để đi Chiang Mai là từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm, vì khoảng thời gian này khí hậu ở đây mát mẻ, cùng nhiều lễ hội hấp dẫn. Tuy nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc rất đông khách du lịch đổ xô về Chiang Mai khoảng thời gian này. Nhóm mình đi vào tháng hè nhưng thật may, mấy hôm mình đi thời tiết cũng rất đẹp, trời nắng tuy nhiên cái nóng không quá gay gắt khó chịu, buổi chiều tối có mưa giông nhưng chỉ một lát là hết, giống kiểu Sài Gòn.
Rất may là nhóm mình đi trúng những ngày đẹp trời
Ưu điểm đi vào dịp này là số lượng khách du lịch không đông, vé máy bay tương đối rẻ, có nhiều lựa chọn về phòng ốc chỗ nghỉ hơn… Vì thế nên tuỳ vào nhu cầu và sở thích của mình, các bạn lựa chọn thời gian thích hợp để đi Chiang Mai nhé.
Đi đứng thế nào ở Chiang Mai như thế nào?
Chiang Mai có một điểm bất tiện so với Bangkok đó là sự thiếu vắng của các phương tiện công cộng như MRT hay Skytrain. Vì thế nên chúng ta sẽ phải chấp nhận một sự thật là di chuyển đôi khi có không được như ý muốn lắm. Một số loại hình di chuyển ở Chiangmai mà mình thử qua là Songthaew (giá khoảng 30bath), grab – phương tiện di chuyển chính của nhóm (nếu chỉ loanh quanh thành phố ít khi lên đến 100 bath) và ô tô (giá thuê xe thì phụ thuộc vào khả năng chốt deal của bạn). Theo mình thấy nếu đi nhóm đông và có nhu cầu đi xa khỏi Chiang Mai thì đây là lựa chọn gần như duy nhất và tốt nhất dành cho bạn đấy.
Chiếc xe màu đỏ đằng sau lưng mình là Songthaew – biểu tượng đặc trưng của Chiang Mai đó
Đến Chiang Mai như thế nào?
Mình bay đến Chiang Mai trên chuyến bay của AirAsia, cất cánh lúc 15h20p tại sân bay Nội Bài và đến nơi lúc 16h50p, không delay phút nào. Vé máy bay mình mua thẳng trên web của AirAsia với giá khứ hồi là 2tr3, khá hợp lý. Đến nơi thì mình ra cửa 11 của sân bay lấy sim của Klook rồi bắt taxi về Airbnb thuê từ trước đó. Bạn lưu ý là nếu bạn gọi taxi qua quầy của sân bay thì sẽ mất thêm 50 bath phí nhé. Tốt nhất là book Grab cho nó lành ạ. Nếu các bạn thuê xe máy để đi thì cứ lên Google Maps nhé, gõ tên vào sẽ ra đường đi lối lại chi tiết luôn.
Mình bay đến Chiang Mai trên chuyến bay của AirAsia
Chổ ở tại Chiang Mai
Chiang Mai có đầy đủ loại hình lưu trú với giá cả ở nhiều mức phù hợp túi tiền. Lần này đi nhóm đông nên mình quyết định chọn thuê Airbnb theo hình thức nguyên căn cho thoải mái, lại có không gian chung tụ tập. Airbnb mà mình thuê tên là The easy life & bike by A, nằm ở khu Nimman cách trung tâm mua sắm MAYA một quãng đường ngắn, và khá gần sân bay.
Đây là bên trong căn hộ mini mà nhóm mình thuê ở trong những ngày ở Chiang Mai
Căn hộ có hai tầng, 2 phòng ngủ lớn, 2 toilet, bếp, phòng khách, máy giặt… đầy đủ. Nói chung bọn mình 7 người ở đây đều cảm thấy hài lòng. Giá thuê là 3.480k cho 5 ngày 4 đêm. Tính ra mỗi người mất có 500k tiền ở, rất rẻ phải không nào.
Hình trình tung hoàng Chiang Mai
Trước khi đi, nhóm mình đã lên kế hoạch những điểm mà bọn mình sẽ đến, nhưng trong hành trình cũng có một vài điểm phát sinh thêm.
Ngày thứ nhất ở Chiang Mai
Night Bazaar Market
Sau khi làm xong thủ tục rồi về tới chỗ ở thì cũng khá muộn và cũng rất đói. Vì thế bọn mình ra luôn Night Bazaar Market để vừa ăn uống xong đi chơi luôn. Tuy nhiên thì có hơi thất vọng vì khu chợ khá tạp nham, đồ được bày bán thì hầu hết là đồ Trung Quốc chứ không có nhiều đồ Thái Lan.
Night Bazaar Market – khu chợ đêm bán rất nhiều đồ
Trong chợ thì cũng có khu ăn uống với đầy đủ món ăn, nếu ai là tín đồ của món Thái mình nghĩ đây chắc chắn là một thiên đường cho bạn thỏa mãn đam mê ăn uống. Giá cả thì rẻ thôi, trung bình 60-80 bath một món.
Đồ ăn ở chợ giá rẻ, bạn nên thử
Khu Ploen Ruedee
Sau khi cảm thấy hơi thất vọng với Night Bazaar Market thì tự dưng mình lang thang ra ngoài thì bắt gặp khu Ploen Ruedee. Khu này nằm trong Night Bazzar, ngay mặt đường luôn dễ tìm lắm nhé các bạn. Đúng kiểu nhìn phát phải thốt lên luôn: “Chỗ này chill phết!”.
Chỗ này phải nói rất đẹp và chill
Đây là một khu bán đồ ăn ngoài trời, xong ở giữa có một sân khấu, nơi ban nhạc chơi các bài hát tiếng Anh hay xuất sắc, ở dưới thì mọi người có thể mua đồ ăn thưởng thức hoặc làm chai bia rồi xem ca nhạc…
Khu ăn uống ngoài trời có cả sân khấu chơi nhac, rất đông vui
Cũng trong khu này, lần đầu tiên mình được thưởng thức món hải sản xô kiểu Thái ở cửa hàng Siam Signature. Quán này có rất nhiều combo hải sản cho bạn lựa chọn, đồng thời có nhiều mức độ cay, đảm bảo ai cũng ăn được. Nói chung vừa ngon lại vừa chụp ảnh lên rất đẹp nữa nhé.
Bạn sẽ bắt gặp những quán hải sản xô kiểu Thái như thế này khi tới khu Ploen Ruedee
Ngày thứ 2 ở Chiang Mai
Sáng ngày thứ 2 ở Chiang Mai, bọn mình dậy sớm để đi đồi Doi Suthep. Từ trong ngõ nhà Airbnb mình thuê đi thẳng xong rẽ trái sẽ đến trường đại học Chiang Mai, là chỗ có thể bắt xe Songthaew theo chỉ dẫn của chủ nhà. Trước khi đi, bọn mình có ghé quán cơm gà Hải Nam này ăn. Thịt gà mềm mà không bị bở, cơm dẻo và thơm, lại còn được bonus thêm bát nước dùng gà ngọt ngào đi vào lòng người, giá chỉ 50bath/ suất.
Quán cơm gà Hải Nam trên đường đến đồi Doi Suthep
Đồi Doi Suthep
Bọn mình book xe Songthaew đi đồi Doi Suthep. Đồi Doi Suthep cách thành phố Chiangmai khoảng 20km. Ở đây có chùa Phrathat Doi Suthe, chùa nằm trên đỉnh đồi Doi Suthep là một trong những nơi linh thiêng nhất Chiang Mai với tuổi đời hơn 600 năm. Muốn lên đến chùa chùa Phrathat Doi Suthep bạn phải leo hơn 300 bậc thang rất là cao. Tuy nhiên, nhóm mình chọn đi cáp treo vì để dưỡng sức cho hành trinh sau nữa. Tổng thiệt hại sẽ là 50 bath vé vào cửa và 30 bath tiền đi cáp treo.
Ở đồi Doi Suthep có chùa Phrathat Doi Suthe – ngôi chùa hơn 600 năm tuổi
Khuôn viên chùa Phrathat Doi Suthep khá lớn và nổi bật với một bảo tháp cao được mạ vàng và có thể nhìn thấy từ xa lấp lánh ánh sáng. Vào chùa bạn nhớ bỏ giày dép và ăn mặc kín đáo nhé. Bạn lưu ý là có thể đi ra phía sau chùa, sẽ có một khoảng sân nhìn thấy toàn bộ Chiang Mai từ trên cao.
Khuôn viên và kiến trúc ấn tượng của ngôi chùa
Và đây là khoảng sân sau lưng chùa
Làng Baan Kang Wat
Từ Doi Suthep, chúng mình lên xe về Baan Kang Wat, cách trung tâm Chaing Mai khoảng 10 km. Đây là khu phức hợp các cửa hàng nho nhỏ bán đồ handmade, quán cà phê, kem tươi, phòng sách, phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, những khu vườn xinh xinh… Tất cả đều chill chill, art art, tràn ngập ánh sáng và màu xanh của cây cối.
Baan Kang Wat là một khu phức hợp gồm nhiều cửa hàng, được ví như “ngôi làng sống ảo”
Baan Kang Wat thực sự là điểm sáng chói loà với mình trong hành trình ở Chiang Mai luôn.Xin mạnh dạn tự đặt tên cho làng là “Ngôi làng sống ảo”. Ai mà đam mê sống ảo như mình có lẽ nên làm cái lều xong sống ở đây luôn thôi các bạn ạ. Bạn nào thích phong cách Zakka, Mori, Vintage, Rustic… thì đến đây chắc sẽ bị mê ngay.
Nếu bạn là team thích sống ảo thì đừng bỏ qua địa điểm này
Dù chỉ gói gọn trong phạm vi của một ngôi làng nhỏ, nhưng ở Baan Kang Wat có một danh sách dài các quán cà phê cho bạn lựa chọn theo đủ loại phong cách: cổ điển, hiện đại, kiểu Âu, sân vườn hay cà phê sách... Giờ mở cửa các tiệm ở đây cũng giống như các nơi khác ở Thái Lan, khá muộn. Bạn nên đến từ 10h sáng nhé.
Các quán cà phê ở đây được thiết kế rất ấn tượng
Nếu bạn nào đến đây buổi trưa hoặc đơn giản là đói bụng có thể ghé quán The Old Days Bistro xem sao. Đây là một nhà hàng nhỏ chuyên về pasta và breakfast, giá từ 100-200 bath 1 món, không gian thiết kế kiểu cổ kính lại rất thiên nhiên. Đồ ăn ở đây bày trí khá đẹp mắt, khá ngon nhưng theo khẩu vị riêng của mình thì thấy hơi nhạt.
Đồ ăn ở The Old Days Bistro bày trí khá đẹp mắt, khá ngon
Quán cà phê No.39
Từ Baan Kang Wat, các bạn có thể tiện thể đi luôn quán cà phê No.39 nằm cách đó khoảng 10 phút đi bộ nhé. Đây cũng là một trong những quán được nhiều người check-in nhất khi đến Chiang Mai đó. Điểm thu hút của quán cà phê này là căn nhà gỗ độc đáo với chiếc cầu trượt nằm cạnh hồ, tạo cảm giác rất bình yên.
Quán cà phê với không gian rất xanh mát và yên bình
Trung tâm thương mại MAYA
Chiều đến tụi mình quyết định đi mail cho mát. MAYA là mail mới, rất to đẹp, hoành tráng và nằm ở ngay trung tâm khu Nimman. Trong này có khu food court khá nhiều đồ ăn ngon, đồng thời có nhiều nhãn hiệu thời trang giá vừa phải bạn có thể mua được như HM hay Jaspal, Lyn…
Trung tâm thương mại MAYA ở Chiang Mai rất hoành tráng
Khu One Nimman
Từ MAYA bạn đi sang đường một đoạn là đến khu One Nimman nhé. Nếu như thích Baan Kang Wat 10 thì mình cũng phải thích One Nimman khoảng 8 đó các bạn. Cái sự Châu Âu nó toát lên trong mọi ngóc ngách, từ những viên gạch màu cam, biển hiệu kiểu retro, thậm chí từng bậc cầu thang lên xuống, rồi tháp chuông đồng hồ, khu vực quảng trường rộng rãi…
Đến khu One Nimman cứ ngỡ như lạc vào một nơi chốn nào đó ở châu Âu vậy
Vào đây như kiểu được lạc đến một đất nước nào đó ở châu Âu vậy. Mình nghĩ chỗ One Nimman này buổi tối sẽ khá đẹp, vì thấy ngoài quảng trường có treo đèn các thứ các thứ, mà không có thời gian để quay lại nữa. Thôi đành hẹn lần sau vậy.
Một góc ở khu One Nimman
Phố đi bộ One Nimman
Kế bên quảng trường là phố đi bộ One Nimman, nằm trong một toà nhà mái vòm với lối kiến trúc sang trọng, cùng hàng quán độc đáo dọc hai bên đường. Trong này có quán cà phê Graph, mà bạn lên Instagram sẽ thấy các travel bloggers nổi tiếng check-in lia lịa luôn. Nếu ghé quán bạn nhớ mua thử một ly Monochrome uống thử nhé.
Phố đi bộ One Nimman có kiến trúc sang trọng cùng nhiều hàng quán độc đáo hai bên
Chơi ở One Nimman xong thì bọn mình di chuyển ra quán Khao Soy Nimman cách đó mấy trăm mét để ăn thử món ăn nổi tiếng nhất Chiang Ma xem sao – Kao Soy. Kao Soy Nimman có gía cao hơn các hàng khác một chút do là nhà hàng lịch sự sạch đẹp, lại có nhân viên biết tiếng Anh. Giá khoảng 65-100bath một phần ăn.
Đã đến Chiang Mai phải ghé quán Khao Soy Nimman ăn món Kao Soy
Saturday Night Market
Buổi tối thứ hai ở Chiang Mai bọn mình lại đi chợ đêm tiếp. Nếu Bangkok có phiên chợ cuối tuần Chatuchak, thì ở Chiang Mai cũng có hai phiên chợ chỉ họp vào Thứ Bảy và Chủ Nhật cuối tuần. Saturday Night Market nằm trên con phố Wua Lai trong khu vực Old Town, họp từ 4 giờ sáng đến tận nửa đêm. Chợ rất đông đúc, hầu như không có không gian để di chuyển luôn.
Chợ đêm lần 2 vì còn nhiều chỗ chưa khám phá hết
Nếu bạn đến các khu chợ đêm ở Chiang Mai thì chắc chắn sẽ nhìn thấy những quầy hàng bày bán những cuộn xúc xích dài cuốn tròn cực kì hấp dẫn
Saturday Night Market là nơi tập trung các mặt hàng thủ công, đồ bằng bạc, gỗ, các loại trang phục từ hiện đại đến truyền thống, giỏ xách, khăn, thổ cẩm và nhiều món đồ lưu niệm có thể mua về làm quà kiểu như bánh xà phòng, móc khoá… Chợ này có rất nhiều người Trung Quốc bán hàng nhé.
Trong và bên ngoài chợ phải có đến cả trăm quán ăn street nên bạn có thể đến chợ từ sớm để ăn tối
Còn tiếp …
Ảnh + Review: Hiệp Lê