Cùng leo lên đỉnh của "Đồng Nai" và trải dài tầm mắt quan sát toàn khung cảnh của miền Đông Nam Bộ và cũng là ngọn núi cao đứng thứ hai của miền Nam Việt Nam, chỉ sau Bà Đen - Tây Ninh.
Toàn cảnh nhìn từ đỉnh Chứa Chan
Núi Chứa Chan ở đâu?
Chứa Chan vốn thuộc địa phận xã Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, cách Sài Gòn gần 100km. Đây là ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ với độ cao 837m. Ấy, đừng thấy xếp thứ hai thì cho rằng không hứng thú. Nhầm to rồi bạn nhé. Rất nhiều phượt thủ đã dấn thân để leo lên đỉnh và chạm tay vào cột mốc 837m kỳ diệu này đấy. Chẳng kém cạnh gì so với Bà Đen đâu bạn ơi.
Cách di chuyển đến Chứa Chan từ Sài Gòn
Tụi mình thích vi vu bằng xe máy. Bạn có thể đi từ hướng ngã ba Vũng Tàu - ngã ba Dầu Giây (đường đi Đà Lạt) - đi thẳng theo Quốc lộ 1A qua Long Khánh đến Xuân Lộc thì hỏi người dân hoặc tra google map là ra đường vào chân núi nhé.
Hoặc sau khi đến thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, bạn đi theo đường Ngô Quyền đến đường Hoàng Đình Thương thì rẽ trái. Đi đến hết đường, các bạn sẽ thấy chỗ giữ xe Leo Núi Phượt có camera. Mọi người cứ yên tâm để xe ở đây, sau đó đi bộ khoảng 200m nữa là đến đường leo núi theo đường cột điện.
Có 2 cung leo núi Chứa Chan
Có hai con đường lên đỉnh núi (trung bình sẽ mất khoảng 3 tiếng)
● Đường cột điện: bắt đầu từ cột điện số 20, leo men theo đường cột điện đến cột điện 140 là tới đỉnh. Càng lên cao, khoảng cách giữa các cột điện càng tăng dốc. Đường nhiều dốc, đá, đôi chỗ khó đi nhưng khó lạc. Nên không lo nhé. Bạn cứ đi từ từ là ổn.
● Đường chùa: từ chân núi có thể leo bậc thang hoặc đi cáp treo đến một ngôi chùa khoảng lưng chừng 1/3 núi. Từ đây theo đường mòn lên đỉnh, rất dễ lạc vì nhiều lối rẽ, nhưng dốc thoải, dễ leo.
● Bạn có thể chọn lên 1 đường, về 1 đường hoặc chọn 1 đường để lên và về đều được. Kỳ này, mình lên bằng đường cột điện và về bằng đường chùa cho có sự trải nghiệm đầy đủ nhất.
Lịch trình
Bọn mình di chuyển từ Sài Gòn lúc 7 giờ sáng, khoảng 9h30 là đến điểm giữ xe máy ở chân núi đường leo cột điện.
Khi đi leo núi Chứa Chan theo đường cột điện, bạn chỉ cần đi dọc đường mòn, nhìn theo cột điện có đánh số và đường dây điện. Ở đây có khoảng 125 cột, nhưng đánh số bắt đầu từ số 20, do đó bạn chỉ cần để ý đến cột 145 là đến đỉnh núi.
Chuẩn bị leo núi nào
Theo mình thấy thì khoảng mấy chục cột đầu tiên khá gần nhau nên bạn sẽ đi rất nhanh và đường dễ đi.
Thiên nhiên bao la quanh ta tại con đường đến với Chứa Chan
Cho đến cột thứ 50, thử thách bắt đầu xuất hiện với cường độ tăng dần vì đường leo núi Chứa Chan có một con dốc khá dài và cao. Đây là đoạn đường thử thách nhất, còn lại đa phần là đường khá dễ dàng để di chuyển. Những con đường rợp bóng cây gỗ, càng lên cao, tầm mắt càng rộng dần, gió mát rười rượi phần nào thấm bớt mồ hôi. May quá thời tiết hôm ấy rất đẹp, dù nắng khá gắt nhưng khí trời và gió trên cao luôn mát lạnh. Điều này giúp cả đoàn dễ thở hơn rất nhiều.
Lời động viên “Cố lên”
Đặc biệt, ở cột điện số 99, nhớ lưu ý rẽ trái đi theo đường cột điện, cẩn thận đi nhầm qua đường mòn đi lấy tre của người dân nhé. Mình lơ tơ mơ ở đoạn này đấy. Đến được đây rồi thì bạn nên tự hào vì mình đã vượt qua quãng đường gian nan nhất, đoạn sau đó khá thoải, dễ đi hơn rất nhiều.
Càng lên cao, tầm nhìn càng rộng nhé
Cột điện thứ 140 là một doanh trại bộ đội trên này, các anh rất thân thiện hỏi han, gợi ý cho đoàn nước uống hay chỉ dẫn đoàn mình chỗ hạ trại là đẹp nhất.
Khu doanh trại của các anh bộ đội
Theo đường cột điện, bạn sẽ mất khoảng 2 đến 4 tiếng để leo lên đỉnh núi và 1,5 đến 2 tiếng khi xuống.
Đồng lau sậy cao quá đầu người cực đẹp
Sau khi lên đến đỉnh, tụi mình thoải mái check-in tọa độ 837m, chụp ảnh với đồng lau sậy cao và nghỉ trưa trên đỉnh. Gió siêu mát, tầm nhìn bao quát bốn phía. Cảm giác tự do và như đang bay giữa trời lộng gió.
Đến đỉnh Chứa Chan rồi
Check-in nào
Vi vu chụp ảnh nhé
Ở đây đến tầm 3h chiều, đoàn mình bắt đầu di chuyển về lại chân núi bằng đường chùa.
Phút nghỉ ngơi trên đỉnh
Con đường này thoạt nghe thì khá dễ đi nên cả bọn hào hứng lắm. Tuy nhiên, dấn thân rồi mới biết “chẳng dễ chút nào”. Hãy cẩn thận với từng bước chân của bạn vì đây là con đường “mòn” và siêu dốc chài thẳng đứng.
Về bằng đường chùa nhé
Cậu bạn leo núi chung hướng dẫn bọn mình rằng, hãy cố gắng bám chắc bàn chân, người hơi ngả về sau, bạn sẽ giữ được lực để đi xuống. Chậm thôi, từng bước một nhé. Và luôn quan sát cẩn thận, bạn không nên nắm bất kì cành cây ngọn cỏ nào ven đường. Vì rất dễ bị đứt tay đấy.
Bạn sẽ đi xuyên qua những con đường nho nhỏ những “cật lực” lắm đấy
Được ⅓ quãng đường bạn sẽ thấy một ngôi chùa. Và nếu ai mệt quá, có thể dừng lại ở đây và chọn cáp treo là phương án quay về chân núi. Nhiều người sẽ nghĩ, đường chùa đến đây là hết rồi. Con đường còn lại là nhà dân thì dễ đi và cũng chẳng cần trải nghiệm. Chúc mừng bạn, bạn đã bỏ lỡ những bậc thang cao ngất khiến “phượt thủ” có lúc chùn bước.
Đôi khi cũng khá “nhàn nhã” ngắm cảnh
Hãy đi rồi sẽ thấy. Những bậc thang xuyên suốt với khoảng cách khá cao, kẻ khiến đầu gối bạn mỏi nhừ, mắt cá chân muốn đau đến nơi, thở bở hơi tai và phải tiếp nước liên tục, thâm chí, dừng lại nghỉ ngơi vài phút mới đủ sức để đi tiếp.
Khu vực đi cáp treo nhé
Và sau 2h30, cả đoàn đã đáp đất bằng đôi chân run rẩy và nhìn nhau công nhận, đường chùa chẳng dễ xơi đâu nhé.
Và cung đường chùa với bậc thang “ứ ự”
Bạn có biết, theo nghiên cứu từ nhiều tổ chức uy tín trên thế giới, để có sức khỏe tốt, bạn nên sống trong môi trường với mật độ cây xanh từ 10 - 15m2/ người. Vậy mà, hiện nay tại các thành phố lớn chúng ta đang sống, mật độ nhà cao tầng ngày càng phát triển mạnh mẽ, khói bụi ngày càng nhiều mà cây xanh thì đang ở mức báo động. Chính vì vậy, khi hòa mình vào thiên nhiên như đỉnh Chứa Chan này khiến những kẻ cuồng chân như được sống lại lần nữa với sự tự do, phóng khoáng. Đây cũng là nơi mà chúng ta có thể lắng nghe những âm hưởng từ thiên nhiên và tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vì đoàn mình không có nhiều thời gian, nên không cắm trại qua đêm. Nếu bạn có thời gian thì cứ a lê hấp nhé. Cực vui và siêu đáng nhớ luôn đấy. Và đừng quên mang theo ít đồ BBQ nhé.
Một số chuẩn bị cho chuyến leo núi Chứa Chan
Trang phục
● Nên chọn đồ mặc khi leo núi: thoáng, nhẹ và hút mồ hôi nhé.
● Áo mưa mang hờ (loại dù đi mưa hoặc cánh dơi để trải ngồi).
● Nên mang giày chuyên dụng để leo núi, hoặc có thể một đôi giày chạy, miễn sao thoải mái và dễ chạy nhảy là được.
● Mũ, khăn, bao tay đi xe (cần có để đỡ nắng).
Một số vật dụng khác
● Các loại thuốc: thuốc đỏ, băng bông, gạc, băng keo cá nhân; thuốc chống muỗi; thuốc đau bụng, dầu…
● Khăn giấy các loại.
● Lều chỉ cần khi ngủ lại đêm nhé.
● Đồ ăn: nhẹ, gọn, chủ yếu nên mang nước uống theo nhé.
Ảnh và review: Hàn Hàn