Banner Movi

Yên Bái – những mảng màu văn hóa

Thứ năm, 16/05/2019, 16:30 GMT+7
Chẳng cần phải mơ mộng đâu xa, ngay chính trên đất nước thân yêu này, chúng ta cũng đã có thêm nhiều điều mới mẻ, những câu chuyện mới, những hành trang mới trong cuộc đời. Đến Yên Bái – với những mảng màu văn hóa đặc trưng hẳn sẽ gây hứng thú cho chuyến hành trình của bạn. 
 
Đến với Yên Bái mỗi mùa một đặc trưng riêng. Nhưng những câu chuyện về văn hóa luôn có những nét giản dị, thân thương, đầy sắc màu. Mỗi một dân tộc sống trên mảnh đất Yên Bái giữ cho mình những nét riêng không trộn lẫn, để rồi đi đến mỗi một vùng, người ta lại tìm được cho mình thêm nhiều điều mới mẻ. 
 
Yên Bái với những mảng màu văn hóa phong phú
 

Ba vùng văn hóa
 

Yên Bái là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Nhưng ở đây được người ta phân chia ra thành ba vùng văn hóa. 
 
Vùng văn hóa phía Tây Yên Bái. Những địa danh thuộc vùng văn hóa này bao gồm Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Những địa điểm nổi tiếng hoang sơ, mang vẻ đẹp đậm nét của người dân tộc thiểu số và của núi rừng Tây Bắc. 
 
Mù Cang Chải mùa vàng
 
Ở Mù Cang Chải, cứ đến mùa lúa, người ta lại được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vàng óng uốn lượn. Đến Mù Cang Chải, người ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và huyền bí. Câu chuyện văn hóa in trên từng sản phẩm thủ công, những món ngon không thể chối từ như quả sơn tra, mật ong hay bánh dày, thảo quả,… Đến với Mù Cang Chải, có nhiều điều bạn sẽ phải dừng chân để tìm hiểu: những loại dụng cụ canh nông của người Mông, các loại thổ cẩm được chính tay người dân bản địa làm nên, bày bán ở các chợ phiên,…
 
Nghĩa Lộ - nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa người Thái
 
Đến Nghĩa Lộ, bạn sẽ được tha hồ thưởng thức những nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Thái. Nghĩa Lộ là nơi lưu giữ và trao truyền được nhiều giá trị văn hóa của người Thái Mường Lò. Đến Nghĩa Lộ nhất định phải xem những điệu hát xòe, nơi có Hội Hạn Khuông, Tết xíp xí,…
 
Vùng văn hóa sông Chảy gắn với Danh thắng cấp quốc gia hồ Thác Bà. Đến với vùng đất này, bạn có thể chiêm ngưỡng, cảm nhận những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan. Cảnh đẹp của vùng hồ Thác Bà cũng sẽ mang đến những kỷ niệm và trải nghiệm thú vị cho chuyến hành trình của bạn. 
 
Hồ Thác Bà
 
Thứ ba là vùng văn hóa sông Hồng bao gồm thành phố Yên Bái, Trân Yên, Văn Yên. Ở đó, bạn có thể tham gia và tìm hiểu các lễ hội đền Đông Cuông, đền Nam Cường,… Những lễ hội mang đến cho bạn những câu chuyện sâu sắc, thể hiện nét đẹp văn hóa của vùng đất Yên Bái giàu truyền thống. 
 
Lễ hội đền Đông Cuông
 

Sự quyện hòa văn hóa nhiều dân tộc thiểu số
 

Tìm hiểu đặc sắc văn hóa của của các dân tộc thiểu số, chúng ta sẽ cảm thấy yêu hơn đất nước này. Đến Yên Bái, ghé thăm những gia đình ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, bạn sẽ thấy được tinh hoa độc đáo trong những tấm thổ cẩm của người Thái. Đến đây, bạn dễ dàng bắt gặp những cô gái Thái với trang phục truyền thống ngồi bên khung cửi, đăm chiêu và chăm chú vào từng nhịp đưa thoi. Đối với phụ nữ Thái, dệt thổ cẩm là một trong những công việc đầu tiên, căn bản mà ai cũng cần phải biết để có thể sinh sống, lấy chồng, sinh con đẻ cái,…
 
Người Mường Lò dệt thổ cẩm
 
Những điệu múa truyền thống trong các buổi lễ cũng là một trong những điểm nổi bật khi đến với Yên Bái. Bạn có thể tìm đến với điệu múa Chuông của người Dao. Múa chuông là một điệu múa chính và được sử dụng một cách trọng thể trong các nghi lễ linh thiêng của người Dao. Điệu múa đã xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử dân tộc này, với mong muốn cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, con người sống hạnh phúc, an vui.
 
Điệu múa chuông của người Dao
 
Cách những người thuộc dân tộc thiểu số ở Yên Bái cũng có những điểm hấp dẫn riêng. Cũng giống như người Kinh, đón Tết âm, nhưng người Dao đỏ lại đặc biệt xem trọng khoảng thời gian này. Họ đã chăm lợn, gà, dê từ năm tháng trước Tết để có một cái Tết yên ấm, đủ đầy hơn. Mâm cỗ Tết của người Dao bên cạnh những món ăn giống người Kinh còn có bánh gù – một loại bánh truyền thống của người dân tộc Dao. 
 
Người Dao đón Tết
 
Đi đến mỗi một xã, một thôn, trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của họ, chúng ta mới thấy được sự phong phú và đầy màu sắc trong văn hóa của họ. Yên Bái – mảnh đất của núi rừng, của những dân tộc thiểu số vẫn giữ trong mình nét đẹp tinh tế của cha ông để lại. Cho đến hôm nay, nó vẫn tỏa sáng, ngát hương giữa núi rừng bạt ngàn Tây Bắc. 
 
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch