Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Về Sóc Trăng, khám phá văn hóa Khmer

Thứ ba, 18/06/2019, 14:52 GMT+7
Sóc Trăng thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp kỳ lạ, khác biệt với vườn cò hàng nghìn loài, chợ nổi từ xa xưa và các công trình kiến trúc, hoa văn hình tượng như hàng loạt ngôi chùa cổ - điển hình cho sự giao thoa văn hóa của ba sắc tộc Kinh, Hoa và Khmer…

Về Sóc Trăng, khám phá văn hóa Khmer 


1. Chợ nổi Ngã Năm
 

Là một trong những chợ nổi lâu đời nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là điểm giao nhau của năm con sông từ Cà Mau, Long Mỹ, Vĩnh Quới, Thanh Trị và Phụng Hiệp. Chợ  thuộc địa phận thị trấn Ngã Năm, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng, nơi mang đậm nét văn hóa vùng sông nước Nam bộ hữu tình, độc đáo. Ghe tàu từ rất nhiều nơi đến đây để mua bán, trao đổi hàng hóa.
 

2. Vườn cò Tân Long
 

Vườn cò Tân Long ở ấp Tân Bình, xã Long Bình, huyện Ngã Năm, do ông Huỳnh Văn Mười tạo dựng trong 30 năm, là nơi cơ ngụ của hàng nghìn giống cò, còng cọc, vạc và nhiều loài chim khác. Vào mùa sinh sản, số lượng cò có thể lên tới khoảng 20 nghìn cá thể. Nơi đây được đánh giá là sân chim tương đối hoàn chỉnh, là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Bao quát suốt 2ha của vườn cò là không gian thanh bình với những lùm tre, tán dừa… xanh mát. Đến đây, ngoài việc tham quan, khám phá, du khách được tận hưởng các món ăn được chế biến từ cò như: cháo, chiên, khìa…
 
Về Sóc Trăng, khám phá văn hóa Khmer
 

3. Chùa Dơi


Nằm cách trung tâm thành phố 2km về phía Đông Nam (số 73B Lê Hồng Phong, phường 3, TP. Sóc Trăng), chùa Dơi theo tiếng Khơ Me là Serâytécbômabatúp (có nghĩa là do phúc đức tạo nên) được bao bọc bởi cánh rừng với nhiều loại cây. Điều đặc biệt là có rất nhiều giống dơi sinh sống tại rừng cây này. Dơi treo đen kịt trên các nhánh cây, có nhiều con lớn đến mức sải cánh dài hàng mét. Khi hoàng hôn bắt đầu buông, cả không gian như bừng tỉnh bởi tiếng vỗ cánh của chúng, ngước mắt lên sẽ thấy đàn dơi bay kín cả bầu trời. Đàn dơi được coi là mang phước lành đến cho chùa. Bên cạnh đó, chùa còn thu hút du khách bởi kiến trúc Việt – Miên cổ và điêu khắc Ăng-co trên hàng loạt cột đài, phù điêu tại chính điện.
 

4. Chùa Kh’leang
 

Tọa lạc ở số 71 đường Mậu Thân, khóm 5, phường 6, thành phố Sóc Trăng là ngôi chùa cổ nhất ở tỉnh Sóc Trăng có tên là Kh’leang. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1533, bằng gỗ và lợp lá, sau được xây dựng lại bằng gạch và lợp ngói với những đường nét kiến trúc đẹp.  Hai tháp hình bầu dục dùng để hài cốt các vị trụ trì được đặt ở hai bên tả hữu phía trước chùa. Cổng chùa được trang trí hoa văn mang đậm phong cách văn hóa Chăm. Cảnh quan chùa tự nhiên, mát mẻ, nhiều cây xanh.
 

5. Chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu)
 

Nằm cách Trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12km về hướng Bạc Liêu, chùa Sà Lôn (tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên) là một trong những ngôi cổ tự có nét kiến trúc độc đáo. Chùa có tên Khmer là Wath Sro Loun và đọc chệch thành Sà Lôn. Chùa được dựng bằng lá cây vào năm 1815 và bị tàn phá nặng nề bởi thời gian cùng chiến tranh. Năm 1969, chùa được xây dựng lại và bảo tồn đến ngày nay. Do quá trình xây dựng thiếu nguyên vật liệu nên các nhà sư nghĩ ra cách quyên góp chén, dĩa từ bà con để ốp lên tường (trở thành những họa tiết trang trí độc đáo có một không hai) nên chùa còn có tên gọi khác là “Chùa Chén Kiểu).

Chùa được xây dựng theo kiến trúc Khmer với 3 tầng mái, tường rào trang trí hình tiên nữ Apsara đang múa. Sư tử đá được đặt ở trước cổng vào. Dọc lối vào chùa là hai hàng tượng thần Kerno. Phía trong chính điện có khoảng 20 bức tượng Phật lớn nhỏ với nhiều tư thế tọa thiền…
 

6. Chùa Đất Sét
 

Đây là ngôi chùa duy nhất của Sóc Trăng được xây dựng theo kiến trúc của người Việt (tọa lạc tại số 163A, đường Lương Đình Của, TP. Sóc Trăng). Chùa được ông Ngô Kim Tây xây dựng vào năm 1906 và được ông Ngô Kim Tòng bắt đầu dùng đất sét đắp tượng thờ vào năm 1928. Sau 42 năm, ông Tòng đã tạo nên nhiều công trình điêu khắc, kiến trúc vô cùng quý kiếm. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được 1991 tượng đất sét và các công trình lớn nhỏ như: 3 chóp đỉnh; 7 lư hương; tòa sen 1000 cánh; 5 loài thú; 2 ngôi bảo tháp cao 4,5m và 2m; 3 cây nhang lớn (cao 1,5m và nặng 50kg); 8 cây nến lớn (trong đó có 6 cây còn nguyên vẹn nặng khoảng 200kg, cao 2,6m)…
 
Về Sóc Trăng, khám phá văn hóa Khmer
 

7. Chùa Bốn Mặt


Chùa Bốn Mặt hay còn gọi là chùa Ba Rai (thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành) là quần thể kiến trúc tôn giáo nổi bật, đậm nét văn hóa Khmer nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 7km, được xây dựng từ năm 1537.  Tượng rắn 9 đầu được đặt lối cổng vào tạo sự linh thiêng và huyền bí cho ngôi chùa. Điều này, xuất phát từ quan niệm của người Khmer:  rắn Nagar biểu trưng cho sự thịnh vượng, xua đi tà khí và mang lại điềm may…Cổng chùa có 3 ngọn tháp tròn 5 tầng. Phía trên nóc chính điện chùa là tượng thần Mahaprum quay mặt về bốn hướng… Ngôi chùa được điểm xuyết bởi hàng cây thốt nốt xanh tươi, giúp không gian chùa thêm thoáng mát, thanh tịnh.
 

8. Cồn Mỹ Phước
 

Được hình thành do phù sa sông Hậu bù đắp, Cồn Mỹ Phước thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, có diện tích tự nhiên khoảng 1020ha và có hình bầu dục. Mang khí hậu, thổ nhưỡng của vùng sông nước Cửu Long nên cồn Mỹ Phước là nơi thích hợp để canh tác các loại cây ăn quả, xây dựng mô hình sinh thái miệt vườn.  
Y.T
Theo Báo Du lịch