Lặng yên giữa núi non hùng vỹ của đại ngàn, những ngôi nhà sàn cổ hơn 50 năm tuổi của làng Kon Sơ Lăl cũ Chư Păh, Gia Lai từ lâu đã vắng nhịp chày giã gạo, tiếng gọi nhau lên rẫy hay tiếng cười của trẻ nhỏ, chỉ còn hình bóng của vài bậc lão niên ở lại để giữ lấy hồn cốt của ngôi làng Bahnar từng được mệnh danh là “báu vật kiến trúc Tây Nguyên”.
Cách trung tâm TP Pleiku chừng 50km về hướng Đông Bắc, làng Kon Sơ Lăl cũ thuộc xã Hà Tây, Chư Păh, Gia Lai được đánh giá là ngôi làng mang đậm chất Tây Nguyên nhất hiện nay. Trải qua bao cuộc đổi thay, những ngôi làng của người bản địa trên cao nguyên đất đỏ bazan đều đã khoác lên mình màu sắc của sự hiện đại hóa, duy chỉ có Kon Sơ Lăl vẫn luôn có “sức đề kháng” mạnh mẽ để giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của một ngôi làng Bahnar.
Những ngôi nhà rông ở Kon Sơ Lăl vẫn giữ nguyên vẻ đơn sơ
Để dân làng Kon Sơ Lăl thuận tiện đi lại và đáp ứng nhu cầu đời sống, 17 năm trước, chính quyền đã vận động hơn 400 người dân chuyển đến khu tái định cư gần trung tâm xã, cách làng cũ khoảng 3km. Vì đã quen với nếp sống hòa hợp với thiên nhiên từ ngàn đời nên nhiều người già đã quyết định ở lại “giữ làng”. Cũng chính vì điều này đã giúp cho làng Kon Sơ Lăl cổ giữ được nét nguyên sơ, tách biệt với nhịp sống hiện đại.
Vì để thuận tiện hơn trong cuộc sống, người dân nơi đây đã chuyển đến khu tái định cư để sống
Làng cũ không có điện, không hàng quán và chỉ còn bốn người ở là bok bác Chil, bok Chưng, bok Kơch và bà Dyơi đều đã ở cái tuổi 70-80. Giống như một bảo tàng kiến trúc nguyên bản đã đóng cửa cài then, quanh làng Kon Sơ Lăl cũ um tùm những cây mít, cây khế, cây chùm ruột tán tròn vo. Những ngôi nhà rông quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm.
Còn lại những người già ở lại giữ làng
Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng; qua nhiều năm tháng ẩn nhẫn không hơi người, chúng vẫn sống động lạ thường. Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào. Song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ.
Những ngôi nhà rông nằm lặng lẽ giữa không gian vô cùng vắng vẻ
Dân làng Kon Sơ Lăl có một đặc sản, quý giá, to đẹp hơn cả chính là ngôi nhà rông kỳ vĩ giữa làng. Đó là tất cả tâm tư, tình cảm là máu thịt, mồ hôi của cả dân làng từ già, trẻ, gái, trai cùng chung tay, góp sức. Phải mất hơn 2 năm để chuẩn bị và mất hơn 4 tháng ngày công để hoàn thành công trình lịch sử của làng. Với tổng diện tích 279,5m2 nhà rông được xây dựng với kinh phí gần 700 triệu đồng theo kiểu mẫu truyền thống, họa tiết, hoa văn rất tinh xảo. Nơi đây như là một dấu ấn ghi nhận sự quyết tâm, đoàn kết, thể hiện sức mạnh niềm kiêu hãnh của bà con dân làng Kon Sơ Lăl.
Ngôi nhà rông rộng lớn này là sản vật quý giá của người dân làng Kon Sơ Lăl
Thấy được giá trị của “báu vật Tây Nguyên”, nhiều người đã tìm đến để hỏi mua những ngôi nhà này để lấy gỗ quý. Vài mái nhà đã được bán đi với giá vài trăm triệu đồng/nhà. Tuy nhiên, vẫn có nhiều chủ nhân vì muốn giữ hồn cốt cội nguồn ông cha đã dựng làng từ xưa nên nhiều ngôi nhà sàn vẫn còn nguyên bản dù quanh năm “cửa đóng, then cài”.
Những ngôi nhà ở đây cửa đóng, then cài quanh năm
Làng cũ trước kia có 85 hộ với 454 khẩu. Những ngày làng vui nhất, rộn rã nhất là vào lễ mừng lúa mới, khi những bao lúa đã chạy về đầy kho. Lúc ấy, ngôi làng đã diễn ra nhiều lễ hội, những vòng xoan duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn… Chúng đã biến mất từ lâu, từ khi làng vắng tiếng người.
Làng vui nhất vào những ngày lễ mừng lúa mới
Kon Sơ Lăl nay đã thưa vắng bóng người nhưng dấu tích quần cư xưa vẫn còn ẩn hiện bên những nóc nhà sàn luôn hướng chụm về nhau. Ghé làng Kon Sơ Lăl vào một ngày đẹp trời, khi nhiều loại hoa dại bung cánh dọc khắp hai bên đường và đong đưa trong nét thanh bình, khi những ánh bình nắng dịu nhẹ len lỏi qua những cành lá làm cho con người ta có cảm giác như đang lạc vào một không gian bình yên và vô cùng tĩnh lặng, để rồi muốn vứt bỏ tất cả những xô bồ, mệt mỏi của cuộc sống ngoài kia mà chìm đắm vào cuộc sống nơi đây.