Campuchia là một trong những địa điểm du lịch mới cho sự lựa chọn của khách du lịch. Sau hơn 25 năm cô lập, đến những năm đầu của thập niên 90 Campuchia bắt đầu mở cửa đón du khách và số lượng du khách đến tham quan khám phá đất nước này ngày càng tăng lên theo từng năm.
Không chỉ nổi tiếng với những công trình đồ sộ như quần thể Angkor, thủ đô Phnom Penh mà chính văn hóa Phật Giáo nơi đây đã thu hút một lượng lớn khách thập phương đến Campuchia. Với hơn 90% dân số nước này là người Khmer và tất cả chủ yếu đều theo Đạo Phật nên văn hóa Phật Giáo nơi đây phát triển một cách mạnh mẽ.
Quần thể Angkor biểu tượng hùng vĩ của Campuchia
Lễ hội Meak Bochea
Meak Bochea là một trong những lễ hội rất quan trọng ở Campuchia, nó được tổ chức nhằm tôn vinh Đức Phật và những giáo pháp của Ngài. Thường diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Meak Bochea thường được tổ chức ở những ngôi chùa lớn, các Phật Tử tề tựu về đây trong không gian màu sắc Phật Giáo cùng ngồi thiền và cầu kinh suy ngẫm về cuộc sống vạn vật xung quanh. Một sự kiện độc đáo trong lễ hội này đó chính là các Phật Tử sẽ cùng nhau dâng thức ăn và tham gia rước nến trong đêm tại một ngôi chùa lớn.
Ngày Đức Phật – Vesaka Bochea
Sau lễ hội Meak Bochea thì ngày Đức Phật là ngày tưởng niệm 3 cột mốc quan trọng của Đức Phật: sinh ra, giác ngộ và trở về cõi niết bàn. Theo phong tục của người dân nơi đây thì các Phật Tử những ngày này sẽ đến chùa dâng lễ, tặng thực phẩm, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho những vị sư. Ngày lễ Vesak Bochae được tổ chức ở các cơ sở tự viện bao gồm các hoạt động như tu tập, thiền định, tụng kinh, thuyết pháp. Mọi người có thể mang các thực phẩm, nến và hương hoa để cúng tại các ngôi chùa. Mọi lứa tuổi có thể đi nghênh tiếp chư tôn tịnh đức tăng già với tâm thành kính, tay cầm nến, nén nhang và đóa hoa sen.
Các vị sư nhận lễ từ các Phật tử vào ngày Đức Phật
Lễ cầm cày Hoàng Gia - Preah Neanng Korl
Ngày lễ cầm cày Hoàng Gia là nghi lễ đánh dấu sự khởi đầu mùa trồng lúa tại đất nước Campuchia. Lễ hội này sẽ được hoàng gia Campuchia khởi xướng, đại diện của nhà Vua sẽ cày trên một cánh đồng tại Phnom Penh với những con bò thiêng, sau đó họ dự đoán vụ mùa tiếp theo dựa vào loại thức ăn mà con bò đó lựa chọn. Những chú bò này sẽ được dắt đến 7 khay vàng dùng để đựng một số loại hạt giống như lúa, ngô, hạt vừng, đậu, cỏ cùng nước và rượu. Mọi người chú ý quan sát, chúng sẽ đến ăn ở khay nào. Người dân Campuchia tin rằng nếu cặp bò này chọn ăn những hạt giống nào thì đó là một dấu hiệu cho biết thu hoạch của thần dân Khmer trong năm tới sẽ được tốt. Nhưng nếu, cặp bò chọn những khay khác như: nước, rượu thì đó là điểm báo cho một năm thời tiết không mấy tốt đẹp.
Cặp bò đang lựa chọn hạt giống theo phong tục của lễ cầm cày Hoàng Gia
Ngày Tết truyền thống của người Khmer - Chaul Chnam Thmey
Ngày Tết truyền thống không quá xa lạ với nhiều người, mỗi quốc đều có những nền văn hóa, phong tục tập quán riêng mang đậm dấu ấn dân tộc. Người Campuchia cũng vậy ngày Tết truyền thống nơi đây cũng là một trong những thời điểm thú vị đối với khách du lịch. Giống như những quốc gia khác trong những ngày đầu tiên, người dân Campuchia sẽ dọn dẹp nhà cửa. Sau đó chuẩn bị đồ ăn để công đức cho các nhà sư và đi lễ tại các ngôi chùa ở địa phương, còn thanh niên sẽ tham gia các trò chơi truyền thống với những người khác giới. Vào ngày cuối cùng, tương tự như các lễ hội mừng năm mới tại Thái Lan và Lào, trẻ em và người già sẽ hòa cùng lễ hội té nước để đánh dấu sự kiện này.
Té nước là lễ hội phổ biến của người Khmer
Lễ hội nước – Bon Om Touk
Lễ hội nước - Bon Om Touk ở Campuchia diễn ra mỗi năm một lần vào ngày trăng tròn trong tháng Phật giáo Kadeuk, thường là tháng 11. Mở đầu lễ hội là một cuộc diễu hành vào buổi tối, những chiếc thuyền lộng lẫy trên sông được gắn đèn sáng rực tựa như những chòm sao nổi bật giữa trời đêm. Du khách sẽ phải choáng ngợp trước khoảnh khắc cả con sông yên tĩnh bừng sáng lấp lánh đầy màu sắc. Lễ hội này còn gọi là lễ hội Nhật Nguyệt biểu thị cho việc tôn vinh ánh sáng và một lời chào đối với Mặt trăng hiền hòa. Tâm điểm của lễ hội này là cuộc đua thuyền hoành tráng trên sông. Người dân đều tập trung ở bến cảng Sisowath để cổ vũ thuyền mà họ yêu thích.
Đua thuyền là tâm điểm trong lễ hội nước - Bon Om Touk
Văn hóa lễ hội là nét đẹp trong phương châm sống, là nét đặc trưng của mỗi quốc gia chỉ những ai đã đến và tham gia thì mới có thể cảm nhận đầy đủ nét đẹp của nó. Nếu là người yêu thích tìm hiểu văn hóa thì hãy đến nước bạn Campuchia để khám phá những lễ hội độc đáo nơi đây nhé!