Banner Movi

Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương

Thứ ba, 28/05/2019, 11:43 GMT+7
Vườn Thiệu Phương là một trong những Ngự uyển tiêu biểu của thời Nguyễn, từng được vua Thiệu Trị xếp là thắng cảnh thứ hai trong hai mươi cảnh đẹp, một chốn xưa an tĩnh mà đẹp tươi rất đáng dừng chân khi du lịch Huế.
 
Thiệu Phương viên là một trong 4 Ngự uyển trong Hoàng thành, gồm Thiệu Phương Viên, Ngự Viên, Cơ Hạ Viên, Doanh Châu. Vườn được xây dựng từ năm 1828, thời Minh Mạng, ở phía đông, bên trong cửa Hưng Khánh, thuộc Tử Cấm Thành. 
 
Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương

Dưới thời vua Thiệu Trị, vườn Thiệu Phương được vua xếp làm “đệ nhị cảnh”- thắng cảnh thứ hai trong “Thần kinh thập nhị cảnh” gắn liền với bài thơ Vĩnh Thiệu Phương Văn nổi tiếng:
 
Vườn rộng mênh mông thắm sắc hoa,
Bao năm hương ngát gió đưa xa.
Lan vươn dáng khỏe, sen tròn trịa,
Cúc nép thân thon, mai mặn mà.
Ngoài cảnh cỏ cây xuân nắng gội,
Trong nhà sách vở đạo hòa ca.
Xét suy thời thế nên chăm học,
Thuật tác, thi thư phải trải qua.

(Vĩnh Thiệu Phương Văn - vua Thiệu Trị)
 
Bài thơ trên được vua Thiệu Trị tâm đắc và yêu thích đến mức cho thếp vàng vào một một bức tranh kính (tranh gương) vẽ minh họa cảnh vườn. Để chiêm ngưỡng cảnh vườn huy hoàng khi xưa trong bức tranh kính này, bạn hãy ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình trong chuyến du lịch Huế.
 
Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương

Vườn nổi tiếng với kiểu cấu trúc “vạn tự hồi lang”, tức có hành lang uốn khúc hình chữ VẠN (佪) nằm ở trung tâm chạy ra 4 phía. Tại 4 góc của hồi lang này có 4 công trình kiến trúc nhỏ, gồm 2 đường và 2 hiên.
 
Phía nam vườn là khu Duyệt Thị Ðường; phía bắc - qua hồ Ngọc Dịch là Ngự Viên; phía tây là Thanh Hạ Thư Lâu (sau là Thái Bình Lâu) và phía đông là bờ tường phía đông của Tử Cấm thành. Quanh vườn có tường gạch bao bọc, cửa chính mở về phía nam. 
 
Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương

Nhà ở góc tây nam gọi là Di Nhiên Ðường, quay mặt về hướng nam, bên phải của nhà này là cửa Di Nhiên, xây mặt hướng đông. Hiên ở góc đông nam gọi là Vĩnh Phương Hiên, mặt quay về hướng đông, bên tây của hiên này có chiếc hồ nhỏ, gọi là Tiểu Hữu Thiên bên phải hiên là cửa vườn Thiệu Phương, hướng nam.
 
Nhà ở góc đông bắc mang tên Cẩm Xuân Ðường, quay mặt về hướng bắc, trước nhà có cửa phường Cẩm Xuân bên phải nhà là cửa Cẩm Xuân, đều xây về hướng bắc, phía đông Cẩm Xuân Ðường, thuộc về trường lang men theo tường Cung thành có cửa Cấm Uyển, Hiên ở góc tây bắc có tên là Hàm Xuân Hiên, mặt quay về hướng tây.
 
Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương

Trong vườn, ở phía tây của Vạn Tự Hồi Lang, có hai lạch nước đều mang tên là Ngự Câu, thông với hồ Ngọc Dịch ở phía bắc bằng đường cống. Trên bờ phía đông của lạch có đắp một hòn núi nhỏ, tên gọi là Trích Thúy Sơn. 
 
- Về loài hoa: vườn có các loài hoa cúc, hoa lan, hoa mai, hoa sen...
 
- Về loài cây thân mộc, cây ăn quả: trong vườn có vải, hồng, mưng, liễu...
 
- Về các loài động vật thì có các loài chim, cá... chúng sống thật tự nhiên và thật hòa hợp với cảnh vườn.
 
Là một khu vườn, Thiệu Phương không có những công trình nguy nga như những địa điểm du lịch Huế khác. Nhưng, để cảm nhận được hết vẻ đẹp của “đệ nhị cảnh” một thời lại đòi hỏi ở con người sự đam mê, biết cách thổi hồn vào cảnh vật, có những chăm chút và đặc biệt là nét sáng tạo trong cách nhìn, lối chơi, sự tạo dựng và cả những gắn kết.
 
Thoáng chút “Diễm xưa” nơi “đệ nhị ngự uyển” Thiệu Phương
 
Nếu ai đã từng mê đắm những bản nhạc da diết, buồn man mác mà tinh khôi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ tìm thấy những lối quen, cảnh thuộc trong những câu hát của “Ướt mi”, “Hạ trắng” đến “Diễm xưa” nơi Thiệu Phương viên.
 
Dạo bước trong vườn, bạn như được “đưa em về, nắng vương nhè nhẹ”, mà “chiều cuối trời nhiều mây”; những đám mây được “trời ươm nắng, cho mây hồng” hoặc một chút trống vắng nửa hồn thơ “ngày xưa sao lá thu không vàng?... để nắng đi vào trong mắt em”,  Để rồi khi bước chân khỏi chốn Phương viên xuân sắc ấy, lòng bạn sẽ khắc ghi: “Mùa xuân đã đến em hãy quay về/Rừng xưa đã khép em hãy ra đi” để thêm lần nữa trở lại du lịch Huế thương.
HyHy
Theo Báo Du lịch