Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Nhật Bản

Tết của người Nhật - đón Tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thống

Thứ ba, 31/12/2019, 08:30 GMT+7

Dù chuyển thời gian đón Tết theo lịch âm sang dương lịch nhưng người dân ở xứ sở mặt trời mọc vẫn luôn giữ gìn những phong tục đón Tết hàng năm theo đúng truyền thống. 

    test

    Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á chuyển thời gian đón Tết theo lịch âm sang dương lịch. Tuy nhiên, người dân ở xứ sở mặt trời mọc vẫn luôn giữ gìn những phong tục đón Tết hàng năm theo đúng truyền thống. 
     

    Nhật Bản ăn tết truyền thống theo dương lịch

    Trước đây, Nhật Bản cũng như các nước trong khu vực, đón Tết theo lịch âm Trung Hoa. Tuy nhiên, đến năm Minh Trị thứ 5, vào ngày 3/12/1872, Chính Phủ Nhật Bản đã sửa thành 1/1/1873, tức năm Minh Trị thứ 6. Và từ đó Nhật Bản chuyển sang đón Tết theo dương lịch. 
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Blueberry Travel Company.

    Có nhiều cách lý giải cho việc Nhật Bản chuyển từ ăn Tết theo âm lịch sang ăn Tết theo lịch dương. Trong đó có 2 lý do chính. 

    Thứ nhất, vào thế kỷ 19, các nước phương Tây đang tích cực mở rộng sự bành trướng, đô hộ các nước nhỏ. Và để tránh bị đô hộ, Nhật Bản đã đặt ra vấn đề là làm sao tăng trưởng kinh tế để vừa tránh bị đô hộ, vừa thoát khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, vươn mình thành một quốc gia hùng mạnh, hướng đến mục tiêu đứng trong nhóm các nước văn minh hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, việc đổi ăn Tết theo âm lịch sang dương lịch được xem là một trong những nỗ lực để hoàn thành mục tiêu đó. 
     
    Ngoài lý do đó, việc đổi sang ăn Tết theo dương lịch của người Nhật còn là vì ảnh hưởng từ tình hình tài chính lúc bấy giờ. Nếu đổi sang ăn Tết theo dương lịch, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiết kiệm được chi phí cho việc trả lương tháng 13 cho công chức do năm Minh Trị thứ 6 tính theo lịch cũ thì có tháng 6 là tháng nhuận. Không chỉ vậy, theo lịch dương, số ngày nghỉ sẽ ít hơn lịch âm, sẽ giúp tăng sản lượng lao động toàn quốc. 
     

    Giữ gìn các phong tục tết cổ truyền

    Kể từ năm 1873, lịch dương được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay. Tuy nhiên, người Nhật vẫn sử dụng cách tính theo lịch truyền thống đối với một số sách báo. Các năm sẽ được đánh số theo niên hiệu và số năm trị vì của Nhật Hoàng. Ví dụ, năm 2020 được coi là năm Reiwa 2, có nghĩa là năm trị vì thứ 2 của Nhật Hoàng hiện tại - Nhật Hoàng Naruhito. 
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngVào dịp Tết, người Nhật dọn dẹp và trang trí nhà cửa để chào đón thần Toshigami-sama. Ảnh: Zoubi.net.


    Ngoài ra, phong tục đón Tết của người Nhật Bản vẫn mang đậm văn hóa phương Đông. Theo quan niệm của người Nhật, Tết là thời điểm mọi người chào đón vị thần Toshigami-sama. Đây là vị thần đem theo may mắn, sức khỏe đến với mỗi gia đình vào dịp năm mới. Cũng vì vậy mà những ngày trước Tết, người Nhật sẽ sắm sửa đồ đạc, dọn dẹp nhà cửa để đón thần về nhà. 

    Bên cạnh đó, người Nhật cũng giữ gìn những nét truyền thống trong việc trang trí nhà cửa, hay nấu các món ăn truyền thống. 
     

    Vệ sinh và trang hoàng nhà cửa

    Trước Tết từ 1 đến 2 tuần, tất cả các gia đình bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ gia dụng mới. Trước cổng nhà được trang trí với các đồ dùng làm từ gỗ thông, thân tre. 

    Để có một năm mới bình an và may mắn, người Nhật trang hoàng nhà cửa với nhiều món đồ mang ý nghĩa khác nhau. Trong đó, trước mỗi nhà đều trang trí cây tùng bởi theo tín ngưỡng, thần Toshigami-sama sẽ xuất hiện và trú ẩn bên trong cây này. Thông thường, người ta sẽ dựng cây tùng từ khoảng ngày 13/12 và tránh dựng vào ngày 29 và tối giao thừa vì cho rằng đây là điều không may mắn, không tốt.
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngWakazari. Ảnh: Javihs.com.


    Bên cạnh đó, trong gian bếp, người Nhật thường treoWakazari để cầu vận may. Wakazari là một vòng tròn, được bẹn bằng dây thừng và kết hoa ở chỗ móc treo. Người Nhật treo Wakazari ở bếp với ngụ ý tạ ơn thần lửa, thần nước đã đem lại cuộc sống sung túc cùng những bữa cơm ấm cúng cho gia đình. Không chỉ vậy, Wakarazi cũng được treo ở mui xe oto, xe đạp để cầu bình an trong năm.

    Ngoài ra, trên mỗi khung cửa sổ, người Nhật còn treo những món đồ để gửi gắm những mong ước, có thể kể đến như: dải giấy trắng xua đuổi ma quỷ, quả quýt với ý nghĩa cầu mong thịnh vượng hay đồ đan bằng lá màu trắng tượng trưng cho sự ngay thẳng...
     


    Cách người Nhật đón tết

    Đêm giao thừa

    Cũng giống như ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ở Nhật, đêm 30 Tết là thời gian gia đình sum họp, quây quần, cùng nhau ăn tất niên và chờ đón khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. 
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Univiet Travel.

    Vào đúng thời điểm giao thừa, tất cả các chùa trên khắp nước Nhật đều đánh 108 hồi chuông với ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ. Sau khi nghe hết tiếng chuông chùa, mọi người gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới an lành và cùng nhau sum vầy bên bàn tiệc, thưởng thức rượu sake và các món ăn truyền thống. 

    Cũng vào đêm giao thừa, người Nhật sẽ bày các loại báy truyền thống như bánh Tokonoma lên bàn thờ để bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ đến những người đã khuất. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ cũng giao thừa của người Nhật là đôi đũa có đầu nhọn vì người dân xứ sở mặt trời mọc tin rằng các bậc thần thánh thường ăn bằng loại đũa này. 


    Đi chùa cầu may

    Giống như nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam..., người Nhật cũng có thói quen đi chùa vào đầu năm mới để cầu bình an, may mắn. Phong tục này được gọi là Hatsumode. Theo phong thủy, mỗi năm, mỗi người sẽ có một hướng xuất hành thuận lợi riêng và mọi người sẽ đi theo hướng xuất hành tốt đó để đến ngôi chùa gần nhất. 
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Civitatis.

    Trước khi lễ chùa, mọi người sẽ rửa tay và súc miệng sạch sẽ. Khi đến chùa, mọi người sẽ cho tiền xu vào các hòm công đức đặt trước điện thờ và những đồng tiền này được coi là tiền hương hoa dâng Phật. 
     

    Tặng thiệp chúc mừng năm mới

    Gửi thiệp mừng vốn là một truyền thống lâu đời trong dịp Tết của người Nhật, thể hiện rõ truyền thống văn hóa "cảm ơn" của người dân Nhật Bản. Từ ngày mùng 1, mọi người sẽ đi chúc tết, gặp gỡ bạn bè, thăm viếng người thân, hàng xóm đồng nghiệp và gửi tới nhau những lời chúc, tấm thiệp mừng năm mới. 

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Ahreco.

    Mỗi tấm bưu thiếp dù nhỏ bé nhưng khi được gửi đi đều chứa đựng trong đó tình cảm cũng như lòng biết ơn, cảm tạ sâu sắc. 

    Thiệp mừng năm mới ở Nhật được gọi là Neengajo và có rất nhiều loại. Có người thích tự làm thiệp mừng để gửi tới bạn bè, người thân, cũng có người chọn mua các loại thiệp bán sẵn. Vào dịp này, các cửa hàng, công ty cũng thường gửi tới nhân viên, khách hàng những tấm thiệp chúc tết riêng. 
     

    Ẩm thực ngày Tết của người Nhật

    Ẩm thực Nhật Bản vốn phong phú, hấp dẫn, và trong dịp Tết, những món ăn xuất hiện trên bàn ăn gia đình người Nhật lại càng thêm phần đặc biệt cũng như mang nhiều ý nghĩa. 
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Giapponiamo.

    Vào dịp năm mới, người Nhật thường chuẩn bị Osechi-ryori, với thực đơn hàng chục món ăn cầu kỳ được bày trong chiếc hộp nhiều tầng có tên gọi là jubako. Về cơ bản, hộp thức ăn này được sắp xếp theo quy tắc riêng: tầng đầu là các món hầm, luộc, khai vị; tầng 2 là các món ăn nhẹ hoặc hơi chua và tầng 3 là các món chính. Vị của các món ăn trong hộp Osechi-ryori có đầy đủ các vị mặn, ngọt và được bảo quản trong tủ lạnh để dùng trong những ngày Tết. 

    Bên cạnh đó, các gia đình Nhật Bản cũng chuẩn bị thêm các món ăn năm mới khác như mì năm mới Toshikoshi soba, súp năm mới Zoni, trứng cá, bánh Mochi....
     

    Tết của người Nhật - đón tết mới nhưng vẫn giữ phong tục truyền thốngẢnh: Ameblo.jp.

    Ngoài ra, trong những ngày Tết, người Nhật còn bày một cặp bánh nếp trắng, hình tròn Kagamimochi ở hốc tường để cũng các vị thần ghé thăm nhà. Cặp bánh này gồm 1 bánh to và một bánh nhỏ, xếp chồng lên nhau và trang trí bắt mắt.

    Giữa xã hội hiện đại và phát triển, người dân Nhật Bản vẫn luôn gìn giữ đầy đủ những truyền thống, nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc.
     

    Oanh Vũ - dulichvietnam.com.vn

    Theo Báo Thể thao Việt Nam
     

    quảng cáo
    close
    icom
    Bình luận
    Ý kiến bạn đọc