Trong hành trình “du lịch bụi” từ Singapore qua Malaysia, tôi dự định là chỉ ghé ở lại Malacca một đêm, sáng sớm hôm sau sẽ tìm đường “dzọt” lên thủ đô Kuala Lumpur để bắt đầu vi vu, thưởng ngoạn. Tôi hình dung Malacca là một thị trấn cũ kỹ đầy các quán rượu với những gã thủy thủ già say mèm vì nốc rượu thay nước trong những cơn say bất tận còn dân làng chài thì đen đúa, mặt mày bậm trợn, xem đánh cá chỉ là nghề phụ… nhưng tôi thật sự đã nhầm to!
Cối xay gió bên bờ sông Malacca
Quyến rũ bởi miền đất đa sắc màu
Mới 4 giờ chiều, (trời Malacca rất lạ, đến 7 giờ tối vẫn còn nắng và khá nóng), tôi hỏi đường để tìm mua tấm bản đồ du lịch. Cô gái da ngăm đen được ông già quản lý giới thiệu là chủ khách sạn tận tình chỉ tôi ra chỗ phòng thông tin du lịch với vẻ nhiệt tình: “Muốn biết bất cứ thông tin gì về Malacca ở đó có người cung cấp đầy đủ mà không mất tiền!”.
Tôi đi về hướng quảng trường Hà Lan và hết sức bất ngờ trước những dãy nhà màu đỏ có lối kiến trúc vô cùng lạ mắt mà trước đó tôi chỉ nhìn thấy trong phim ảnh. Gom cả xấp tờ bướm sặc sỡ đủ màu in trên giấy láng bóng quảng bá từng loại sản phẩm du lịch khác nhau ở Malacca, tôi khoái quá bỏ ra thêm 5 MYK để mua bản đồ kèm cẩm nang du lịch Malacca có tiêu đề khá ấn tượng: “Yours “Must Have” guide when you visit Melaka ”.
Qua đó, tôi biết ra được tên tiếng Anh của Malacca là Melaka. Malacca là kinh đô cổ xưa nhất của Malaysia, ra đời vào cuối thế kỷ thứ XV; nơi được xem là khởi nguồn của đất nước Malaysia xinh đẹp bây giờ. Lịch sử Malaysia bắt đầu từ truyền thuyết: Vào năm 1403, hoàng tử Parameswara của xứ Sumatra bị lưu đày sang vùng eo biển hoang vắng này vì tội… khi quân. Khi vừa đặt chân đến, vị hoàng tử đang ngồi ngán ngẫm dưới gốc cây, thì thấy có chú hươu con đang bị một con chó to đuổi theo, cùng đường con hươu bèn quay lại tận lực hút mạnh làm con chó văng xuống sông trôi ra biển. Nhìn cảnh này, hoàng tử Parameswara coi là điềm tốt lành đã quyết định xây dựng thành phố nơi đây và lấy tên của loài cây mà ngài ngồi dưới bóng mát xem “cú hồi mã thương” của chú hươu con hiền lành đặt tên thành thành phố Malacca. Di tích này bây giờ vẫn còn là cây Malacca mọc bên sườn đồi thánh Paul được rào cẩn thận và gắn tấm bảng bằng đồng. Tôi ngắm kỹ cây Malacca, thấy đường kính thân cây chỉ khoảng 20cm, nên nghĩ rằng đây là cây chít, chắt gì đó của cây Malacca mà cách đây hơn 600 năm, vị hoàng tử Quốc tổ của dân tộc Malaysia đã từng ngồi.
Nhìn vào hải đồ treo trên chiếc tàu gỗ khổng lồ giờ đang trở thành Viện bảo tàng hàng hải, thu hút rất đông khách tham quan, tôi nhận ra được rằng: Eo biển Malacca là con đường biển ngắn nhất để đi từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Những tài liệu liên quan khác cũng cho rằng: Đây là hải trình lớn nhất từ Đông sang Tây, chiếm đến 1/3 lượng hàng hóa lưu thông bằng đường biển của thế giới. Hàng năm có khoảng 50.000 lượt tàu bè qua lại, khi ngang qua eo biển Malacca, được xem như chổ thắt nút cổ chai, tàu bè đều phải chạy chậm; mà quanh đó lại có đến 3000 hòn đảo nằm rải rác khắp hải phận 3 nước: Malaysia, Indonesia và Singapore, trong đó cụm quần đảo Batam gần như bất khả kiểm soát, nên bọn cướp biển quốc tế vẫn cứ lộng hành. Còn Malacca thì mang tiếng, nhưng lại là… đất lành, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Rảo một vòng quanh quảng trường Hà Lan, tôi thấy Malacca quả là nơi tụ hợp đa sắc màu văn hóa. Nó mang dáng vẻ của một thị trấn châu Âu, cổ kính mà yên bình. Bên cạnh công thự bề thế uy nghiêm của nhiều đời Thống đốc Hà Lan (nay được làm Bảo tàng Dân tộc học) là đài phun nước với cột đá kiểu Anh tưởng niệm Nữ hoàng Victoria. Đối diện là nhà thờ Cơ Đốc giáo sừng sững. Không xa lại là thánh đường Hồi giáo, Cung điện Matek Sultanate bằng gỗ (nay là Bảo tàng văn hóa) với tên gọi Serajah Melayu tức “biên niên sử Malay”, rồi Thanh Vân đường, ngôi đền thờ nữ thần đại dương được xem là lâu đời nhất của cộng đồng người Hoa nằm giữa khu phố Tàu sầm uất, đông vui. Trên đồi thánh Paul cao nhất Malacca còn có nhà thờ cổ bằng đá xây năm 1521 cùng pháo đài Porta De Santiago nổi tiếng của người Bồ Đào Nha…
Khách du lịch hào hứng ngồi xe trishaw chạy quanh phố biển Malacca
Cảnh sắc đẹp, ăn ngủ “bụi” rẻ
Tôi không “ thần tượng” lắm với những danh hiệu mà thế giới dành tặng cho thành phố biển cổ kính có diện tích khá nhỏ này nhưng thực tình là tôi đã “phải lòng” Malacca. Quảng trường Hà Lan nhìn như một thị trấn châu Âu cổ kính với những bầy quạ đen sà cánh lang thang như trong một không gian cổ tích. Tôi thích thú leo lên con tàu gỗ khổng lồ từng một thời tung hoành trên sóng gió đại dương, say sưa nhìn ngắm cái cối xay gió thần thoại sừng sững trong đời thực và ngẩn ngơ với mấy khẩu pháo cổ thành chơ vơ, loang lổ màu gạch đỏ… Bên cạnh không gian cổ kính, trầm mặc, thành phố Malacca cũng lại rất tưng bừng, sống động với hàng đàn xe trishaw (một loại xe 3 bánh giống y chang xích lô của Việt Nam), nhưng được treo gắn cả một giàn hoa giả rất sặc sỡ và trang bị hệ thống tăng âm với tiếng nhạc hết sức ồn ã, không thua gì xe bán kẹo kéo ở nước ta. Với số tiền không lớn lắm, giàn hoa di động cùng âm thanh “kẹo kéo” chở du khách chạy vòng vèo ra cảng biển hóng gió một cách thật vui nhộn. Tôi đặc biệt khoái khi xuống tàu Melaka River cruise mui trần xuôi theo dòng sông Malacca chia đôi thành phố bằng hai bờ kè cẩn đá trồng đủ loại hoa, trong đó có nhiều loài hoa tôi chỉ mới nhìn thấy lần đầu như: Dâm bụt màu cam, cam đỏ, cam vàng với bông hoa to bằng bàn tay; hoa sim xanh, tím; hoa phù dung to màu kem… cùng với những dãy nhà homestay, quán cà phê xinh xắn, nho nhỏ, dễ thương. Đặc biệt nhất là hàng chục cây cầu bê tông kiên cố được bắc ngang qua sông mỗi cái một kiểu, nhìn rất ấn tượng, lạ mắt.
Bước vào những nhà hàng và quán xá nằm hai bên bờ sông Malacca cũng là một trải nghiệm thú vị. Từ chủ quán đến nhân viên phục vụ đều niềm nở, thân thiện. Tất cả các món ăn, thức uống đều được niêm yết giá rõ ràng và phải nói là khá rẻ, hầu như chỉ ở mức 4 đến 5- 6 MYR cho một phần ăn, tính ra khá thích hợp cho dân du lịch “balô”. Do đó, quán ăn ven sông nào cũng đông khách Tây. Hấp dẫn tôi nhất trong những quán này là các món satay nổi tiếng của người Mã Lai, trong đó có món sườn cừu nướng tiêu đen; được xem là mắc nhất (16 MYR), nhưng thật đáng đồng tiền bát gạo. Nó ngon đến khó ngờ, nhất là khi thưởng thức cùng với bia gừng, một thức uống “đặc sản” Malaysia. Bia gừng của Malaysia chỉ có giá 2,5 MYR mỗi lon, có hương vị nồng nồng cay cay, uống vào thật ấm bụng và khiến người ta lâng lâng chút hồn viễn xứ.
Chúng tôi mãn nguyện trong khung cảnh đầy sắc màu mà bình yên, thân thiện lại được thong dong dạo chơi, khám phá và ăn uống trong tâm trạng thoải mái, không sợ bị… “chặt chém” ở một guest house nằm cạnh bờ sông Malacca với không khí chung chạ, đông vui cùng dân Tây balô có giá chỉ 50 MYR/ ngày đêm, lại được… khuyến mãi thêm 2 suất ăn sáng miễn phí. Vì phải lòng Malacca, chúng tôi có thêm một ngày nữa ở Malacca, chứ không đi Kuala Lumpur như dự định, dù rất muốn ngắm tháp đôi Petronas, lên Cao nguyên Genting xinh đẹp nhất châu Á, mò vào “phố đèn đỏ” Kuchai Lama…