Người Chăm sinh sống lâu đời ở hai huyện miền núi Sơn Hòa và Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Mỗi buôn làng người Chăm có ít nhất là 30 hộ gia đình, nhiều nhất gần 100 hộ. Người Chăm cư trú trên một địa vực rộng, phong phú và đa dạng về mặt địa hình nên việc bố trí sắp xếp nhà ở trong làng có đặc điểm chung là cân đối và hài hòa, trong bố trí nhà ở, đường sá, giếng nước.
Ảnh minh họa
Về trang phục: Theo lời các cụ già kể lại, chiếc áo truyền thống của người Chăm màu trắng, không có hoa văn trang trí; cổ tròn tay dài, thân áo dài đến đầu gối, không có khuy cài cúc theo kiểu chui đầu. Khi có lễ hội, đàn ông mặc y phục màu trắng, ngoài là áo gon màu đen, tay ngắn, xẻ nách hai bên, không có cúc mà chỉ cột hai dây màu đỏ trước ngực, hai bên khuy áo viền lai màu đỏ và trắng, sau lưng và ở giữa trang trí màu đen. Từ đường chỉ đỏ cột vào những sợi dây cườm màu xanh, đỏ, trắng thả xuống gấu áo và mỗi dây cột một đồng xu. Để tăng thêm sức mạnh cũng như vẻ đẹp cho đàn ông, người Chăm còn quấn thêm khăn nhiễu trên đầu, buộc dây ở thắt lưng, đầu búi tóc cài trâm hoặc giắt lược đồi mồi.
Nghề trồng bông dệt vải: Là nghề truyền thống có từ lâu đời của người Chăm, từ các sợi bông qua các công đoạn chế biến thành sợi chỉ trắng rồi nhuộm thành nhiều màu. Muốn có màu đen thì nấu nước cây kơgul, màu xanh đậm thì dùng cây nhàu và cây nghệ, màu nâu thì dùng cây si, màu đỏ thì dùng lá trầu. Để có sợi chỉ cứng thì cho sợi vào nồi cháo gạo, ngâm độ một tiếng đồng hồ, sau đó dùng dụng cụ dệt vải dập các sợi chỉ và con thoi. Khi dệt, người phụ nữ ngồi trên nền đất, hai chân duỗi thẳng đạp trên thanh gỗ nằm ngang để căng mặt sợi trên khung dệt. Tất cả những sợi được gộp lại buộc vào cột nhà hay gốc cây. Người thợ dệt dùng chân và lưng của mình căng giàn sợi, một tay giật co, một tay giật thoi. Dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ, các sợi hợp thành thảm dọc theo một công thức nhất định ứng với kiểu trang trí đã lựa chọn. Trong quá trình dệt, những sợi chỉ ngang dọc sẽ tạo nên các hoa văn trên váy, áo, khố, chăn… gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của đồng bào. Đó là những dãy núi chập chùng, nước sông lượn chảy, mưa rơi, hình các con cá, lông chim, nụ hoa, tổ ong được cách điệu.
Nghề đan lát: Hầu hết đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người Chăm đều là sản phẩm đan lát bằng cây lồ ô, mây, tre, giang… có sẵn trong rừng. Sản phẩm đan lát của người Chăm khá phong phú và đa dạng. Kỹ thuật tạo hoa văn cũng như tính mỹ thuật độc đáo của các sản phẩm đan phần nào cho thấy nét đặc trưng văn hóa của người Chăm. Gùi, cắp là những minh chứng cho bàn tay khéo léo của người Chăm.
Nghệ thuật điêu khắc, hội họa của người Chăm rất độc đáo, thể hiện ở kiến trúc nhà ở, nhà mồ, cột đâm trâu,…
Nghệ thuật điêu khắc: Mang tính chất khép kín. Do vậy chủ đề, bố cục, chất liệu, đường nét khá ổn định. Trang trí trên nhà mồ, cột đâm trâu… là những hoa văn gắn liền với đời sống săn bắn, hái lượm. Mô típ đường đồng tâm, song song là những chuỗi cườm, tượng trưng cao nhất cho đời sống sung túc. Tượng nhà mồ đơn giản, không trau chuốt, không rườm rà, không tỉ lệ, nhiều khi không cân đối. Người Chăm đã tạo ra những tác phẩm có giá trị về nghệ thuật đáp ứng với yêu cầu thẩm mỹ trong đời sống của họ như tượng người đánh trống, giã gạo, mang gùi… Mỗi tượng trang trí đều có ý nghĩa khác nhau vừa tăng thêm vẻ đẹp, vừa thể hiện tín ngưỡng của đồng bào.
Cấu trúc nhà ở: Là loại nhà sàn khung cột, thường mặt quay về hướng Nam, cửa chính đặt theo hướng mặt trời, đối diện cửa chính là cửa phụ, hai bên hông có cửa sổ. Do kích thước không lớn, nên nhà chủ yếu có 3 gian: Trong cùng đặt bếp chính, là nơi ngủ của vợ chồng chủ nhà. Gian giữa là nơi dành cho con trai, gái có vợ hoặc chưa vợ; gian ngoài cùng để tiếp khách. Tại đây, có đặt bếp lửa (bếp phụ) dùng để nấu nước, sưởi ấm, hút thuốc và thực hiện các lễ cúng. Đây cũng là chỗ khách nghỉ ngơi. Trong nhà, cửa phụ cũng là cửa cấm nên luôn được đóng kín, có mở cũng không ai được lên xuống. Theo phong tục nếu ai lên xuống cửa phụ thì của cải trong nhà cũng sẽ đi theo. Muốn lên xuống nhà phải dùng cầu thang. Cầu thang của người Chăm có 2 loại: Loại đơn giản là dùng cây tre tạo thành các nấc, loại phức tạp là dùng gỗ chạm khắc và trên đầu có chạm 2 bầu sữa căng tròn giống như cầu thang nhà người Êđê. Ngoài nhà ở, người Chăm còn làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiểu nhà rông người Bana.
Nhìn chung, người Chăm ở Phú Yên hiện còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong từng khu vực dân cư, những yếu tố cơ bản đó có thể được giữ lại ít nhiều, đậm nhạt khác nhau. Nhưng ở khu vực nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy được sự hiện diện của những giá trị mới và không hiếm khi ưu thế lại thuộc về giá trị đó. Ngày nay, trong điều kiện tiếp xúc rộng rãi giữa các vùng, các dân tộc ngày càng có điều kiện giao lưu. Vì thế việc tiếp nhận phải có sự lựa chọn và thích ứng với giá trị văn hóa có sẵn, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, vì vậy công tác tuyên truyền để mọi người hiểu được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm, từ đó có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy...