Banner Movi

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta

Chủ nhật, 05/05/2019, 07:00 GMT+7
Nhà thờ Pleichuet được xây dựng vào năm 2005 đến nay đã trở thành biểu tượng tôn giáo độc đáo của người dân Gia Lai. Nhà thờ có kích thước lớn gấp 5 lần so với một nhà rông thông thường. Đây cũng là nhà thờ đầu tiên mang kiến trúc nhà rông ở nước ta! 

Nhà Rông là mô hình nhà truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên, gắn với lịch sử cư trú lâu đời và văn hóa của người dân nơi đây. Đặc điểm kiến trúc và kết cấu nhà Rông Tây Nguyên phải thể hiện tinh thần là ngôi nhà chung của dân làng, là biểu tượng của đại ngàn. Nhà Rông chỉ có ở những buôn làng người dân tộc như Gia Rai, Ba na…ở phía Bắc Tây Nguyên, đặc biệt là ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
 

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta
Kết cấu nhà Rông Tây Nguyên nổi bật nhất là có phần mái 4 mặt cong, cao vút như cánh buồm

Kết cấu nhà Rông Tây Nguyên không cần sử dụng đến sắt thép. Vì có nguồn gốc lâu đời nên chúng ta có thể đoán trước được vật liệu làm nhà Rông thường xuất phát từ thiên nhiên núi rừng như gỗ, mây, tre, nứa, lá… Cột là những thân gỗ to, loại tốt như trắc, hương… để đảm bảo không bị mối mọt mục ruỗng, nhất là phần chân ngập đóng sâu dưới nền đất. Mái lá thì thường sử dụng mái cỏ tranh lợp thành nhiều lớp dày.
 

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta
Nhà rộng được xây dựng từ những vật liệu thiên nhiên nhưng vẫn bền bỉ theo thời gian!

Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhà thờ mang dáng dấp lối kiến trúc nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan mà du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.
 

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta
Hình ảnh nhà thờ Pleichuet tại Gia Lai

Nhà thờ thuộc Giáo hạt Pleiku (tỉnh Gia Lai), còn có tên gọi khác là Trung tâm truyền giáo Pleichuet, do các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế trông coi. Nhà thờ được xây dựng theo mô hình nhà rông của người Gia Lai. Với người Tây Nguyên, nhà rông được coi là biểu tượng văn hóa cộng đồng, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống.
 

Nhà thờ lớn gấp 5 lần so với nhà rông thông thường. Công trình có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cây cột to. Chóp mái của nhà thờ đâm thẳng lên trời như hình mũi tên. Sàn nhà thờ cách mặt đất gần 2 m với trụ đỡ làm từ các cây gỗ lớn, chắc chắn.
 

Chi tiết luôn gắn bó với nhà rông là cây nêu với nhiều họa tiết đặt ở phía trước sân chính giữa của nhà thờ. Công trình tôn giáo này thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc. Quanh nhà thờ là mảng sân rộng có nhiều cây cối.
 

Bên ngoài nhà thờ Pleichuet được sơn nhiều màu sắc sặc sỡ. Không gian bên trong nhà thờ không có ghế ngồi, bàn quỳ, chỉ là một sàn rộng lát gỗ. Ban thờ được đặt ở vị trí trang trọng với bức tượng Chúa Cứu Thế trên thánh giá, cũng được khắc bằng gỗ.
 

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta
Những họa tiêt độc đáo của nhà thờ Pleichuet

Nhà thờ tại Gia Lai mang kiến trúc nhà rông đầu tiên ở nước ta
Ở phía trước tượng Chúa có nhiều chi tiết trang trí mang tính biểu tượng, nổi bật là hình ảnh một cây nêu thu nhỏ

Bao quanh khuôn viên là hàng rào bằng đá vững chắc, mang lại vẻ đẹp mộc mạc mà cổ kính. Nằm cạnh nhà thờ là tu viện của các cha. Nơi này luôn mở cửa vào ban ngày nên du khách có thể dễ dàng ghé vào thăm quan.
 

Nếu là một du khách tín ngưỡng, chắc chắn nhà thờ Pleichuet sẽ là một điểm dừng chân đáng để bạn khám phá!

Hồng Nhung
Theo Báo Du Lịch