Cô bạn của tôi-tác giả trẻ Trác Diễm (Hội VHNT Quảng Bình)-ra lời mời mọc: “Hãy cứ ngược dòng sông Son một lần cho biết rồi sẽ thấy cuộc đời và cảnh sắc quanh mình đẹp tựa như thơ”. Lời mời gọi hấp dẫn ấy đã cuốn tôi đến với “người tình” sông Son vào một buổi sáng mùa thu gió nhẹ.
8 giờ sáng. Nắng rải nhẹ trên mặt sông lấp loáng. Bến thuyền Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng thưa thớt người. Những chiếc thuyền máy nằm sát bên nhau tựa lưng vào bờ. Khi con thuyền rẽ sóng, tiếng máy rền vang trên sông phá tan màn sương và cái không khí yên ắng buổi sớm trên bến, dưới thuyền.
Sông Son mùa thu mang một vẻ đẹp yên bình khó cưỡng. Mùa nắng, dòng sông trong xanh là thế, nhưng mùa mưa bão đến, nước sông Son cuộn đỏ, đục ngầu. Qua bao mùa lũ, người dân đôi bờ sông phải hứng chịu chừng ấy sự giận dữ của dòng sông. Mất mát, đau thương cứ thế chìm nổi theo sự hung hãn của con nước. Vậy mà người sông Son vẫn yêu quý dòng sông này như máu thịt, như hơi thở.
Cô bạn Trác Diễm tếu táo: “Hình như đã yêu là vị tha, là chấp nhận cả những nắng mưa, thất thường của người tình. Người và sông cũng vậy thôi”. Vậy nên, “người tình” sông Son cứ thế bước vào tiểu thuyết của Diễm nhẹ nhàng mà lắng sâu, từ “Hồn lau trắng”, “Tiếng vọng Ma Coong”, “Đất khát” đến tập truyện ngắn “Người đàn bà vẽ hoàng hôn”.
Cũng như Diễm, tình yêu dòng sông đã ngấm vào máu thịt, vào hơi thở bao thế hệ người dân nơi mảnh đất này. Chở chúng tôi cùng khám phá vẻ đẹp đôi bờ dòng sông di sản là một người đàn ông ấy đã xấp xỉ lục tuần, với ngót nghét hơn 15 năm chở khách du lịch trên sông.
Ông bảo, lớn lên bên sông, uống nước dòng sông ấy, rồi bao năm gắn bó với cái nghề sông nước này, sông Son đã thành bạn, thành người thân lúc nào chẳng rõ. Thân thuộc là vậy nhưng mỗi chuyến chở khách ngược dòng sông Son đều mang đến cho ông những cảm xúc mới lạ.
Sông Son đoạn qua bến thuyền Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng.
Còn tôi, gần 10 năm trước cũng đã từng ngược dòng sông Son một đôi lần. Sông Son của ngày ấy và hôm nay vẫn vậy: vẫn đẹp dịu dàng và yên ả chảy qua những bãi bồi, nương ngô, vẫn lẳng lặng chứng kiến bao phận người và bao cuộc đời nổi nênh bên dòng sông này.
Thuyền vẫn rẽ nước hướng thẳng phía thượng nguồn. Sương đã tan tự lúc nào, nhường chỗ cho ánh nắng chảy tràn xuống mặt sông như dát bạc. Phía bờ thôn Na, Trằm, Mé, lác đác vài ba ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa núi. Cuộc sống bên Xuân Sơn, Phong Nha nhộn nhịp hơn bởi những quán cà phê nhỏ neo mình bên bờ sông lồng lộng gió. Những homestay, hàng quán mọc lên san sát.
Người bạn chở tôi đi dọc sông Son ngày trước giờ cũng là chủ một homestay ngay sát Trung tâm du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Bạn tôi bảo, giờ ở Phong Nha, người người, nhà nhà làm du lịch như thể một trào lưu. Nhiều thứ đã thay đổi theo cái trào lưu ấy, duy chỉ có dòng sông Son vẫn êm đềm như từ ngàn đời nay vẫn vậy.
Phong Nha đã bắt đầu chộn rộn bởi những hàng quán du lịch, bởi những phố tây đông đúc nhưng ẩn đằng sau dáng vẻ ấy vẫn còn đó cái nét yên bình, dịu dàng của một miền quê nép bên núi, neo mình bên sông. Chỉ cần nhìn ánh mắt thích thú và cái dáng thong dong của những khách tây đang đạp xe hai bên bờ sông cũng đủ thấy, miền quê với sông, với núi này có một sức hút lạ kỳ.
Như lúc này đây, ngồi trên chiếc thuyền máy nhỏ, lướt nhẹ trên mặt sông xanh ngắt một màu, một cảm giác bình yên xâm chiếm. Giữa mênh mang sông nước, tựa hồ như nỗi buồn dễ dàng bị cuốn đi, trôi tuột theo từng con nước.
Tầm 7 km trên sông, hình ảnh chiếc cầu treo bắc qua sông Son ở khu vực Trằm Mé mang đến cho chúng tôi nhiều xúc cảm. Gần 10 năm trước, trên chiếc thuyền chồng chềnh, yếu ớt, tôi đã đến được với xóm quê nghèo khó này. Ngày ấy, mảnh đất này vẫn còn cô lập giữa mênh mang sóng nước.
Cách trở đò giang, con đường đến trường của những đứa trẻ Trằm Mé đều chông chênh, gập ghềnh. Đến trường vào những ngày dòng sông Son “sóng yên, gió lặng”, nỗi lo dường như vơi đi. Nhưng những ngày trời đổ mưa bão, không ai dám chèo thuyền ra giữa dòng sông đục ngầu, cuộn sóng, hàng chục học sinh của Trằm Mé đành phải nghỉ học.
Rồi con chữ cứ thế rơi rụng dần, nhường chỗ cho những lo toan và những gánh nặng áo cơm mà các em chưa đáng phải đèo bòng. Giờ đã khác, chiếc cầu treo nối đôi bờ thương nhớ, gần lại những ước mơ đến trường và vun vén thêm những ước vọng đổi đời của người Trằm Mé. Cuộc sống đã đổi thay nhiều, nhưng con người Trằm Mé vẫn cứ hiền lành và chất phác như dòng sông Son mỗi độ xuân về.
Thuyền vẫn ngược lên phía thượng nguồn, rồi rẽ vào hướng sông Chày-một nhánh nhỏ của dòng sông Son. Không còn những mái nhà ngói đỏ, xa rời những hàng quán, đôi bờ sông chỉ còn trùng điệp núi đồi và xanh ngát những nương ngô. Thỉnh thoảng có đôi ba chiếc thuyền độc mộc lặng lẽ vớt rong.
Sông Chày nép mình bên những dãy đá vôi hùng vĩ, lặng lẽ chảy dưới những bóng cây cổ thụ ngả bóng xuống dòng sông. Mùa này, hoa vàng anh đã chẳng còn hiện diện nhưng có lẽ cũng chẳng có bức tranh thủy mặc nào đẹp và bình yên như thế. Người bạn đồng hành của tôi chậm rãi bảo, sở dĩ có tên sông Chày là bởi tiếng nước chảy nghe giống như tiếng chày giã gạo.
Đẹp nhất trên khúc sông này có lẽ là bãi đá tạc ra giữa dòng tựa như tranh vẽ. Dòng nước chảy qua đây hàng triệu năm đã gọt đẽo những khối đá ấy thành những hình thù kỳ lạ mà cô bạn nhà văn của tôi ví von chúng như một Vịnh Hạ Long thu nhỏ.
Chuyến hành trình kết thúc ngay tại điểm du lịch sông Chày-hang Tối. Mùa này, khách du lịch đã vãn, trả lại cho nơi này nét bình yên, thanh tịnh vốn có của một vùng mênh mang sông núi và lồng lộng mây trời. Hai giờ đồng hồ lang thang trên sông, chúng tôi đã thu vào tầm mắt bao vẻ đẹp hữu tình và gom vào mình bao xúc cảm bình yên.
Sophia-cô bạn người Hà Lan vô tình gặp trong chuyến hành trình khám phá này cứ nhắc hoài câu nói: “Chúng tôi bắt gặp những vẻ đẹp mà chưa bao giờ được thưởng ngoạn nên yêu cái vẻ thanh bình trên quê hương của bạn biết bao. Chỉ mong nhiều năm nữa quay trở lại đây, miền quê của bạn vẫn cho tôi cảm giác bình yên này”.
Còn tôi, cứ bâng khuâng suốt chặng đường về: Làn gió du lịch thổi qua, giúp cuộc sống áo cơm của người dân nơi đây đủ đầy hơn nhưng 10 năm, 20 năm nữa, liệu cái yên bình đôi bên bờ sông Son này có bị phá vỡ bởi những đổi thay ấy? Vừa mong cuộc sống của người dân sung túc hơn nhưng vẫn mong miền quê ấy giữ được cái nét thanh bình vốn có kia, liệu tôi có quá tham lam?!