Banner Movi

Ngôi miếu hình… con tàu

Thứ năm, 27/06/2019, 16:47 GMT+7
Trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành của Đà Nẵng, du khách sẽ lạ lẫm khi nhìn thấy một con thuyền mang số hiệu ĐNA-92010TS được đặt trên các cột bê tông cạnh bờ biển. Thật ra, đây là một ngôi miếu thờ, do người dân quận Thanh Khê lập nên để thờ cúng, tưởng nhớ đến những số phận đã vì nghề biển mà bỏ mạng.

 Ngôi miếu hình con tàu độc đáo 
Ngôi miếu hình con tàu độc đáo
 
Giống như nhiều con tàu đánh bắt hải sản khác của bà con ngư dân ở khắp mọi miền đất nước, nhưng “con tàu” mang số hiệu ĐNA-92010TS lại chưa hề có một ngày vươn khơi. Con tàu được đúc bằng bê tông, nằm cao ráo trên các cột gần sát mặt đường. Sự khác lạ của con tàu đã gợi cho nhiều người chú ý; nhiều du khách khi đến khu vực này thường dừng lại ngắm nhìn, thậm chí có người còn hiếu kỳ, bước hẳn chân lên con tàu để khám phá.
 
Với người dân địa phương, ngôi miếu rất gần gũi. Mồng một, rằm hằng tháng, nhiều người dân sẽ mang hoa quả đến miếu thắp hương; những trưa nắng, người dân còn đem võng ra mắc nằm dưới ngôi miếu; chiều về, người dân cũng bày bán sản phẩm đánh bắt được ngay tại khu vực cạnh miếu. Hằng năm, cứ đến ngày 24/4 ÂL, dân làng sắm sửa lễ vật mang đến miếu để tổ chức lễ cúng cơm cầu mong cho linh hồn những người nằm lại với biển cả được siêu thóat…
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, tại vị trí con tàu hiện tại có một ngôi miếu thờ do người dân hai làng chài Thanh An, Thanh Thủy (phường Thanh Lộc Đán cũ, nay là hai phường Thanh Khê Đông và Thanh Khê Tây thuộc quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lập nên; cũng không ai còn nhớ thời gian ra đời của ngôi miếu. Ngày trước, khu làng chài còn nghèo, người dân nơi đây làm nghề chài lưới trên biển, số ít làm mắm; công cụ kiếm sống là những manh lưới nhỏ, những chiếc ghe thúng đánh bắt gần bờ. Rồi tôm, cá ngày một ít dần, người dân khu làng chài bắt đầu tìm cách đi xa hơn để đánh bắt. Bằng công cụ thô sơ, lại đánh bắt xa hơn, trong điều kiện thời tiết chỉ được dự báo bằng “kinh nghiệm” nên rủi ro là điều khó tránh. Thế rồi những cơn giông tố bất chợt kéo đến giữa biển khơi, nhấn chìm nhiều ghe thuyền, cướp đi biết bao mạng sống ngư dân …
 
Bà con làng chài Thanh An, Thanh Thủy đã chung tay dựng tại bờ biển một ngôi miếu nhỏ để hương khói cho những oan hồn còn bơ vơ, lưu lạc trên biển cả mênh mông. Người làng chài cứ truyền đời này sang đời khác, thành tên gọi miếu “Làng Thanh An, Thanh Thủy”, còn gọi là miếu “Cúng cơm cô bác”.
 
Năm 2006, cơn bão Xangsane gây thiệt hại nặng nề đối với Đà Nẵng, ngôi miếu cổ trên đường Nguyễn Tất Thành cũng bị phá hủy hoàn toàn. Tháng 9/2010, ngôi miếu được phục dựng với hình dạng con tàu đánh cá, mang đậm ý nghĩa và tính nhân văn. Miếu nằm sát vỉa hè, thân tàu nằm trên các trụ bê tông, đuôi có hai chữ lớn “ĐA NANG”, mũi tàu chĩa thẳng ra phía khơi xa. Có lẽ, đây là điều ý nghĩa của ngôi miếu mới, cho rằng dù bão táp, mưa sa, ngư dân của làng chài từ xưa đến nay vẫn vươn khơi, bám biển mà tồn tại, để bảo vệ, giữ gìn biển đảo quê hương…
 
Miếu có đầy đủ các phòng thờ cúng, ngoại hình được xây dựng và sơn không khác gì một con tàu đánh bắt xa bờ; bên trên được chạm trổ, đắp nổi hình hài long phụng, hoa văn tinh xảo, có bàn thờ đặt tượng Phật; phòng thờ đằng trước có dòng chữ: “Miếu thờ cô bác bổn vạn duyên thuyền Thanh An, Thanh Thủy”; bàn thờ phía sau ghi dòng: “Phụng vì thương niệm các hương linh bỏ mình trên biển cả chi linh vị”. Số hiệu của con tàu được đặt là ĐNA-92010TS, là để ghi nhớ ngày khởi công phục dựng lại ngôi miếu. Ngày nay, khu làng chài xưa cũng đã dần mai một, các thế hệ con em làng chài cũng dần chuyển sang sinh sống bằng nhiều nghề khác; chỉ còn số ít tàu có công suất lớn neo đậu tập trung tại âu thuyền Thọ Quang và số ghe, thúng đánh bắt ven bờ vẫn đi về mỗi ngày trên bờ biển làng cũ.
Hạ Quyên
Theo Báo Du Lịch