Gần nửa dân số của thủ đô Burnei sống tại Kampung Ayer, nơi hàng nghìn ngôi nhà được dựng trên cột gỗ, đối lập với khung cảnh hoa lệ của Bandar Seri Begawan.
Brunei nằm trên đảo Borneo, là một trong những quốc gia giàu nhất thế giới nhờ trữ lượng gas và dầu mỏ, với GDP đầu người là 77.000 USD. Sự giàu có được thể hiện ở những đền đài, công trình kiến trúc ngoạn mục ở thủ đô Bandar Seri Begawan. Ảnh: Mylittleadventure.
Tuy nhiên, phía bên kia sông Brunei lại là một khung cảnh khác biệt. Ảnh: CNN.
Trong ảnh là khu làng nổi Kampung Ayer, nhà của 13.000 người trong tổng số 27.000 dân của thủ đô. Ảnh: Aviigo.
Ngoài những ngôi nhà, làng còn có nhà thờ, trường học, nhà hàng, đồn cảnh sát và đồn cứu hỏa. Người dân qua lại bằng các lối đi gỗ. Ảnh: CNN.
Một phương tiện phổ biến khác ở đây là "taxi nước", đưa người dân vào bờ với giá 1 USD/chuyến. Những hình ảnh này khiến Bandar Seri Begawan còn được gọi với biệt danh “Venice phương Đông”. Ảnh: Mark Abadi.
Kampung Ayer có lịch sử hàng trăm năm, được xây dựng để chống chọi với mưa lớn trong mùa mưa ở Brunei. Vào thế kỷ 16, làng mở rộng tới gần Indonesia và Philippines. Thời nay, làng đã có điện, đường dây điện thoại, Internet và truyền hình vệ tinh. Ảnh: Johannes Zielcke.
Khu làng này cũng có biển tên các tuyến đường đi lớn. Một số ngôi nhà được xây dựng gần đây gợi nhắc hình ảnh của ngoại ô nước Mỹ. Ảnh: Mark Abadi.
Một ngôi nhà 2 tầng kiểu mới ở làng có giá khoảng 45.000 USD, trong khi nhà cũ hơn chỉ khoảng 4.000 USD. Tuy nhiên, chỉ người Brunei mới được phép mua nhà ở đây. Ảnh: Renzze.
Ở khu giàu có hơn của ngôi làng, nội thất những căn nhà được trang trí khá xa hoa, sang trọng. Các dịch vụ du lịch bắt đầu hoạt động ở làng từ năm 2016, cho du khách nước ngoài cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở các ngôi nhà truyền thống. Ảnh: Biz Brunei.
Tuy nhiên, ở những khu nghèo hơn, các ngôi nhà và lối đi đã đổ nát, hoang phế. Sự giàu có và xa hoa của thành phố dường như hoàn toàn đối lập với nơi này. Ngành đánh bắt cá và cua từng rất thịnh vượng đã trở nên suy giảm trong những năm gần đây do ô nhiễm và nghề khai thác mỏ. Ảnh: Mark Abadi.
Công nghệ hiện đại giúp thủ đô Brunei dễ tiếp cận hơn, nhiều người làng đã chuyển tới sống ở đất liền. Năm 1971, khoảng 136.000 người, tương đương 60% dân số Brunei, sống tại Kampung Ayer. Đến nay, con số đó chỉ còn 3%. Ảnh: Lonely Planet.
Chính quyền Brunei hy vọng du lịch sẽ giúp Kampung Ayer hồi sinh và tạo cơ hội việc làm cho người dân nơi đây. Ảnh: Business Insider.