Trong nền phật giáo Việt Nam thì Bái Đính Cổ Tự chính là ngôi chùa có tầm quan trọng to lớn. Bởi nơi đây không chỉ có ngàn năm lịch sử cùng kiến trúc độc đáo mà còn là chứng nhân cho rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Ninh Bình là mảnh đất có rất nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp. Đó là cố đô Hoa Lư cổ kính, nhà thờ đá Phát Diệm tôn nghiêm hay cảnh đẹp thơ mộng ở khu sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động… Tuy nhiên, Ninh Bình còn có một địa danh vô cùng quan trọng khác đó chính là Bái Đính Cổ Tự. Ngôi chùa ngàn năm ở trong lòng hang núi.
Để lên chùa Bái Đính cổ phải đi qua Cổng Tam Quan
Chùa không chỉ có cảnh đẹp thoát tục, lối kiến trúc độc đáo mà còn là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử. Xưa kia vua Đinh Tiên Hoàng từng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa tại đây. Sau này vua Quang Trung cũng chọn chùa làm nơi tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh... Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khuôn viên chùa cũng chính là khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu (Ninh Bình)…
Đường lên chùa Bái Đính cổ
Được biết, chùa Bái Đính cổ này tọa lạc trong một ngọn núi cao 187m, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, ngôi chùa được xây dựng dưới thời nhà Lý. Trong khi đi tìm thuốc chữa bệnh cho nhà vua, Đức Thánh Nguyễn Minh Không nhận ra đây là vùng đất linh thiêng với thế núi hướng về phía Tây như chầu về đất Phật, nên quyết định dừng chân xây chùa.
Đền thờ đức thánh Nguyễn Minh Không
Mang đậm lối kiến trúc thời Lý nên chùa không có những mái thuyền cong vút, những cột trụ to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy mà rất đơn sơ giản gị. Các hạng mục chính của chùa Bái Đính cổ gồm: động thờ Phật, động thờ Mẫu, điện thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không và điện thờ Đức Thánh Cao Sơn. Đặc biệt, tất cả các ban thờ trong chùa Bái Đính cổ đều được đặt trong lòng hang núi. Điều này càng tăng thêm không khí linh thiêng và huyền bí cho ngôi chùa.
Động thờ Phật
Để lên chùa, du khách phải leo lên 300 bậc đá. Sau khi qua cổng Tam Quan ở lưng chừng núi là đến đền thờ Đức Thánh Nguyễn Minh Không. Ông là vị cao tăng đứng đầu của triều đại nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cũng là thần y chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. Tương truyền Thiền sư là người đầu tiên áp dụng phương pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam và châm cứu ở Việt Nam.
Khi tới vùng đất núi chùa Bái Đính hiện nay, ông nhận ra đây là nơi có rừng núi mênh mông với muôn vàn cây thuốc quý nên quyết định ở lại để tu hành. Ông đã đặt tên cho núi là Bái Đính sau đó biến nơi đây thành “vườn sinh dược” (có nghĩa là vườn thuốc quý) để chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công ơn của ông nhân dân đã xây dựng đền thánh Nguyễn ngay tại ngã ba đầu dốc trong khuôn viên chùa để thờ cúng. Đền được xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.
Động thờ mẫu
Phía bên phải đền Thánh Nguyễn chính là Động thờ Phật với chiều cao khoảng 2m, dài 25m, rộng 15m. Bên ngoài sơn động này khắc 4 chữ do vua Lê Thánh Tông ban tặng là "Minh Đỉnh Danh Lam" (Lưu danh thơm cảnh đẹp), nhằm miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp và sự linh thiêng của núi rừng nơi đây. Giữa động là bàn thờ Phật trang nghiêm được đặt ngay chính giữa. Đi đến cuối sơn động bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy trước mặt là thung lũng xanh tuyệt đẹp.
Theo truyền thuyết, thấy cảnh vật thoát tục vua Lê Thánh Tông đã tạc một bài thơ trên núi để ca ngợi vẻ đẹp nơi đây:
“Đính sơn danh tiếng thật cao xa
Che chở kinh thành tự thửa xưa
Nhân kiệt địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.”
Đối diện với động thờ Phật là động thờ Mẫu. Nơi đây có nhiều buồng nhỏ thông với nhau. Đặc biệt, trong động này có những nhũ đá, giếng ngọc rất đẹp. Đi sâu qua động thờ Mẫu có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây sưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Ngôi đền này có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước.
Đền thờ thần Cao Sơn
Gần 1000 năm trôi qua, Bái Đính Cổ Tự vẫn sừng sững tồn tại cùng đất trời. Ngôi chùa chính là một minh chứng cho sức sống bền bỉ của đạo Phật trong đời sống tâm linh của người dân Ninh Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung.