Nằm gần đồi Aravalli, bao quanh là những cánh đồng ngô, thị trấn Bera thuộc bang Rajasthan gây ấn tượng bởi vẻ đẹp hoang sơ. Điều khiến Bera trở nên đặc biệt hơn là môi trường tự nhiên duy nhất trên Trái Đất mà báo hoa mai có thể cùng sinh sống cùng con người.
Xem thêm: Trọn bộ kinh nghiệm du lịch châu Á
Thị trấn Bera nổi tiếng với những khu rừng rộng lớn, thảm thực vật, động vật đa dạng như các loại xương rồng, linh cẩu, cáo rừng, bồ nông, ngỗng xám, sếu lông trắng,…. Nơi đây cũng là điểm đến lý tưởng dành cho các nhà nghiên cứu động vật.
Shatrunjay Pratap, nhà bảo tồn động vật hoang dã cho biết, tỷ lệ nhìn thấy báo ở thị trấn Bera là 90%. Trong đó, có khoảng 50 con báo hoa mai sống ở đây, trong những mỏm đá nhô lên giữa cánh đồng trồng trọt và bụi sa mạc gai góc. Vùng đất này chẳng khác nào khu bảo tồn động vật hoang dã.
Chuyên gia về động vật hoang dã Raman Tyagi cho biết, hiện nay vấn nạn săn bắt báo hoa mai tại Ấn Độ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố như Delhi, Bengalura và Mumbai. Tuy nhiên, Bera lại không có những cuộc xung đột như vậy. Được ví là “đất nước của loài báo”, thị trấn Bera là một trong những khu vực có mật độ báo hoa mai cao nhất thế giới.
Những ngọn đồi nhấp nhô, cánh đồng rộng lớn và nhiều hang động đã tạo thành môi trường sống thoải mái cho loài báo hoa mai. Chúng cũng thích nghi với sự hiện diện của con người, kiểm soát bản năng săn mồi để cùng chung sống với người dân thị trấn Bera.
Người dân làng Bera sùng bái vị thần của sự hoang dã Shiva. Họ chủ động tìm cách để cùng tồn tại, phát triển với báo hoa mai - một trong những kẻ săn mồi đáng sợ nhất.
Sự hiện diện dễ thấy của những con báo là do mối quan hệ độc đáo với người Rabari bản địa. Khoảng 1.000 năm trước, báo hoa mai chung sống hòa bình với người bản địa Rabaris sống nhờ việc chăn bò, cừu. Họ di cư từ Iran đến Ấn Độ, là những người cao lớn, thường mặc áo dài trắng, đeo khăn trùm đầu màu đỏ, có bộ râu dài, bùa hộ mệnh bằng bạc và đeo gậy dài trên vai. Họ là tín đồ của Shiva - vị thần của sự hoang dã.
Dilip Singh Deora, người đứng đầu Trại hoang dã Jawai ở thị trấn Bera, cho biết người Rabaris coi những con báo hoa mai như thiên thần hộ mệnh và tôn thờ chúng. “Nếu báo hoa mai giết gia súc của người Rabaris, họ sẽ không chống lại. Bởi, việc gia súc bị giết là một hình thức hiến tế. Họ tin rằng thần linh sẽ ban tặng cho họ nhiều gia súc hơn nữa. Mỗi con gia súc bị mất, dân làng sẽ nhận được khoảng 28USD bồi thường từ Bộ Lâm nghiệp của bang.”, anh Deora cho hay.
Trong chuyến du lịch Ấn Độ tại thị trấn Bera, du khách có thể bắt gặp hình ảnh những con báo hoa mai đang nằm nghỉ trên mỏm đá hoặc di chuyển quanh các ngôi đền của người dân địa phương. “Nhiều người bị sốc khi thấy chúng di chuyển tự do, thậm chí ở gần những vị linh mục đang làm lễ. Nhưng đây là cách cuộc sống diễn ra hàng ngày ở Bera”, anh Deora miêu tả.
Trong những năm qua, khi lượng báo hoa mai lớn mau, chính quyền đã tổ chức các gói đi săn, tham quan ở thị trấn Bera. Vì vậy, Bera đang trở thành điểm thu hút những du khách thích khám phá động vật hoang dã. Ngày càng nhiều nhà động vật học, nhà thám hiểm hoặc khách du lịch từ khắp nơi đến đây để tận mắt chiêm ngưỡng những con báo hoang dã chưa từng tấn công ai này. Bên cạnh báo hoa mai, bạn cũng có thể nhìn thấy nhiều loài động vật khác như chim di cư, cá sấu, chó sói, gấu và linh cẩu trong khu vực này.
Người Rabaris rất hoan nghênh các hoạt động du lịch vì nó cung cấp thêm nguồn thu nhập cho họ, bên cạnh việc trồng trọt và chăn nuôi. Đàn ông ở thị trấn Bera được các tổ chức du lịch thuê làm người canh gác, thông báo về sự xuất hiện của loài báo. Một số khác được thuê làm hướng dẫn viên, nhà tự nhiên học vì họ hiểu rõ đường đi lối lại tại địa phương.
Còn những người phụ nữ thì ở nhà nấu món ăn truyền thống, quảng bá tới các khách du lịch. Cũng có nhiều người làm dọn phòng, đầu bếp tại các khách sạn, và được trả lương xứng đáng.
Anh Pratap, người điều hành homestay dành cho khách du lịch tìm kiếm loài báo ở thị trấn Bera, cho biết. “Du khách không thể tin được. Có người dành nhiều năm đi khắp châu Phi và chưa bao giờ nhìn thấy một con báo nào. Tuy nhiên, trong vòng 1-2 giờ đến đây, họ đã tận mắt chiêm ngưỡng một, thậm chí hai con báo".
Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, thế hệ trẻ Rabaris dần tránh xa lối sống du mục. Nhiều người di cư đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm.
Khi các vấn đề về biến đổi khí hậu, nạn phá rừng ngày càng phổ biến thì câu chuyện về thị trấn Bera gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cuộc sống hoà bình giữa con người và các loài động vật hoang dã./.
Nguyễn Ngân
Theo Báo Thể thao Việt Nam