Nằm cách trung tâm thành phố Vĩnh Long hơn 30 km, cù lao Dài là dải đất phù sa nằm trên sông Cổ Chiên thuộc địa phận hai xã Thanh Bình và Quới Thiện, huyện Vũng Liêm. Đây chính là điểm đến mới của du lịch Vĩnh Long.
Cù lao Dài còn có tên khác là cù lao Thanh Bình - Quới Thiện, là một dải đất phù sa nổi lên nằm trên sông Cổ Chiên (là một phân lưu của sông Tiền, dài khoảng 82 km) thuộc địa phận hai xã Quới Thiện và Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Sông Cổ Chiên. Ảnh: Jay Nguyen
Cù lao dài khoảng 20 km, giáp với tỉnh Bến Tre ở hướng Đông và hướng Bắc, hướng Nam giáp với tỉnh Trà Vinh. Sở dĩ có cái tên cù lao Dài là vì khi nhìn từ trên cao xuống, cù lao có hình dáng giống như một chiếc giày. Do người miền Tây đọc trại từ nên "giày" biến thành "dài".
Cù lao Dài có hình như một chiếc giày
Để đến được cù lao Dài, du khách có thể đi đò ở bến Vũng Liêm hoặc qua phà Quới An - Quới Thiện. Từ khi cầu Cổ Chiên nối liền hai tỉnh Bến Tre - Trà Vinh khánh thành, sông Cổ Chiên và cù lao Dài mới được nhiều du khách chú ý. Nơi đây thu hút du khách ngoài sự trù phú của các sản vật, mà còn bởi vẻ đẹp mộc mạc của làng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu Cổ Chiên
Theo lịch sử tỉnh Vĩnh Long ghi lại, nơi đây là một vùng đất hoang sơ được người dân khai hoang dưới triều vua Gia Long. Sau đó, ông Nguyễn Văn Thoại – tức Thoại Ngọc Hầu một công thần nhà Nguyễn khi làm Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, đã cho di dân, lập ấp tại đây. Buổi đầu, ông lập ra năm ấp gồm: Phú Thái, Phước Khánh, Thái Bình, Thanh Lương và Bình Thạnh. Trải qua những lần tách, nhập đến những năm cuối thế kỷ 20, cù lao Dài chia tách thành 2 xã là Thanh Bình và Quới Thiện cho đến ngày nay.
Hiện, trên cù lao còn các di tích như lăng, mộ của nhiều người trong dòng họ ông Nguyễn Văn Thoại và những quan chức thời bấy giờ, trong số này có lăng và mộ của mẹ ruột và bố vợ ông Nguyễn Văn Thoại. Khu lăng mộ này được dự kiến sẽ xây dựng thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa, đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị khi đến với cù lao Dài.
Lăng mộ của của bà Nguyễn Thị Tuyết là mẹ ruột ông Nguyễn Văn Thoại
Trước đây, do cù lao thường xuyên bị ngập nước, nên chủ yếu trồng lúa nước hay trồng lát. Ngày nay, nhờ được đầu tư mà cù lao Dài trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trù phú của huyện Vũng Liêm. Vì thế đã đến đây thì du khách không thể không thưởng thức trái cây tại vườn. Cũng như các cù lao khác ở miền Tây, được trời phú nên các vườn cây trái ở đây đều sai trĩu, với đa dạng các loại quả, nào là sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, nhãn, bưởi năm roi, dâu xiêm, bòn bon, mít... tất cả đều là trái chín cây vô cùng tươi ngon.
Du khách thỏa sức khám phá những vườn trái cây
Những loại hoa quả ở cù lao Dài
Ngoài ra, nơi đây còn có các làng nghề truyền thống dệt chiếu, xe lõi lát tại ấp Bình Thuỷ và Thông Lưu. Trong đó, ấp Bình Thủy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống.
Không chỉ có vậy, đến với cù lao Dài bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn dân giã mà ngon đến lạ như bánh xèo thịt vịt măng mạnh tông, bánh xèo hến, canh chua cá hú nấu bần, ốc bươu nướng tiêu xanh, gỏi gà trộn chuối cây, bánh cuốn hến... Thậm chí nếu bạn thích thì có thể tự tay nướng ốc, làm bánh...
Bánh xèo ở cù lao Dài
Món ốc nướng tiêu
Còn gì tuyệt với hơn khi được thưởng thức những món ăn do chính mình làm rồi cùng nhau nghe đờn ca tài tử. Có như vậy mới cảm nhận được hết sự lâng lâng, thư thái, thanh bình, mộc mạc khác xa với nhịp sống ồn ào, bon chen chốn phố xa đông đúc.
Vẻ đẹp thanh bình chốn làng quê
Đồng thời, thích nghi với xu hướng phát triển dịch vụ du lịch, nhiều gia đình ở cù lao Dài đã bắt đầu làm du lịch homestay. Du khách khi đến với cù lao Dài có thể lựa chọn nghỉ qua đêm tại chỗ để cảm nhận được hết vẻ đẹp thanh bình, êm ả nơi đây, quên đi bao mệt nhọc thường nhật và tiếp thêm năng lượng để thực hiện những mục tiêu của bản thân.