Banner Movi

Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên

Thứ hai, 27/05/2019, 11:33 GMT+7
Khi đã đặt chân đến xứ Huế, điều ghi lại sâu sắc trong tâm thức nhiều người là một thành phố với những khu vườn cổ rợp mát bốn mùa. Trong hệ thống cảnh quan xanh đa dạng ở Huế, thì “sự cô đọng” đặc sắc nhất tập trung ở Cơ Hạ viên trong Đại Nội Huế.
 
Trong số hàng chục vườn ngự uyển của triều Nguyễn nằm ẩn mình trong Đại Nội Huế, Cơ Hạ viên được xem là một kiệt tác cung uyển, “thiên thượng nhân gian” giữa lòng Thần Kinh. Tên chữ Cơ Hạ được lấy từ chữ “Vạn cơ thanh hạ “(tức là “sự thanh nhàn trong muôn vàn cơ sự”).
 
Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên

Đã có biết bao công trình nghiên cứu, phân tích, giới thiệu cái hay, cái đẹp, cái lạ thường của vườn Cơ Hạ như một thành tựu nổi bật, mang tính đột phá trong nghệ thuật vườn cung đình Huế nói riêng và vườn cảnh Việt Nam nói chung.
 
Vườn Cơ Hạ nằm ở phía Đông Bắc của Đại Nội Huế , bên trong Hoàng thành, diện tích còn lại đến hiện nay là 16.800m2, phía trước giáp phủ Nội vụ, sau giáp Hậu Hồ, hai mặt Đông - Tây giáp tường Hoàng thành và Tử cấm thành. 
 
Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên

Theo sử liệu triều Nguyễn ghi lại: Khởi thủy, vườn Cơ Hạ là nơi học tập của vua Minh Mạng lúc còn là thái tử, sau đó được mở rộng và nnag cấp thành Ngự viên. Đến thời  Thiệu Trị, Tự Đức  Ngự viên tiếp tục được nâng cấp thành vườn thượng uyển, gọi là Cơ Hạ viên.
 
Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên

Cửa chính phía trước mang tên Thượng Uyển, sau cửa là điện Khâm Văn, phía sau là lầu Thưởng Thắng, giữa hồ dựng gác Quang Biểu. Bên trái vườn có nhà tạ Hòa Phong, bên phải có hành lang Khả Nguyệt; xung quang có hồi lang Tứ Phương Ninh Mật.
 
Phía Đông vườn có nhà Minh Lý Thư Trai, phía Tây có hiên Nhật Thận, hồ Minh Giám, sông Tái Vũ, động Phước Duyên, cầu Kim Nghê, núi Thọ Yên, núi Trùng Đình, ao Thụy Liên, núi Quân Tử.
 
Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên

Nằm len lỏi trong vườn Cơ Hạ là hệ thống hồ nước thông nhau với sen súng khoe hương sắc và cá bơi lội tung tăng cùng nhiều đàn cò, vạc bay về sinh hoạt cuối mỗi ngày. Nghệ thuật kết hợp giữa kiến trúc với yếu tố mặt nước theo thủ pháp “Thần tiên tam đảo” đã đạt đến trình độ rất cao, tạo nên sự mềm mại, thanh nhã và tăng vẻ mộng mơ cho Đại Nội Huế.
 
Song song với đó, sự kết hợp sơn - thủy thông qua sự phối trí giữa dòng nước với các non bộ, giả sơn cũng hết sức phổ biến và đạt đến trình độ tinh tế. 
 
Bên cạnh các công trình được kết hợp hài hòa với thiên nhiên, trong khuôn viên vườn Cơ Hạ còn có các loài cây cảnh, hoa cỏ cùng những loài động vật hết sức phong phú.
 
Huế có lợi thế là điểm trung độ của đất nước, phần lớn các loài cây cỏ phương Bắc, phương Nam đều có thể sinh trưởng được. Như loại hoa đào xứ Bắc vào đến Huế vẫn sống khỏe và dần biến đối thành một loại đào hoa thưa nhưng rất độc đáo. Các loại cây hoa  và đã trở thành một thứ đặc sản của kinh đô.
 
Động vật được nuôi thả trong vườn thường là những loài thú nhỏ (như thỏ, sóc, nai...), các loài chim, cá... Đủ cả 4 loại thú, điểu, ngư, trùng. 
 
Vào năm 2012, sau một thời gian dài hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng do thiếu sự chăm sóc, vườn Cơ Hạ đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục hồi lại nhân dịp Festival Huế. Một phần vẻ đẹp lộng lẫy xưa kia được tái dựng, tăng thêm sức hấp dẫn cho khu vực Đại Nội Huế.
 
Hồi sinh “thiên thượng nhân gian” Cơ Hạ viên
 
Cỏ, bụi rậm, cây dại được phát quang, thay vào đó là các con đường đi lát đá như lúc xưa kèm theo nhiều thảm cỏ xanh mượt đẹp nõn nà. Ba ngôi nhà rường là nơi để khách ngồi ngắm cảnh, xem tranh ảnh xưa về Cơ Hạ viên cùng nhiều thư pháp chữ Hán vịnh cây, vịnh hoa và vườn cảnh của các vị vua, danh sĩ thời Nguyễn.
 
Trung tâm đã phục dựng lại cầu Kim Nghê bằng tre nứa buộc lạt mây và sửa sang lại núi Thọ An và động Phước Duyên. Sông Tái Vũ được nạo vét thả hoa sen, hoa súng và cá chép vàng.
 
Vào mỗi đêm Hoàng Cung,  trong các kì Festival Huế từ 2012 đến nay, các nghệ sĩ, vũ công sẽ ngâm các bài thơ viết về vườn Ngự cung đình Huế tại 3 khu nhà rường vườn Cơ Hạ. 
 
HyHy
Theo Báo Du lịch