Vùng núi Quảng Nam, khi nói đến tộc người Cơ Tu với hơn 5 vạn dân này, chúng ta không thể không nhắc đến Gươl và nó luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào Cơ Tu. Gươl gắn với cồng chiêng, những điệu múa tung tung-da dá, những đêm hát và nói lý của người Cơ Tu. Gươl - ngôi nhà làng truyền thống thiêng liêng và rất đỗi thân thương, không thể thiếu trong đời sống văn hoá-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu.
Gươl thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam), một kiểu Gươl truyền thống của người Cơ Tu cần được bảo tồn
Gươl là loại hình kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc người Cơ Tu vùng núi tỉnh Quảng Nam. Đây là sản phẩm văn hoá được người Cơ Tu nơi đây sáng tạo từ lâu đời mang sắc thái đặc thù rõ rệt của cộng đồng Cơ Tu. Nhận thức vai trò của Gươl (ngôi nhà làng truyền thống) đối với đồng bào Cơ Tu rất thiêng liêng, nhiều năm qua tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục lại Gươl của người Cơ Tu. Từ năm 2000 đến nay, tại huyện Tây Giang có 70/78 thôn (làng) đã có Gươl. Tại hai huyện Nam Giang và Đông Giang có 119 thôn (làng) thì đã có 78 thôn (làng) có Gươl. Ngoài ra, các tổ chức phi chính phủ như: Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Hội đồng Vùng Nord - Pas de Calais của Pháp…thông qua nhiều dự án cũng đã giúp đỡ tỉnh Quảng Nam bước đầu khôi phục lại một số Gươl truyền thống của người Cơ Tu tại thành phố Tam Kỳ.
Người Cơtu thôn Tống Coóih, xã Ba, huyện Đông Giang(Quảng Nam) tổ chức khánh thành Gươl mới của làng
Điều đáng phấn khởi là qua bao năm khôi phục lại Gươl, những nghệ nhân và đông đảo bà con dân tộc Cơ Tu thuộc 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang đã tự nguyện đóng góp công sức và tiền bạc để khôi phục lại Gươl mặc dù đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhìn chung, Gươl trên địa bàn của 3 huyện nói trên đều sử dụng đúng chức năng của nó. Bên cạnh các sinh hoạt mang tính tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu, sinh hoạt văn hóa mới cũng được đưa vào Gươl thường xuyên, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, thời gian qua cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khôi phục lại Gươl truyền thống của người Cơ Tu ở một số thôn (làng) thuộc 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang mang tính tự phát, chưa thể hiện rõ nét văn hóa và bản sắc riêng. Bên cạnh đó, một số Gươl đã và đang ngày càng xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cũng như những thay đổi trong kiến trúc, trang trí nội thất Gươl truyền thống đã dẫn đến nguy cơ hiện đại hóa bằng phẩm màu, sơn, đinh, ốc vít đến kết cấu khung, sườn, mái nhà, sàn...
Để hoàn tất một số hạng mục của Gươl, những nghệ nhân Cơtu bao giờ cũng dùng rìu, rựa và các phẩm màu từ thiên nhiên
Xuất hiện nhiều mô típ, hoạ tiết mới, không đại diện cho quan niệm thẩm mỹ, không phản ánh được trình độ nhận thức cũng như nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người Cơ Tu... Nhiều năm qua, chúng ta đã đầu tư, hỗ trợ nhiều cho Gươl, song hiệu quả từ việc khôi phục lại nhà làng truyền thống này thiếu sự nghiên cứu một cách bài bản, cặn kẽ; thậm chí nhiều nơi, nhiều địa phương có khi tự ai nấy làm.
Nói thế, để thấy rằng việc khôi phục lại nhà làng truyền thống của người Cơ Tu là việc làm không hề dễ chút nào, nhiều nơi vẫn chưa tính đến phát huy, bảo tồn, nên hiệu quả của việc khôi phục lại Gươl truyền thống không nhiều. Kiểu của Gươl truyền thống và những tác phẩm tạo hình đầy tính bản địa, hoang dã của người Cơ Tu đã có từ bao đời nay có nguy cơ mai một và ít dần đi.
Thêm một thực trạng khách quan nữa, ngày xưa làng người Cơ Tu nào cũng có nhiều nghệ nhân đảm nhận việc thiết kế, dựng nhà ở, làm mới Gươl và thực hiện các tác phẩm nghệ thật điêu khắc, trang trí... nhưng bây giờ số đó cũng ít dần đi, nhiều làng Cơ Tu muốn dựng lại Gươl không tìm được những nghệ nhân, phải đến các làng khác để tìm và thuê nghệ nhân của người Cơ Tu làng khác.
Và Gươl không thể thiếu trong đời sống văn hoá-xã hội và tinh thần của người Cơ Tu
Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, bên cạnh đó, tuyệt đối nghiêm cấm việc lạm dụng khôi phục lại Gươl để phá rừng, khai thác gỗ và các vật liệu khác từ rừng dẫn đến vi phạm lâm luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, chủ động phòng chống thiên tai gây thiệt hại đến giá trị của Gươl, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cùng kết hợp với già làng, trưởng thôn, những cán bộ lão thành cách mạng là người Cơ Tu có uy tín, những nghệ nhân Cơ Tu có kinh nghiệm trong việc thiết kế, trang trí cho Gươl nhằm phát triển tối đa giá trị vốn có của Gươl truyền thống.
Vận động đồng bào Cơ Tu xây dựng đời sống văn hóa mới với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú, lành mạnh tại Gươl để từ đó thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chắc chắn trong thời gian tới việc khôi phục Gươl của đồng bào Cơ Tu ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang đem lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ, gìn giữ hình tượng Gươl để Gươl mãi là niềm tự hào và là “linh hồn làng” của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam.