Mọi thứ ở đảo Lord Howe phía đông bắc Sydney đều dễ chịu, ngoại trừ sự cuồng môi trường của người dân địa phương. Nhưng có lẽ, đó cũng là cách để Úc còn lưu giữ được thiên đường du lịch hiếm có này.
Những con cá muôn màu như xoay quanh bạn khi thả mình xuống làn nước trong vắt. Những chú chim líu lo tung tăng trong rừng vô lo vô nghĩ. Mọi người thong thả đạp xe dọc theo 13km đường mòn rợp bóng cây. Những đứa trẻ đi bộ đến trường bằng đôi chân trần. Không có biển quảng cáo, chìa khóa phòng, khóa xe đạp hay cửa hàng di động.
Hiếm khi có nhiều hơn hai người tắm nắng trên cùng một trong 11 bãi cát trắng của đảo Lord Howe. Những đám đông lớn nhất có lẽ những người quây quần bên những con cá nướng thơm phưng phức.
Đảo Lord Howe chỉ dài 11km và rộng 2km, có hình dáng tựa boomerang bình dị nằm cách Sydney 780km về phía đông bắc. Hòn đảo này ôm lấy một con đầm màu ngọc lam được bao quanh bởi rạn san hô được UNESCO công nhận là di sản thế giới nhờ địa hình núi lửa ngoạn mục, hệ động vật đặc hữu quý hiếm và các loài thực vật bản địa không tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái đất. Sau chuyến đi năm 1997, nhà sử học tự nhiên người Anh Sir David Attenborough đã mô tả đảo Lord Howe là “báu vật phi thường”, rất ít hòn đảo nào dễ tiếp cận mà lại có thể giữ gìn bản sắc nguyên sơ nhường này.
Có lẽ một phần là bởi, thiên đường du lịch nước Úc này quá đắt đỏ đối với hầu hết du khách. Dù chỉ cách Sydney hoặc Brisbane hai giờ bay, nhưng giá vẻ chỉ rẻ hơn so với từ nước Úc đi… Los Angeles, Mỹ. Ăn uống ở nhà hàng rất đắt đỏ. Cũng chỉ có nhà nghỉ cao cấp trên đảo, mà lại phải đặt trước cả năm. Không có chỗ cắm trại, nhà nghỉ bình dân và tàu du lịch.
Phải chăng Lord Howe là hòn đảo độc quyền của giới siêu giàu? Không, mà thực tế là ngược lại. Mọi thứ ở đảo Lord Howe đều thoải mái, ngoại trừ sự cuồng bảo vệ môi trường của dân đảo. Điều đó rất tốt, nhưng đôi khi khiến du khách vô tình phạm sai lầm do những thói quen từ trên đất liền.
Đảo Lord Howe vốn không có người ở cho đến khi được phát hiện năm 1788. Phần lớn dân đảo đến nay cũng là hậu duệ của những người châu Âu định cư đầu tiên vào năm 1833. Đối với họ, môi trường nguyên sơ như bánh mì với người Pháp, như cơm với người Việt.
Năm 1981, rất lâu trước khi du lịch sinh thái trở thành “hot trend” và du lịch quá tải trở thành “lời nguyền”, dân đảo đã tỏ ra lo lắng về sự hủy hoại môi trường, ô nhiễm và xâm lấn. Do đó, Hội đồng Đảo Lord Howe - được thành lập với 4 người địa phương và 3 người của chính quyền bang New South Wales - đã giới hạn số lượng du khách tới đảo: không được quá 400 người cùng một thời điểm. Đến nay, quy định đó vẫn còn.
Đảo có quy tắc nghiêm ngặt về môi trường. Ôtô bị giới hạn. Không có điều hòa. Phải xin ý kiến Hội đồng trước khi chặt dù chỉ một nhánh cây hay sơn nhà. Anh hướng dẫn viên Clive Wilson bông đùa với phóng viên của BBC: “Chúng tôi còn chọc nhau rằng đào vườn nhà cũng cần phải xin phép. Mọi người đến đây cáo buộc chúng tôi là những kẻ qua liêu đến phát điên. Nhưng chúng tôi chỉ muốn bảo vệ môi trường độc đáo và tinh tế của mình thôi.”
Capella Lodge là một resort 9 phòng trên đảo Lord Howe. Giống như nhà dân, khu nghỉ dưỡng này sử dụng nước mưa làm nước uống, nước khoan để tắm rửa và làm vườn. Bất tiện lớn nhất trên đảo là hai lần một tuần mói có thực phẩm và đồ tiếp tế từ đất liền. Nhưng dân đảo cũng trồng rau và cây ăn quả nên không quá phải lo lắng. Họ cũng có rau biển và những món hải sản tươi roi rói.
Tái chế là một phần chính của cuộc sống hàng ngày trên đảo. Chất thải hữu cơ cùng bùn, giấy và bìa các-tông được đưa đi tái chế làm phân bón. Nhựa tái chế, nhôm và thủy tinh được đưa lên bờ đem bán để bù đắp chi phí vận chuyển hàng hóa. Những đồ không thể tái chế thì được đóng gói cẩn thận đưa lên bãi rác trên đất liền. Đặc biệt ở đây, nếu muốn vứt rác, bạn sẽ phải trả tiền xử lý rác. Chẳng hạn, nếu một gia đình muốn mua ghế sofa mới, họ có thể phải trả tới 1.200 USD để chuyển cái cũ đi.
Điện cũng là một thứ đắt đỏ. Nhưng dân đảo đã có hệ thống năng lượng mặt trời và pin. Chính những chi phí như thế này đã góp phần đưa nơi trở thành một trong những nơi “xanh” nhất trên thế giới.
Trung tâm sinh hoạt cộng đồng Lord Howe cũng hết sức giản dị. Một nhà hát (hay bạn gọi là nhà văn hóa cũng được), một tiệm bánh, một cửa hàng thịt, một cửa hàng tạp hóa, một bưu điện, một vài cửa hàng đồ lưu niệm và những thứ lặt vặt khác và Tòa nhà Chính phủ. Tòa nhà này cũng chính là nơi phát đi mọi tin tức ở đảo. Khi có trẻ mới sinh thì “cờ” hồng hay xanh (thực ra trông nó giống tã hơn) sẽ được treo lên. Lợi nhuận từ việc bán hàng tại cửa hàng chai lọ do Island Board điều hành sẽ quay trở lại đảo thực hiện các dự án cải tạo. Đi đâu rồi lại về đó, dân đảo vẫn thường nói như vậy.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH NƯỚC ÚC KHUYẾN MÃI
>> Du Lịch Úc: Hà Nội - Sydney - Canberra - Melbourne 7 Ngày Bay Vietnam Airlines giá chỉ từ 43.900.000 đồng >> Du Lịch Úc: Sydney - Featherdale Park - Melbourne - Grand Park - Dandenong - Ballarat 7 Ngày giá chỉ từ 47.590.000 đồng |
Đảo Lord Howe dù nhỏ nhưng phong cảnh lại rất đa dạng. Có rừng nhiệt đới rậm rạp. Có những ngọn núi dốc. Có biển xanh cát trắng. Vì vậy, có hàng tá hoạt động ngoài trời cho khách du lịch. Bạn có thể lướt sóng, đi xe đạp, chơi bowling trên bãi cỏ. Ở con đầm dài 6km, bạn có thể thuê thuyền kayak và chèo ra đảo Rabbit và làm một bữa dã ngoại nho nhỏ ở đó.
Những ai thích thú cuộc sống dưới nước có thể thuê thiết bị lặn và “giao lưu” với đàn sinh vật nhiệt đới từ dòng hải lưu Great Barrier ấm áp hòa lẫn với dòng nước mát lạnh Lord Howe. Sự kết hợp ấy mang đến một bộ sưu tập sinh vật và san hô phong phú và khác thường, rất khó nhìn thấy ở những nơi khác, như cá ngừ ôn đới, cá hồi, cá thần nhiệt đới và 86 loại san hô cứng. Nếu muốn cho cá ăn, hãy đạp xe đến Ned’s Beach.
Núi Gover phía nam hòn đảo là điểm đến cho những đôi chân không mệt mỏi. Nó còn một “người anh em sinh đôi” là núi Lidgbird. Trên đảo là 170 loài chim mà không hề có bất kỳ động vật săn mồi nào. Điều thú vị là, khi hướng dẫn viên nói bạn hãy hét lên, cảnh tượng kỳ thú sẽ xảy ra: những chú chim đang xoay tròn trên đầu bạn như đột nhiên “rơi” xuống, đôi mắt chúng lộ rõ vẻ tò mò, lúng tung bay về phía con người.
Càng đi, bạn cảm thấy như càng đến gần hơn thế giới siêu thực. Mây mù chăng khắp đỉnh núi. Rêu phong cổ kính. Những thân cây bí ẩn. Những rặng dương xỉ như tô điểm thêm nét huyền bí.
Khám phá thiên nhiên thì đâu cũng có. Nhưng khám phá cách một cộng đồng quyết tâm bảo vệ môi trường hòn đảo cổ tích như thế nào thì ít nơi có được.
Dân đảo lớn lên với niềm tin rằng trách nhiệm của mình là bảo vệ môi trường và tin tưởng vào lối sống trên đảo. Thiết bị “di chuyển” trên đảo là mặt nạ, ống thở và xe đạp. Họ trao đổi rau củ với thịt cá, và ăn uống theo mùa.
Bảo tàng Đảo Lord Howe hấp dẫn sẽ “kể” bạn nghe về những di sản, lịch sử, các vụ đắm tàu và thiên nhiên nơi đây. Khi nói đến hòn đảo nguyên sơ, người ta thường nghĩ đến Galápagos vì Darwin, nhưng đảo Lord Howe còn hơn thế, nó gần như nguyên vẹn so với khi nó được phát hiện. Bởi ai ai ở đây cũng nỗ lực đưa hòn đảo này ở lại trạng thái ban đầu nhiều nhất có thể.
Những loài tàn phá đã bị diệt trừ vào năm 2019, mèo hoang, dê, lộn, chuột. Cỏ dại độc hại, điều thường thấy trên những hòn đảo có người ở, cũng bị diệt trừ. Những loài đặc hữu bản địa được đưa trở lại từ bờ vực tuyệt chủng, như loài chim biển Lord Howe woodhen (giờ chỉ có 30 con) hay bọ que Lord Howe Island Phasmid, một trong những loài côn trùng hiếm nhất thế giới.
Năm 2019, Lonely Planet đã gọi đảo Lord Howe là một trong 10 địa điểm du lịch đáng đến nhất năm 2020. Liệu điều này có ảnh hưởng đến môi trường mong manh ở đây không? Hẳn là không. Như người đứng đầu ngành du lịch của đảo, Trina Shepherd, đã nói, họ đã giới hạn lượng khách, mà đặt phòng cũng phải trước cả năm. Thế nên, du lịch Úc thì dễ chứ đặt chân đến Lord Howe chẳng dễ chút nào, ngay cả khi có thừa tiền.
Giờ đã là giữa năm 2020, BBC xác nhận hòn đảo Lord Howe vẫn quyến rũ như ngày nào. Không xô bồ, không ồn ảo, thậm chí còn nguyên hơn mấy chục năm về trước.
Xem thêm: Đọc vị các quốc gia thế giới qua… cách ly xã hội |
Phong Sa
Theo Báo Thể Thao Việt Nam