Banner Movi

“Đánh thức” Pháo đài Thần công ở Cát Bà

Thứ năm, 13/06/2019, 10:32 GMT+7
Điểm du lịch Pháo đài Thần công sở hữu độ cao nhất trên đảo Cát Bà. Mỗi lần đặt chân tới đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước công trình quân sự ấn tượng của tuyến phòng thủ Cát Bà và không khỏi trầm trồ nhận ra đây chính là điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn bao quát toàn bộ cảnh sắc tuyệt đẹp của Cát Bà.

Ngắm cảnh đẹp đảo Cát Bà từ vị trí Pháo đài Thần công
Ngắm cảnh đẹp đảo Cát Bà từ vị trí Pháo đài Thần công
 
Pháo đài Thần công, còn được biết đến với tên gọi “Cứ điểm 177”. Nơi đây, là khu di tích lịch sử nằm trên đỉnh ngọn đồi có độ cao 177m so với mực nước biển, gồm trận địa các khẩu pháo đối hải cỡ lớn và hệ thống hầm, hào quân sự được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ 20. Chính nhờ vào vị trí đắc địa này, cứ điểm quan sát nhô ra 3 phía hướng biển, nên điểm cao này đã thu trọn một dải biển Đông trong tầm mắt. Còn đằng sau lưng cứ điểm, là những rặng núi trùng điệp làm điểm tựa cho quân sự. Về lịch sử. Pháo đài Thần công từ lâu đã trở thành nhân chứng lịch sử đồng hành cùng quân và dân Cát Bà, Hải Phòng trải qua hai cuộc chiến khốc liệt chống Pháp và chống Mỹ, góp phần lập nên những chiến công oanh liệt của quân dân ta. Tại di tích này, còn lưu giữ những kỷ vật lịch sử là 2 khẩu pháo lớn, văn bia chứng tích, đường hầm giao thông hào, kho đạn, khu nhà trưng bày hình ảnh cùng các đồ dùng thời chiến oanh liệt của các anh bộ đội cụ Hồ. Và điểm đáng chú ý thêm, là đoạn đường đường để du khách lên dốc thăm cứ điểm, thì nằm đối diện ngay Ban quản lý vịnh Cát Bà ngày nay.
 
Nhìn phía xa, tại đỉnh núi khu vực trên đài quan sát của Pháo đài Thần công, du khách được bao quát một khoảng không gian tĩnh lặng rộng lớn đủ màu là hòn Guốc, đảo mắt rồng Long Châu, Hòn Hài, Hòn Bắn, núi Voi Phục, Cát Ông, Áng Thảm, đảo Khỉ, với những làng chài; Ngay dưới chân cứ điểm, là hai bãi tắm trong xanh khá đẹp có tên Cát Cò 1 và Cát Cò 2. Tiếp nữa, khi ngắm và chỉnh kính trên đài quat sát, du khách còn thấy rõ phía bên trái là bãi tắm tiên cát vàng êm ả, bên phải là những nếp nhà người dân sinh sống, khách du lịch qua lại trên biển...
 
Ông Hoàng Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải đảo Cát Bà cho biết: Thực tế, khu Pháo đài Thần công được cấp phép cho một đơn vị khai thác phục vụ du lịch vào giữa năm 2010. Tuy nhiên, đây là khu quân sự ngày đó, nên chúng tôi cũng chưa dám đầu tư mạnh. Mặt khác, chúng tôi cũng đang đề xuất xin ý kiến thành phố, để mời gọi và chọn lựa nhà đầu tư, để đầu tư thêm vài dịch vụ chuẩn trên này.
 
Theo thống kê của ngành Du lịch Hải Phòng, trong số khoảng hai triệu lượt khách du lịch đến Cát Bà năm qua và gần 200 đoàn đến tính vào hạ tuần tháng 3/2019, thì chỉ có gần một phần nhỏ (đa số là khách nước ngoài) lên thăm khu pháo đài. Nguyên nhân là do: Thiếu thông tin, thiếu dịch vụ và giá phí cao.
 
Chị Hải Yến, Giám đốc một Trung tâm Anh ngữ, là người hay tổ chức những buổi thực tế cho đoàn khách Việt, Mỹ, Anh đến Cát Bà và lên pháo đài chia sẻ: về phía trước cứ điểm, gần đây mới xuất hiện một quán phục vụ cafe giải khát, nhưng chưa đạt yêu cầu về giá cả và phong cách phục vụ; liền kề đó là vài bộ bàn ghế mốc meo, trong đó có một ghế đung đưa lãng mạn để du khách nghỉ chân hay chụp ảnh cũng chưa được sạch. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh cũng vậy, vừa thiếu, xuống cấp lại còn chưa được dọn vệ sinh thường xuyên. Thêm nữa, hàng ngày, nơi đây có rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là nhiều khách Tây lên, song còn thiếu thông tin, đội hướng dẫn viên, đặc biệt là thiếu biển cắm mốc ranh giới và hàng rào an toàn khu vực.
 
Một điểm đến ý nghĩa cả về giá trị văn hóa lịch sử lại sở hữu một vị trí đắc địa quá tuyệt vời nhưng lại chưa được khai thác hết những thế mạnh vốn có thì quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Mong rằng các cấp của thành phố, của huyện Cát Hải đảo Cát Bà, sớm ngồi bàn bạc lại, có thể là bỏ luôn việc thu phí lên cứ điểm. Thay vào đó, là đầu tư thêm kinh phí, quy hoạch lại và bổ sung thêm nhiều hạng mục dịch vụ du lịch để bốn mùa này sẽ trở thành điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến Cát Bà.
Hạ Quyên
Theo Báo Du Lịch