Nhắc đến vùng đất xứ Thanh “địa linh nhân kiệt” là đến địa danh: Hàm Rồng – Sông Mã.
Ai đã từng vào Nam ra Bắc, qua niềm “đất lửa” năm xưa, nơi sơn thủy hữu tình, khí thiêng hội tụ, phát tích nền văn hóa Đông Sơn hẳn đều nhớ hình ảnh cầu Hàm Rồng nối hai bờ Sông Mã, gối đầu lên núi Ngọc, núi Rồng; dòng sông xanh lặng lờ uốn khúc chở nặng phù sa, mang theo điệu hò neo đậu lòng người ngược xuôi của những chàng trai cô gái
xứ Thanh.
Cầu Hàm Rồng cũ do Pháp xây dựng năm 1904 là cầu vòm thép không có trụ ở giữa. Cầu này bị Việt Minh phá hủy năm 1946 trong chiến dịch tiêu thổ kháng chiến. Năm 1962 cầu Hàm Rồng mới được khởi công bắt đầu xây dựng. Khánh thành ngày 19 tháng 5 năm 1964, cầu gồm 2 nhịp dầm thép, ở giữa là đường sắt, hai bên là đường ô tô và đường dành cho người đi bộ.
Cầu Hàm Rồng cũ
Cầu Hàm Rồng giữ vị trí giao thông vô cùng quan trọng là cầu đường sắt duy nhất đi qua sông Mã. Đây là cây cầu rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam là trọng điểm của cuộc đấu tranh đánh phá và bảo vệ giao thông. Không lực Hoa Kì liên tục đánh phá với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Các đơn vị bảo vệ cầu đã chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi hơn 100 máy bay các loại. Tại đây không quân Việt Nam bắn rơi 4 máy bay Mỹ. Trung đoàn pháo phòng không 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng đã bắn rơi 90 máy bay, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và được mang tên Đoàn Hàm Rồng.
Công nhân sửa chữa Cầu Hàm Rồng
Vị thế của cầu rất đặc biệt nên rất khó cầu bị bom đánh trúng: tại hai đầu Bắc và Nam của cầu có hai hòn núi (núi Rồng và núi Ngọc) đã chắn hết các bom định ném xuống cầu và là nơi các lực lượng phòng không bảo vệ cầu bắn đón đầu các máy bay oanh tạc phải bay theo một hướng bắt buộc. Vì vậy nên trong cuộc chiến tranh không quân lần thứ nhất của Mỹ chống miền Bắc Việt Nam từ năm 1964-1968 nhiều lần bị đánh phá rất ác liệt nhưng Không quân Mỹ không thể ném bom trúng cầu. Đến năm 1972 đợt tấn công đầu tiên của chiến tranh không quân lần hai (bắt đầu từ ngày 16 tháng 4 năm 1972) Hoa Kỳ áp dụng bom thông minh (bom điều khiển bằng laser) đã đánh trúng cầu và đã làm hư hại hoàn toàn cầu Hàm Rồng.
Cầu Hàm Rồng ngày nay
Cầu Hàm Rồng ngày nay trở thành một di tích lịch sử vô giá, là một địa điểm thăm quan thu hút khách du lịch mỗi khi tới thành phố Thanh Hóa. Học sinh, sinh viên thường hay lên cầu để nô đùa, ngắm cảnh hoàng hôn. Hoạt động giao thông qua lại ít, chủ yếu là phương tiện thô sơ, mỗi khi có ô tô trọng tải lớn, tàu hỏa đi qua, cầu rung lắc rất mạnh.
Đứng từ phía cầu Hàm Rồng, người ta có thể nhìn thấy dòng sông Mã cuồn cuộn chảy hùng vĩ, cầu Hoàng Long huyết mạch nối 2 miền Nam - Bắc và nhìn về một thời hoa lửa. Từ năm 2009, khởi công dự án cải tạo Cầu Hàm Rồng và cảnh quan chung quanh thành Công viên Hàm Rồng trong "Dự án Xử lý sạt lở khẩn cấp đê hữu sông Mã”.
Cầu Hàm Rồng vào buổi tối