Banner Movi

Bánh ngải xanh mướt thức quà giản dị của người Tày

Thứ tư, 01/05/2019, 13:39 GMT+7
Chẳng phải cao lương mỹ vị gì nhưng bánh ngải xanh mướt của người Tày ở Lạng Sơn chiếm trọn cảm tình trong lòng lữ khách phương xa. 

Bánh ngải xanh mướt là loại bánh được truyền từ đời này sang đời khác, luôn diện kiến trong dịp Tết, lễ của người Tày. Có lẽ hầu như ai cũng biết lá ngải cứu có công dụng chữa bệnh, dược phẩm quý và chỉ có ở Lạng Sơn người dân tộc Tày mới tinh tế tận dụng chế biến thành món bánh nổi tiếng mỗi khi nhắc tới vùng địa danh này.

Bánh ngải xanh mướt thức quà giản dị của người Tày
Bánh ngải xanh mướt thức quà giản dị của người Tày

“Tiếng lành đồn xa” món bánh nổi tiếng trứ danh này đã “nuông chiều” những thực khách dù có khó tính đến dường nào cũng phải thưởng thức một miếng bánh dẻo thơm ngon, để rồi ăn một lần vương vấn về sau. Do vậy mà mới có câu không ăn bánh ngải ở Lạng Sơn là phí hoài cả một chuyến đi. 

Nguyên liệu chính của món bánh ngải cứu là gạo nếp và lá ngải cứu. Muốn làm ra chiếc bánh ngải ngon, thơm, công đoạn chọn nếp hương rất quan trọng, không để lẫn gạo tẻ vào. Sau đó, gạo nếp được đem đi vo sạch, ngâm với nước ấm trong khoảng thời gian từ 6 tới 8 giờ đồng hồ, vớt ra để ráo. 

Lá ngải cứu ở mảnh đất Lạng Sơn mọc quanh năm, tươi tốt được người dân hái về rửa sạch, luộc cùng với nước tro tre, nứa để giữ độ xanh mướt vốn có của lá. Sau khi đun nhừ, đổ nhanh ra rổ, rửa lại nhiều lần cho sạch, bỏ xơ, vắt cho hết nước, đem giã nhuyễn. Tiếp tục công đoạn, đem ngải cứu bắc lên chảo xào thật nóng để giảm bớt vị đắng vốn có của nó. 

Công đoạn chế biến lá ngải cứu
Công đoạn chế biến lá ngải cứu 

Sau đó, ngải cứu đem trộn chung với  phần đồ xôi. Trong quá trình đồ xôi, người dân tộc Tày còn có một bí kíp là khi hơi bắt đầu bốc lên, cho vào ít nước để chúng dẻo, không bị cứng, không rời rạc. Xôi đồ chín được giã đều trong cối đá chỉ dành cho các trai tráng trong làng làm, công việc này ấy vậy mà yêu cầu sức người khủng khiếp. Sức nặng của chiếc chày cứ lên xuống liên tục trong vòng 15 – 20 phút cũng đủ để tay bạn rã rời “ghê gớm”. 

Món bánh ngải xanh mướt ngon hay không thì phần nhân chính là yếu tố quyết định. Nhân bánh bao gồm dừa khô, vừng đen, lạc, đường phèn… được người Tày nêm sao cho vừa miệng. Tiếp tục công đoạn bạn dùng tay vắt thành những chiếc bánh ngải nhỏ, dẹt, cho nhân vào giữa bánh. Để bánh không bị dính vào nhau, tạo độ bóng mịn, người ta còn quết bên ngoài chiếc bánh chút mỡ rồi đem đi hấp cách thủy.

Dùng tay vắt bột thành những chiếc bánh ngải nhỏ, dẹt
Dùng tay vắt bột thành những chiếc bánh ngải nhỏ, dẹt

Đem bánh đi hấp cách thủy
Đem bánh đi hấp cách thủy


Lần đầu tiên, du khách tận mắt chứng kiến món bánh này đã ấn tượng ngay với sắc màu. Bánh ngải xanh mướt của người Tày có nét giống với bánh dầy của người Kinh nhưng lại có màu xanh thẫm. Món bánh ngải xanh mướt này nhìn thôi cũng cảm nhận sự mát lành rồi.

Thưởng thức bánh ngải xanh mướt của người Tày, ăn một lần để rồi vương vấn về sau
Thưởng thức bánh ngải xanh mướt của người Tày, ăn một lần để rồi vương vấn về sau

Sự kết hợp hài hòa giữa vị bùi, ngọt ngào, dẻo, thơm đã tạo nên “thương hiệu” bánh ngải xanh mướt nổi tiếng trứ danh, để rồi ăn một lần nhớ mãi về sau. Bánh ngải xanh mướt của người Tày không chỉ là thức quà ăn chơi mà còn có công dụng chữa bệnh tuyệt vời giúp điều hòa kinh nguyệt, chống cảm cúm, an thai. 

Bánh ngải xanh mướt ăn không bị ngấy, luôn xuất hiện trong những dịp lễ quan trọng của người Tày. Do vậy, nếu bạn có cơ hội tìm về mảnh đất xinh đẹp này thì đừng bỏ lỡ việc thưởng thức món bánh nổi tiếng trứ danh này, thấm đượm hương vị núi rừng miền Bắc. 
Tâm Tâm
Theo Báo Du Lịch