Bình Phước nổi tiếng với những rừng cao su bạt ngàn, rừng điều trĩu quả và là nơi hòa hợp giữa nhiều sắc tộc với nhau. Chính thế mà nơi đây có được nhiều món đặc sản độc quyền vô cùng lạ lẫm với nhiều người.
1. Ve sầu sữa chiên giòn
Ở Bình Phước vào mỗi mùa hè, ve sống nhiều trên các cây điều, chôm chôm hoặc cây rừng. Khi trời sẩm tối là lúc những con ve sầu lột xác từ ấu trùng để trưởng thành và quá trình này diễn ra rất ngắn. Nếu muốn có món ăn này, người dân phải chọn đúng thời điểm chúng tách mình khỏi lớp vỏ ban đầu, bởi khi lột xác những con ve sầu thân rất mềm, gọi là ve sầu sữa. Chỉ sau khi lột xác khoảng 30 phút, cánh khô cứng lại, ăn sẽ không ngon.
Ve sầu sữa
Nhộng ve bắt về phải chế biến liền, nếu không nhộng sẽ lột xác thành ve. Trước hết đem nhộng đi rửa sạch, để ráo rồi chiên giòn, cho thêm một chút nước mắm, một chút tiêu là có ngay một món ăn hấp dẫn. Chúng ta cũng có thể nhúng nhộng ve qua một lớp bột rồi chiên xù tới khi có màu vàng là được.
Nếu muốn cầu kỳ hơn thì vứt bỏ chân và rút ruột nhộng ve, sau đó nhét những hạt đậu phộng đã được rang giòn vào bụng, cho vào chảo đã có chút dầu nóng, đảo đều tay. Khi thấy ve đã vàng đều, bóng láng thì cho thêm chút nước mắm, chút bột ngọt, nhắc xuống bếp và trút ra đĩa. Ve sầu chiên giòn vừa mềm, có vị bùi, thơm lựng vừa giòn tan trong miệng.
Ve sữa chiên giòn có màu vàng óng ánh
2. Thịt lợn thả rong
Đây là món đặc sản hấp dẫn mà mỗi khi ghé thăm Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng. Đây là loại heo được nuôi bán hoang dã chứ không hoàn toàn sử dụng thức ăn chế biến nên có chất lượng thịt rất ngon, ít mỡ. Loại heo này còn được gọi bằng nhiều tên khác như: Heo do đồng bào nuôi, heo tộc…
Thịt rất ngon, ít mỡ
Heo thả rong có thể được chế biến thành rất nhiều món như: giả cầy, nướng, hấp… Tuy nhiên, cách chế biến heo thả rong ngon nhất là sau khi làm sạch thịt, để nguyên cả da, ướp với gia vị rồi đem nướng trên than hồng. Thịt heo nướng thường được ăn kèm với rau sống, chuối chát.
Thịt lợn thả rong nướng trên than hồng
3. Cơm lam
Món cơm lam, canh thụt là món ăn đặc sản do người đồng bào S’tiêng sáng tạo ra. Do địa hình chủ yếu là đồi núi, quanh năm phải đi nương, đi rẫy, không tiện mang theo đồ đạc cồng kềnh nên cơm lam, canh thụt là lựa chọn số một, vừa gọn nhẹ, dễ làm, vừa thơm ngon và đảm bảo vệ sinh.
Cơm lam là món an đặc sản do người đồng bào S’tiêng sáng tạo ra
Cơm lam hay còn gọi là cơm ống là cơm được nấu chín trong ống tre, nứa hoặc ống lồ ô là món ngon của Bình Phước. Tùy theo sở thích ở người dùng mà có thể nấu bằng gạo tẻ hay gạo nếp và có thể trộn với các loại đậu xanh, đậu đen, đậu phộng… Ống tre được dùng để nấu cơm lam không quá non cũng không quá già.
Những ống cơm lam dẻo thơm
Cơm lam vừa dẻo vừa bùi lại thêm mùi thơm đặc trưng của ống tre nướng nên ai cũng thèm được thưởng thức. Cơm lam được dọn ra ăn cùng với thịt gà hay thịt heo rừng nướng, tuy nhiên cơm lam ngon nhất khi ăn với muối mè hoặc muối vừng.
Dĩa cơm lam ăn kèm cùng gà nướng
4. Gỏi trái điều
Bình Phước nổi tiếng với những vườn điều trĩu quả mà ai đi ngang qua cũng sẽ nhớ da diết hương thơm ngát của những trái điều rụng la liệt dưới gốc cây. Do sản phẩm chính của các vườn điều là hạt điều nên trái điều không được trọng dụng cho lắm.
Tuy nhiên, sau này người ta đã biết tận dụng những quả điều để làm nên món gỏi vô cùng thơm ngon. Vị chua ngọt của quả điều là thứ nước trộn tuyệt vời cho món gỏi. Chỉ cần cho thêm thịt, tôm, rau, đậu phộng... vào trộn cùng là đã tạo nên một hương vị rất độc đáo, hấp dẫn.
Dĩa gỏi trái điều với nhiều màu sắc bắt mắt
5. Lá nhíp xào
Lá nhíp, rau nhíp khá phổ biến ở Bình Phước và có thể mua ở hầu hết các phiên chợ của các đồng bào. Lá nhíp non có màu đỏ nhẹ, ở dưới cuống lá có màu xanh. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ.
Lá nhíp khá phổ biến ở Bình Phước
Lá nhíp xào với các loại thịt thú rừng là món ăn rất được ưa thích của người dân Bình Phước. Lá nhíp dẻo, ngọt, bùi thưởng thức chung với thịt gà hay bò xé miếng nhỏ xào thì thật hết ý.
Lá nhíp xào thịt gà- Món ngon khó cưỡng
6. Đọt mây nướng
Đọt Mây vốn là nguyên liệu sẵn có và tất yếu để chế biến các món ăn trong bữa cơm hàng ngày của đồng bào S’tiêng. Mây song thường mọc ở các khu rừng hỗn giao, nhiều nhất ở vùng Đông Nam bộ. Cây mây mọc dài có khi lên đến hàng chục mét, trên đọt có chùm lá gai. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động mấy chục người lực lưỡng mới kéo nổi và cũng cần thận trọng khi tách đọt mây để tránh bị gai nhọn đâm.
Mây có nhiều cây cao lên đến hàng chục mét
Khi chế biến món ăn, người S’tiêng chọn những Đọt Mây non tơ, bụ bẫm dài khoảng ba bốn gang tay, mang về tước bỏ phần vỏ lá bên ngoài. Đặc biệt, món Đọt Mây bỏ ống tre sau đó nướng vào lửa là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách khi đến thăm vùng đất này. Món đọt Mây nướng được vùi dưới than hồng giống như nướng củ sắn tươi, có hương vị rất thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của nó. Nếu ăn xong một Đọt Mây, húp thêm một muỗng canh thụt thì mới hiểu hết về món ăn của người S’tiêng.
Đọt mây nướng trên bếp lửa
Trên đây là 6 món ăn được xem là đặc sản của mảnh đất Bình Phước . Mỗi loại đặc sản vùng miền lại mang một nét riêng, hương vị riêng. Các bạn có dịp ghé qua Bình Phước thì nhớ thưởng thức khám phá hết nha.