Người Phần Lan được cho là trung thực trong mọi hoàn cảnh. Đó đã là niềm tin bất thành văn bao năm qua mà chưa có ai chứng minh được điều ngược lại.
Một tháng 12 nọ, Srishti Chaudhary của BBC đến Helsinki, Phần Lan. Tuyết tươi trải dài trên những con đường. Chaudhary điên cuồng che mình trước cái lạnh. Chaudhary đi đến ga xe lửa, tìm mua sim Phần Lan, ghé vào một số cửa hàng và kiot để tìm cái tốt nhất.
Đôi lúc, Chaudhary nhận ra đã bỏ quên mũ ở đâu đó. Vào lại các cửa hàng cũ, cố gắng mô tả về cái mũ, cuối cùng Chaudhary phát hiện ra nó nằm trên cây thông Noel nhỏ tại một trong những kiot và nhặt nó lên với một nụ cười.
Đó là lúc Chaudhary bắt đầu quan sát điều mà người ta vẫn thường nói: Người Phần Lan rất trung thực. Ở đây, người ta đánh giá cao sự trung thực và là nền tảng của mọi tương tác.
“Trung thực đã trở thành văn hóa Phần Lan. Ít nhất là so sánh với các nền văn hóa khác”, Johannes Kananen, giảng viên tại Trường Khoa học Thụy Điển thuộc Đại học Helsinki, cho biết. “Trong tiếng Anh có câu nói rằng ‘Sự thật quá giá trị, đừng lãng phí nó’. Song ở Phần Lan, mọi người luôn nói thật.”
Tình huống mất chiếc mũ ở trên không phải chuyện hiếm gặp. Vì ở Phần Lan, phần lớn tài sản bị mất luôn tìm được đường trở về với người chủ. Natalie Gaudet của Đại học Aalto giải thích: “Mọi người ở đây có thói quen kỳ quặc là để lại những chiếc găng tay không tìm thấy chủ trên cành cây”, đó là để giúp người chủ có thể nhìn thấy nó từ xa. “Trẻ em rất hay làm mất găng. Mọi người thường treo lên cây gần đó để chúng có thể tìm lại nhanh chóng.” Trong một xã hội mà trung thực đã trở thành luật bất thành văn, chỉ có người chủ thực sự mới đi báo về món đồ bị mất. Dường như không ai có ý định trục lợi gì, dù to hay nhỏ.
Cách đây vài năm, Reader’s Digest đã thực hiện một khảo sát nho nhỏ là “Lost Wallet Test” (thử nghiệm mất ví), trong đó các phóng viên thử đánh rơi hay bỏ quên ví tại 192 thành phố trên khắp thế giới. Mỗi ví có chừng 50 USD với thông tin liên lạc, ảnh gia đình và danh thiếp. 11 trong số 12 ví ở Helsinki đã được trả lại cho người chủ, khiến Helsinki trở thành thành phố trung thực nhất trong số các nơi được thử nghiệm.
Nhưng điều gì đã khiến cho Phần Lan trở thành một nước trung thực như vậy?
Ngày nay, Phần Lan không phải là cái tên quá lâu đời. Trong nhiều thế kỷ, Phần Lan ngày nay đã từng nằm trong Vương quốc Thụy Điển. Trong khi tiếng Thụy Điển là ngôn ngữ của tầng lớp thượng lưu, thì tiếng Phần Lan lại gắn liền với tầng lớp bình dân, nông dân và giáo sĩ. Chỉ đến năm 1809, Phần Lan mới có được quyền tự trị từ Alexander I của Nga trong Chiến tranh Phần Lan và trở thành Đại công quốc Phần Lan, tiền thân của Phần Lan ngày nay. Đó là khi bản sắc văn hóa Phần Lan mạnh mẽ bắt đầu được xây dựng và ngôn ngữ Phần Lan bắt đầu phát triển.
Những vùng nông thôn rộng lớn, mùa đông cực Bắc tối tăm, buộc người Phần Lan giữ thái độ đúng với cuộc sống nếu muốn xây dựng đất nước. Đó là sự nghiêm khắc, khiêm tốn, chăm chỉ, không ngại vượt khó vượt khổ - những điều có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển tính trung thực.
Trong tiếng Phần Lan, có một khái niệm nổi tiếng là “sisu”. Sau "sauna", "sisu" là từ tiếng Phần được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Khó mà chuyển tải hết ý nghĩa của "sisu" qua ngôn ngữ khác, nhưng có thể hiểu nôm na đó là sự can đảm phi thường, quyết tâm cao độ và bền bỉ, nghị lực mạnh mẽ khi đối mặt với nghịch cảnh. Bạn có thể dịch “sisu” là tinh thần Phần Lan.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH BẮC ÂU KHUYẾN MÃI
>> HCM - Phần Lan - Thụy Điển - Na Uy - Đan Mạch giá từ 59,900,000 đồng >> Hà Nội - Đan Mạch – Na Uy - Phần Lan - Nga - Estonia - Thụy Điển giá từ 99,800,000 đồng |
Ngoài ra, khi Phần Lan ly khai khỏi vương quốc Thụy Điển, tôn giáo cũng đóng góp một phần kích hoạt sự trung thực. Nhà thờ Lutheran ở Phần Lan là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới.
Những phẩm chất đó hiện đang ăn sâu vào văn hóa Phần Lan. “Người Phần Lan tôn trọng sự trung thực và thành thực”, Kananen nói.
Ông trích dẫn ví dụ về vụ bê bối với môn trượt tuyết Phần Lan khi Phần Lan đăng cai Giải vô địch trượt tuyết Bắc Âu FIS năm 2001. 6 vận động viên hàng đầu Phần Lan bị bắt vì dùng doping và bị loại. Vụ bê bối được đưa tin rầm rộ trên báo chí quốc gia. Người Phần Lan coi đó là chuyện xấu hổ của quốc gia.
“Đối với người Phần Lan, điều tồi tệ nhất về vụ bê bối doping không phải là bản thân vụ đó. Điều tồi tệ nhất là, huyền thoại về người Phần Lan trung thực, chăm chỉ sụp đổ”, The International Journal of the History of Sport viết.
“Đó là vấn đề niềm tự hào dân tộc. Ngược lại, ở Na Uy, khi một vận động viên trượt tuyết nữ của họ bị bắt vì doping, cả nước đã bảo vệ cô và muốn hình phạt nhẹ nhất có thể”, Kananen nói.
Thật vậy, người Phần Lan cực kỳ tự hào về văn hóa trung thực của họ. Mọi giao dịch trong xã hội đều dựa trên nền tảng giả định rằng “ai cũng trung thực”. Với cả cơ quan công quyền cũng vậy. Người Phần Lan cũng là những người sẵn sàng đóng thuế hạnh phúc. Họ biết tiền thuế được sử dụng cho mục đích chung và họ biết không ai gian lận khi thu thuế.
Gokul Srinivasan, một kỹ robot và doanh nhân sống ở Helsinki, nói rằng trong một cộng đồng, nếu ai bị bắt nói dối một lần, họ sẽ không bao giờ được tin tưởng nữa. Mặc dù Phần Lan rộng gần gấp ba nước Anh, nhưng dân số chỉ bằng 1/10. Phần lớn cư dân tập trung tại các đô thị ở phía nam. Thành ra, dường như ai cũng biết ai hết cả.
“Nếu người Phần Lan nghĩ rằng bạn không đáng tin cậy, thì bạn mãi mãi chẳng thể làm ăn với họ. Họ không có thói quen nói chuyện sau lưng. Nếu có ai đó mắc phải lỗi đó, thì thực sự là vấn đề khủng khiếp”, Srinivasan cho hay.
Phần Lan đã được bầu chọn “Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” ba năm liên tiếp. Bất cứ ai đi du lịch Phần Lan cũng sẽ háo hức muốn xem đất nước này hạnh phúc như thế nào. Với người Phần Lan, hạnh phúc là mọi kết nối đều dẫn tới sự trung thực. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, có mối liên hệ giữa cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất với nói thật.
Theo nhận định của Srishti Chaudhary, người Phần Lan nhiệt tình nhưng không phiền hà, ấm áp nhưng cũng khắc kỷ, sống rõ ràng nhưng không quá biểu lộ tình cảm. Song bất kể họ như thế nào, thì giá trị cốt lõi vẫn là trung thực và thẳng thắn.
Nếu có giao tiếp với người Phần Lan, bạn hãy nhớ rằng im lặng luôn tốt hơn là nói huyên thuyên, thẳng thắn tốt hơn là hứa suông hay khoe khoang thùng rỗng kêu to.
Người Phần Lan nói đến đâu chắc đến đây. Nguyên tắc của họ là: đầu tư vào những gì mình nói. Kananen nói: “Người Phần Lan có xu hướng diễn đạt hoàn toàn theo nghĩa đen. Vì vậy, nếu bạn nói rằng bạn có burger ngon nhất từ trước đến nay, điều đó có thể dẫn đến một cuộc trò chuyện mà chủ đề toàn burger, tiêu chí nào để bạn ‘dám’ nói điều đó. Thế nên, trừ khi bạn có thể chứng minh rằng đó thực sự là món burger ngon nhất từ trước đến nay, nếu không họ sẽ nhìn bạn như kẻ lẻo mép khoác lác.”
Tất nhiên, trung thực quá cũng có vấn đề. Người Phần Lan không giỏi chấp nhận ý kiến đa dạng vì có niềm tin sâu sắc rằng chỉ có một sự thật.
Dù vậy, nhìn chung, sự trung thực vẫn là chính sách tốt nhất, mặc dù phải mất một chút thời gian để làm quen với nó.
Khi đi tìm món bia ngon ở Turku, một thành phố ở phía nam Phần Lan, Srishti Chaudhary cùng bạn đã đi đến các quán bar khác nhau, để áo khoác lên móc treo. Không khóa, không camera theo dõi. Srishti Chaudhary cứ liên tục liếc chỗ đó.
“Đừng lo lắng. Chẳng ai lấy đi đâu”, người bạn liên tục nói với Chaudhary.
Dần dần, Chaudhary tin, người Phần Lan thực sự trung thực.
Xem thêm: Thấy gì từ các quốc gia tốt bụng: Người yêu người sống để yêu nhau |
Phong Sa