Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Rộn ràng lễ hội Xên lẩu nó của người Thái ở Sơn La

Thứ năm, 02/06/2016, 18:34 GMT+7
Lễ hội Xên lẩu nó là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần của người dân tộc Thái ở Sơn La.
Cùng với các vùng miền trên cả nước cứ khi mùa xuân về, khi măng mới nhú, khi cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa ban cùng muôn hoa đua nở khắp núi rừng, vạn vật sinh sôi sau mùa đông lạnh giá bà con người Thái đen bản Nà Mè, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn ở Sơn La lại tổ chức lễ Xên lẩu nó tại nhà mo một (thầy cúng).

Lễ hội Xên lẩu nó là lễ hội truyền thống, rất đặc sắc diễn ra trong 3 ngày 3 đêm với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần sông, thần núi, thần thổ địa, lễ cảm tạ của các con nuôi được mo một chữa khỏi bệnh. Phần hội có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng mọi người cùng vui múa điệu xòe truyền thống trong tiếng chiêng, tiếng trống đầu xuân. Đây cũng là dịp bà con gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Đến nay mặc dù một số nét đã bị mai một theo thời gian, năm tháng song vẫn không thể mất đi những nét đậm bản sắc dân tộc Thái.
 
 
Trong lễ hội Xến lẩu nó phải có rượu khoảng 100 - 200 lít, phụ thuộc vào lượng con nuôi, cùng với gạo, rượu cần… để cúng tổ tiên, mời các thần linh và thổ công thổ địa.

Một thứ không thể thiếu trong lễ hội là cây xăng bók (cây nêu). Lễ hội Xên lẩu nó của người Thái ở bản Nà Mè có 2 cây xăng bók do mo một trực tiếp chỉ đạo anh em, con cháu dựng ở 2 cột nhà song song. Mỗi cây gồm: Cây chuối, cành hoa ban, măng đắng, chum rượu cần...

Một nhóm đàn ông được phân công đi chặt tre làm "Bẳng nặm póng" (ống nước) khoảng từ 10 đến 15 ống để nhảy múa quanh cây xăng bók. Làm 01 cái sàn bằng tre trên trần nhà gọi là "hảng" để các con nuôi đặt các mâm lễ. Nếu chật không hết thì họ sẽ đặt xuống dưới, mâm của người nào thì viết tên người đó để thầy cúng lần lượt cúng cầu xin những điều tốt đẹp.
 
Sau khi dựng cây xăng bók đàn ông đi mổ trâu để làm lễ. Đầu, đuôi, 4 chân và đùi trước là để cúng, còn lại để chế biến thức ăn trong những ngày lễ hội. Phụ nữ và những người khác thì tiếp tục những công việc còn dang dở để chuẩn bị cho lễ cúng.
 
 
Trong lễ hội có phần mo một trong trang phục lễ hội giả làm con khỉ chèo lên cây xăng bók diễn trò bứt chuối ném xuống cho mọi người ăn, ông phá phách, giật tung mọi thứ trên cây xăng bók, rồi ông nhảy xuống sàn nhà múa say sưa theo điệu ngửa 2 bàn tay tung lên biểu hiện tiễn đưa các thần linh về trời. Cứ như thế được khoảng 20 - 30 phút rồi ông giật lấy khăn quận mấy vòng vào cây xăng bók buộc lại báo hiệu kết thúc lễ hội lúc này mọi người đều bỏ khăn và đạo cụ khác vào gốc cây "xăng bók" rồi vỗ tay nhảy múa quanh cây.
 
Trong không khí rộn ràng của lễ hội các con nuôi cùng bà con dân bản không phân biệt tuổi tác cùng nhau xoè vui, cười nói trao đổi theo nhịp trống chiêng kéo dài đến 1 - 2h sáng.
 
Sau ba ngày lễ hội mọi người lại trở về với cuộc sống hàng ngày chăm chỉ lao động với niềm tin một năm mới mùa vụ mới may mắn, thuận lợi. Lễ hội Xên lẩu nó đã có trong đời sống người dân tộc Thái từ ngày xưa có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần. Với nhiều hoạt động và các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống... được đúc kết từ trong lao động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong vùng. Du khách cũng có thể đặt tour du lịch Đông - Tây Bắc để có cơ hội tham gia nhiều lễ hội thú vị của đồng bào miền núi cũng như được khám phá nhiều phong cảnh thơ mộng và hùng vĩ ở khu vực này.
Phương Ly
Tổng hợp