Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Du lịch Sơn La thích thú tham gia Lễ hội Mợi của người Mường

Thứ năm, 02/06/2016, 18:04 GMT+7
Lễ hội Mợi của dân tộc Mường ở Sơn La mang tính nhân văn và cộng đồng rất lớn.
Lễ hội Mợi là lễ hội có ý nghĩa lớn của người Mường ở Sơn La. Lễ hội nhằm tưởng nhớ tới Tổ Mợi đã có công xây dựng, gìn giữ, phát triển các hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, tưởng nhớ tới những người có công sinh thành và khai khẩn mở mang đất Mường. Là dịp các con nuôi ở mường trên, bản dưới về tạ ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.

Nếu đến Sơn La vào dịp đầu xuân, du khách nhớ tham gia Lễ hội Mợi của người Mường. Đây là dịp các gia đình, các dòng họ, các bản, các Mường tăng cường đoàn kết. Họ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và động viên nhau xây dựng bản Mường ngày một tốt hơn.

Lễ hội Mợi gồm phần lễ và phần hội được tổ chức đan xen nhau. Phần lễ do thầy Mợi và các con hầu đảm nhiệm. Phần hội có sự hướng dẫn của thầy Mợi và sự tham gia của các con nuôi, bà con dân bản. Lễ hội Mợi diễn ra trong thời gian một ngày.


Mâm cúng gồm 6 mâm: Mâm mời tổ tiên thầy Mợi; Mâm mời tổ tiên bên ngoại; Mâm mời tổ tiên bên nội; Mâm mời tổ Mợi; Mâm mời thổ địa; Mâm mời thiên hoàng. Thầy Mợi đi qua các mâm cúng mời các thần và tổ tiên về dự lễ.

Trong Lễ hội có phần đặc biệt là bói áo, người muốn được bái phải mang lễ vật mang đến. Lễ vật gồm 1 cái áo và 1 mâm lễ. Trên mâm lễ có 1 chai rượu, tiền, gạo. Thầy Mợi xem áo và chuẩn đoán bệnh.

Đến lễ buộc chỉ cổ tay, dây chỉ được xe lại nhiều màu để thầy Mợi buộc chỉ cổ tay cho các con nuôi, những người ốm yếu buộc chỉ cổ tay cho mau khỏi bệnh, gặp nhiều điều tốt lành.

Sau khi thầy Mợi làm các lễ xong đến tổ chức phần hội. Các nhạc cụ dân tộc cất lên tiếng trống, chiêng, tiếng khèn Pí ôi, Khèn lá, Pí lúa, Chuông đồng, Khèn bè, Chùm quả nhạc, Đàn ống... mọi người cùng nhau nhảy các điệu múa và tham gia các trò chơi dân gian.

Phần Hội rất phong phú với các hoạt động tái hiện các hoạt động sản xuất của dân tộc Mường như các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống... Từ trong lao động họ đã hình thành các hoạt động nghệ thuật, được chau chuốt dần thành những hình tượng sân khấu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của bản Mường.

Sau một ngày, lễ hội kết thúc bằng điệu múa trầu tiễn tổ tiên thầy Mợi về trời. Điệu múa phải thể hiện thật dẻo, thật khéo để mong đến ngày này sang năm còn mời tổ mợi xuống trần gian dạy con cháu tập múa, làm nương, làm ruộng. Sau đó, thầy Mợi tổ chức một bữa cơm đoàn kết mời  các con hầu, các con nuôi và bà con dân bản.

Lễ hội Mợi của dân tộc Mường mang tính nhân văn và cộng đồng rất lớn. Thông qua lễ hội đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh lành mạnh của nhân dân, đồng thời giúp nhân dân bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp, loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu không còn phù hợp. Lễ hội Mợi có từ xa xưa đi cùng năm tháng được nhân dân đúc kết, chỉnh sửa, tạo lập truyền từ đời này sang đời khác có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường. Du khách cũng có thể đặt tour du lịch Đông - Tây Bắc để có cơ hội tham gia nhiều lễ hội thú vị của đồng bào miền núi cũng như được khám phá nhiều phong cảnh thơ mộng và hùng vĩ ở khu vực này.
Phương Ly
Tổng hợp
CÁC TIN CÙNG CHUYÊN MỤC