Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Trung Quốc

Huyền thoại về vùng đất thiêng Shangri-la và câu chuyện hôm nay

Thứ ba, 05/03/2019, 22:14 GMT+7
Nếu bạn là một fan trung thành của chuỗi các tập phim “Xác ướp Ai Cập” hay là độc giả của cuốn “Đi tìm đường chân trời đã mất” của nhà văn James Hilton thì chắc hẳn sẽ không xa lạ gì với một vùng đất thiêng huyền thoại mang tên Shangri-la. 
 
Shangri-la, mảnh đất huyền thoại được khắc họa bằng những ngôn ngữ mĩ miều. Đó là sự hòa trộn giữa thiên đường và thực tại. Nó khiến cho nhiều người mộng tưởng và cảm thấy hoài nghi về sự tồn tại của một thiên đường. Thế nhưng, vùng đất thiêng Shangri-la hoàn toàn có thật, vẻ đẹp huyền bí và kì ào của vùng đất này thực sự tồn tại trong cuộc sống này. Chỉ có điều, sự bất tử của con người là không tồn tại. 
 

Huyền thoại về vùng đất thiêng Shangri-la
 

Theo truyền thuyết, đây là vùng đất mà con người ta có thể sống với một trái tim thuần khiết, không mưu toan lợi ích cá nhân, không chịu sự nghèo túng, đau khổ. Ở mảnh đất đó, thiên đường tồn tại, nơi mà lòng nhân từ và đạo lí khôn ngoan sẽ trị vì, con người sẽ không phải lo lắng, không phải ganh đua. Họ sống hòa mình với thiên nhiên, đối xử với nhau bằng tình yêu và sự trân trọng. 
 
Đó là vùng đất có trong truyền thuyết
 
Huyền thoại về Shangre-la đã có từ hàng ngàn năm, chủ đề về miền đất huyền thoại này có thể tìm thấy trong nhiều văn bản cổ. Những bản viết của Đạo Bon nói về một vùng đất hẹp nối liền với vùng đất của con người, được gọi là Olmolungring. Những văn bản Hindu như Vishnu Purana đề cập đến Shangre-la là nơi sinh ra Kalki, hiện thân cuối cùng của thần Vishnu, người sẽ công bố một thời kỳ vàng son mới. Huyền thoại Phật giáo về Shangre-la là một sự cải biên của huyền thoại Hindu trước đó. 
 
Mảnh đất của những người với trái tim thuần thiết, mưu toan cá nhân
 
Huyền thoại về một vùng đất hứa đã được ghi chép qua mấy nghìn năm. Nhận xét của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ về vùng Shangra-la như sau: “Mặc dù chỉ những người có một mối quan hệ đặc biệt mới thực sự có thể đến đó qua kết nối nghiệp của họ, nhưng nó vẫn không phải là một nơi cụ thể mà chúng ta có thể tìm thấy. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng đây là một miền đất tịnh độ, một cõi tịnh độ trong thế giới con người. Và trừ khi người đó có tâm đức và tin vào nghiệp báo mới đến đó được, không ai có thể đến được đó”.
 

Shangri-la – câu chuyện của ngày hôm nay
 

Nhiều người cho rằng không tồn tại một vùng đất thánh Shangri-la được miêu tả trong “Đi tìm chân trời đã mất”. Đó chỉ là một câu chuyện viễn tưởng được nhà văn James Hilton thêu dệt nên. Tuy nhiên, mảnh đất hứa Shangri-la hoàn toàn có thật. 
 
Shangri-la hoàn toàn có thật 
 
Trên thực tế, Shangri-La là "giai điệu cao vút" vang vọng trên thảo nguyên bao la, là hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất hạnh phúc, là những lời niệm gửi gắm nhiều ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp. Shangri La là một huyện thuộc châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khánh có tên chính thức là Trung Điện trong tiếng Trung, và Gyalthang trong tiếng Tạng. Nằm ở độ cao hơn 3.000 mét so với mực nước biển, Shangri La chính là nơi bắt đầu của thế giới người Tạng.
 
Shangri-la là giai điệu cao vút vang vọng trên thảo nguyên bao la
 
Nếu có dịp đến với vùng đất hứa này, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cùng không khí tuyệt vời đến mức hoàn hảo ở nơi đây. Thiên đường không nằm trong mộng tưởng, thiên đường vốn tồn tại trên mặt đất. Điều quan trọng là con người ta có dám đặt chân lên đó hay không mà thôi. 
 
Nhiều người đã tự mình đi tìm mảnh đất hứa với một niềm háo hức, một sự hi vọng dâng trào sau khi trải nghiệm qua ngòi bút của nhà văn “Đi tìm chân trời đã mất”. Có lẽ, thực tế không giống hoàn toàn như trong sách vở, nhưng dường như chẳng ai thất vọng khi đến đây.
 
 
Đó là mảnh đất với không khí tuyệt vời đến mức hoàn hảo
 
Cao nguyên hiện lên trước mắt du khách với một thung lũng mây, những cánh đồng cỏ bạt ngàn và những ngọn núi tuyết bàng bạc thoắt ẩn thoắt hiện cuối đường chân trời. Vẻ đẹp thanh bình và ảo diệu đến lạ. Cuộc sống trôi nhẹ nhàng hơn với những đám mây trắng bồng bềnh. Chỉ lúc này đây, bạn mới cảm nhận được cái mát lanh của những đám mây trắng trên đầu. Xa xa, bạn có thể chiêm ngưỡng đàn bò Yak với những bộ lông dài lết phết gặm cỏ trên cao nguyên. 
 
Mọi thứ vuông vắn và trọn vẹn đến mức tuyệt đẹp


Bạn có tin vào những điều kì diệu?
 

Thế giới có lẽ chẳng có phép thuật, nhưng ở đâu đó luôn có những điều đẹp đẽ, diệu kì mà chúng ta có thể cảm nhận được. Đến Shangri-la, bạn có thể cảm nhận được sự trọn vẹn, vuông vức và đầy tinh tế đến từ các công trình kiến trúc: những ngôi nhà, những tu viện, nhà thờ, con đường, dãy phố,… Tất cả trọn vẹn và tinh tế đến lạ. Nó nhỏ bé một cách vừa vặn, đẹp đến lạ lùng.
 
Kiến trúc tinh tế, độc đáo của người Tạng
 
Nhiều du khách đến đây nhận thấy có một điểm nhấn đặc biệt của Shangri-la, đó là tu viện Shongzalin. Tu viện này có nét kiến trúc khá giống với tu viện Potala, Lhasa, Tây Tạng, nên thường được gọi là Totala thu nhỏ. Màu vàng của những mái nhọn khiến cho nó nổi bật lên giữa nền trời xanh và những dải mây trắng xóa. Đây được coi là tu viện lớn nhất tỉnh Vân Nam, nơi tập trung những nét văn hóa tiêu biểu của người Tạng. 
 
Đến đây, bạn mới cảm nhận được hết vẻ đẹp trong văn hóa người Tạng
 
Nằm trên ngọn đồi bao bọc bởi nhà dân, tu viện chia thành nhiều sảnh thờ khác nhau nhưng đều theo cấu trúc đối xứng. Nếu di chuyển trong tu viện theo nguyên tắc từ trái qua phải, thuận chiều kim đồng hồ, bạn sẽ trầm trồ trước các pho tượng Phật đồ sộ, những tấm phướn rực rỡ đa dạng, kỹ thuật điêu khắc tinh xảo, trần các sảnh thờ được tô vẽ cầu kỳ theo văn hóa đặc trưng của người Tạng.
 
Có thể chúng ta đã quá quen thuộc với những lời văn mĩ miều, không đúng như trong thực tế. Tuy nhiên, phải thực sự tận mắt chiêm ngưỡng và cảm nhận Shangri-la bằng mọi giác quan, bạn mới có thể thấy hết được vẻ đẹp diệu kì của nó. Mảnh đất hứa, thiên đường của người Tạng. Ở đó, luôn xuất hiện những điều kỳ diệu. 
 
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch