Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Đảo cò Tiến Nông

Thứ sáu, 07/07/2017, 11:59 GMT+7
Nằm cách thị trấn Giắt của huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa gần 5km, xuôi về làng Nga, xã Tiến Nông là một vườn cò rộng hơn 3ha. Sở dĩ gọi "đảo cò" là bởi, nó nằm gọn trong một hồ nước lớn, xung quanh là nước bao vây.


Vị trí Đảo Cò

 

Đảo cò Tiến Nông được xem là “di tích” thiên nhiên ban tặng cho con người và mảnh đất Triệu Sơn (Thanh Hóa). Nằm ngay cạnh phủ Vạn linh thiêng đã tạo nên vẻ hài hoà giữa thiên nhiên và con người nơi vùng quê yên bình.


Đảo cò Tiến Nông
Đảo cò lúc bình minh


Đa dạng sinh học trên Đảo cò

 

Trong vườn cò vẫn tồn tại nhiều loài chim, vạc, cuốc... vẫn sinh sôi. Người dân làng Nga cũng không biết chính xác lần đầu tiên các loài chim, cò tìm về mảnh đất lành này để làm tổ từ bao giờ. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết, hàng năm, các loại cò, vạc xuất hiện nhiều nhất vào khoảng từ tháng 9 dương đến Tết nguyên đán, bởi đây là thời điểm các loài chim biển di cư vào trú đông. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm sau chính là mùa sinh sản của cò.

Trên nền trời xanh, những cách cò trắng lượn lờ rồi bay vòng tranh giành chỗ đậu với những tiếng kêu xé toang không gian yên tĩnh.

Đảo cò Tiến Nông
Cánh cò bay lượn


Thời gian nhộn nhịp trên Đảo Cò

 

Thời điểm đàn cò, vạc đông đúc nhất là lúc trời chập tối. Cò, vạc ở đây không bao giờ ở chung với nhau, sáng sớm, khi đàn cò đi ăn là lúc đàn vạc bay về ngủ. Từ nhiều đời nay, chúng vẫn thay phiên nhau cư ngụ ở đây như thế.

Tại vườn chim này, không chỉ có cò, vạc mà đây còn là nơi ở của nhiều loài chim như: vịt trời, le le, cuốc, bìm bịp, bồ câu hoang và đặc biệt đang có 5 cá thể bồ nông sinh sống.

Việc trông coi và bảo vệ vườn cò nơi đây cũng gặp không ít khó khăn. Có thời gian, “đảo cò” gần như bị “xoá xổ” bởi nhiều nguyên nhân. Một thời gian, cò bị săn, bắt vô tội vạ nên khiến cò bỏ đi khá nhiều.

Những người tham gia bảo vệ vườn cò cũng chỉ bằng trách nhiệm là chính do tiền công không đáng là bao nhiêu. Vào năm 1992, vườn tre gai trong hồ bị thoái hoá, cộng với phân cò phủ trắng lá nên chết gần hết. Chính quyền địa phương đã huy động dân quân trồng lại nhiều gốc tre.

Để bảo vệ đàn cò, chính quyền xã Tiến Nông giao cho công an xã quản lý, trông coi, nghiêm cấm người dân săn bắt chim, cò dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó UBND huyện Triệu Sơn thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xã Tiến Nông quan tâm đầu tư, tạo môi trường sống cho cò để đảo cò thật sự là chốn bình yên cho các loại chim sinh sôi, nảy nở, góp phần giữ gìn, bảo vệ nét văn hóa cho thế hệ mai sau.

Đảo cò Tiến Nông
Đàn cò trên đảo Cò

Mới đây, đề án về phát triển du lịch của huyện Triệu Sơn đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Theo đó, cây cầu Vạn bắc qua sông Hoàng sẽ được mở, nối xã Tiến Nông với các xã phía nam huyện Đông Sơn. Tương lai, “Đảo cò” sẽ trở thành một điểm du lịch trong cuộc hành trình Sầm Sơn - Đảo cò Tiến Nông - Phủ Na - Am Tiên.

Đến nơi đây, du khách thỏa thích ngắm nhìm những đàn cò, vạc chao lượn trên nền trời xanh biếc và hòa mình vào thiên nhiên nơi đây.


Đảo cò Tiến Nông
Cánh cò bay phấp phới về tổ

Du lịch Việt Nam
Sưu tầm