Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Những món nước lèo nức tiếng của người miền Tây 

Thứ sáu, 01/11/2019, 11:00 GMT+7
Miền Tây không chỉ nổi tiếng với bánh xèo, rượu đế mà còn có nhiều món nước lèo hấp dẫn như hủ tiếu nam vang, hủ tiếu chay, bún mắm, bún riêu cua và bún nước lèo.
test

Hủ tiếu nam vang 

Hủ tiếu nam vang là một món ăn có nguồn gốc từ Campuchia. Sau khi du nhập vào miền Tây Nam Bộ của Việt Nam đã trở thành món ăn đặc sản, nổi tiếng của miệt đồng bằng sông nước. 
 

món nước lèo
Bạn có thể thưởng thức hủ tiếu nam vang dạng khô hoặc dạng nước tùy thích. Ảnh: mysteriousaigon

Ngày nay, bạn có thể thưởng thức hủ hiếu nam vang ở rất nhiều nơi tại Sài Gòn. Nhưng có về Mỹ Tho, Sa Đéc, Hậu Giang,… ăn tô hủ tiếu, bạn mới cảm nhận trọn vẹn hơn hương vị đậm đà, thanh ngọt của món nước lèo nức tiếng này. 

Hủ tiếu nam vang của người miền Tây nấu từ sợi hủ tiếu dai, nước dùng ngọt thanh với sự kết hợp của xương heo, tôm khô, nấm và các loại gia vị khác. Một tô hủ tiếu đầy đủ sẽ có thịt heo, thịt bằm, mực, trứng cút, tôm, gan heo và ruột non. Rau sống ăn kèm thường là giá, hẹ, cải cúc, cần ống và cải xà lách. 
 

món nước lèo
Hủ tiếu nam vang thường ăn kèm với giá sống, cải cúc, rau xà lách. Ảnh: metrip.vn

Đặc biệt, khi vào quán hủ tiếu nam vang, bạn có thể gọi hủ tiếu nước hoặc hủ tiếu khô tùy thích. Hủ tiếu nước là loại hủ tiếu chan nước lèo chung với hủ tiếu và các nguyên liệu tôm, thịt, gan heo,… Còn hủ tiếu khô sẽ để một chén nước dùng riêng. Phần hủ tiếu và các nguyên liệu khác sẽ được trộn cùng với ít dầu ăn, ít nước tương và gia vị, tạo nên hương vị khó quên của món hủ tiếu nam vang chuẩn miền Tây. 


Hủ tiếu chay 

Ngoài món hủ tiếu nam vang đầy ắp tôm, thịt,… người miền Tây còn có món hủ tiếu chay với hương vị thơm ngon, không kém. Dù thành phần món nước lèo này không có thịt, hoàn toàn từ rau củ và đậu hũ nhưng vẫn mang đến độ thanh ngọt, hấp dẫn riêng cho nước dùng. 
 

món nước lèo
Hủ tiếu chay có hương vị ngọt thanh, mát lành, ít năng lượng, là món ăn nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. Ảnh: bepnha.tv

Sợi hủ tiếu được dùng để nấu hủ tiếu chay vẫn là sợi hủ tiếu có độ dai tương đối, khi ăn không bị bở trong nước lèo. Nước dùng của món hủ tiếu chay được nấu từ củ cải đỏ, củ cải trắng, nấm đông cô, nấm bào ngư, nấm rơm, tàu hủ ky và một số thành phần khác, tùy vào kinh nghiệm của người nấu. 
 

món nước lèo
Thành phần chính nấu món hủ tiếu chay là các loại nấm, tàu hũ ky, củ cải. Ảnh: bachhoaxanh.com

Thưởng thức món hủ tiếu chay cũng khá đơn giản. Phần hủ tiếu và giá sống được trụng sơ với nước sôi rồi cho vào tô. Sau đó chế thêm nước dùng gồm có đậu hủ, nấm, củ cải,… lên trên. Khi ăn, bạn có thể cho thêm cải xà lách, rau thơm, giá sống, và ít hành ngò. Cuối cùng vắt thêm miếng chanh, để thêm miếng ớt cho tô hủ tiếu thêm phần hấp dẫn. 


Bún mắm

Không chỉ có các loại hủ tiếu, người miền Tây còn có nhiều món bún đặc trưng. Nức tiếng nhất vẫn là bún mắm miệt An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng,… Đây là một trong những tinh hoa ẩm thực của người đồng bằng sông nước bởi cách chế biến công phu, đòi hỏi sự khéo tay của người đầu bếp. 
 

món nước lèo
Bún mắm có cách chế biến cầu kỳ, nổi tiếng với hương vị đậm đà. Ảnh: wokandkin

Nước dùng của bún mắm thường được nấu từ mắm các lóc, mắm cá sặc hay mắm cá linh. Quy trình nấu nước lèo cũng khá cầu kỳ vì phải lọc lấy hết xương của mắm, nêm nếm sao cho vị nước dùng không quá mặn, không quá ngọt nhưng phải thật đậm đà, tạo nên chất riêng của món nước lèo nổi tiếng. 
 

món nước lèo
Bún mắm phải ăn kèm với bông súng, kèo nèo, hoa chuối, bông điên điển mới chuẩn. Ảnh: kamza9x

Với món bún mắm, ngoài nước lèo được xem là linh hồn thì các nguyên vật liệu khác như cá lóc, tôm, mực, heo quay, chả,… ăn kèm cũng rất quan trọng. Các nguyên liệu phải tươi ngon mới toát lên trọn vẹn vị ngon ngọt khi thưởng thức. Món bún nước lèo này thường ăn chung với rau muống, bông súng, giá sống, rau thơm và kèo nèo mới “đúng bài”. 


Bún riêu cua 

Bún riêu cua là một trong những món nước lèo phổ biến của cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Nhưng có lẽ miệt đồng bằng miền Tây nhiều ruộng đồng, nhiều cua hơn nên hương vị món bún riêu cũng đậm vị cua, thanh ngọt, thơm lừng khó cưỡng lại. 
 

món nước lèo
Phần riêu cua của người miền Tây thường làm 100% từ thịt cua, vị ngọt thanh đậm đà. Ảnh: huongnghiepaau.com

Điểm đặc biệt của bún riêu của miền Tây là nước dùng được nấu toàn bộ từ cua, phần thịt cua khi ăn kèm cũng là thịt cua 100%, hiếm khi trộn thêm với thịt hay trứng như nhiều nơi khác. Vì thế, mà tô bún riêu cua chuẩn vị miền Tây thường đầy ắp vị cua, vị trong nước lèo và cả một miếng cua lớn trong tô bún. 
 

món nước lèo
Bún riêu cua có bán ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất là các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: now.vn_saigon

Để nấu nồi nước dùng bún riêu, người thợ nấu phải vất vả xay cua, lọc lấy nước và khi nấu sôi, phải vớt riêng thịt cua ra ngoài. Trong nước dùng món bún riêu sẽ có thêm xương ống, thịt thăn và huyết để tăng hương vị. Ngoài ra, còn có cả cà chua, đậu hũ để tạo nên màu sắc bắt mắt cho món bún riêu cua. 


Bún nước lèo 

Đâu chỉ có bún riêu cua và bún mắm, người miền Tây còn có món bún nước lèo thơm ngon, đậm vị. Về vùng đất chín rồng, nhất là các tỉnh Trà Vinh, Hậu Giang, bạn sẽ được thưởng thức món bún nước lèo nấu từ mắm cá linh hoặc mắm cá lóc. Có lẽ vì nước dùng của bún cũng nấu từ mắm nên nhiều người hay nhầm bún nước lèo với bún mắm. Nhưng về cơ bản, hai món ăn có ít nhiều sự khác nhau. 

 
món nước lèo
Bún nước lèo của người Trà Vinh được nấu với cá lóc, mắm, có màu vàng ươm của nghệ. Ảnh: baomoi.com

Nước dùng của món nước lèo thường có màu vàng ươm của nghệ, sả, vị ngọt thanh chứ không đậm như bún mắm. Sau khi nấu nước dùng từ mắm, cá lóc, nghệ và các gia vị xong, người thợ sẽ đem thịt cá lóc xào lại cho săn. Khi ăn, miếng cá sẽ chắc chứ không mềm, không bở. 
Bún nước lèo thường ăn kèm với giá sống, hẹ, bắp chuối rau đắng. Dĩ nhiên, để món bún thơm ngon hơn, bạn cần thêm miếng chanh và chút sa tế cay nồng, đậm vị. 

Ẩm thực miền Tây có vô vàn món ăn ngon, nhưng nói về các món nước lèo thì hủ tiếu nam vang, hủ tiếu chay, bún mắm, bún riêu và bún nước lèo là những món phổ biến và rất được yêu thích. Có dịp về miệt sông nước và thưởng thức những món ăn ngon này, bạn sẽ hiểu được rằng vì sao vùng đất chín rồng là một trong những cái nôi ẩm thực trứ danh của đất Việt. 

Ngọc Anh (tổng hợp) - dulichvietnam.com.vn 

Theo Báo Thể Thao Việt Nam
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc