Mỗi dịp Tết đến xuân về, miền Tây lại khoác lên mình vẻ đẹp của những mâm cỗ đầy ắp bánh tét thơm lừng, mang đậm hương vị truyền thống. Bánh tét không chỉ là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết mà còn là biểu tượng của sự sum vầy, đoàn viên. Tại miền Tây, bánh tét không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là một phần văn hóa, là linh hồn của những buổi quây quần bên gia đình. Cùng khám phá những món bánh tét ngon "hết sảy" nơi đây, từ bánh tét nhân mặn đến ngọt, mỗi loại đều mang trong mình hương vị đặc trưng, hấp dẫn khó cưỡng.
Món bánh tét cơ bản nhất của người Nam Bộ chính là bánh tét nhân ngọt, được làm từ nếp, đậu xanh, đường, dừa và chuối. Hầu như mỗi khi tết đến, nhà nào cũng có món ăn này. Những gia đình lớn thường gói và nấu một nồi bánh to rồi chia cho con cháu. Những gia đình nhỏ ít người cũng tranh thủ mua vài đòn bánh để cúng gia tiên, chiêu đãi khách đến nhà.
Bánh tét nhân ngọt có mặt ở hầu hết các tỉnh thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. Từ người già đến người trẻ, bạn gái đến bạn trai, ai ai cũng mê tít món bánh có vỏ nếp mềm béo, nhân bánh ngọt đậm đà như cái tình của người miền Tây. Sở dĩ, món bánh tét nhân ngọt được gọi là truyền thống vì món ăn này phổ biến nhất. Từ loại bánh tét này, người ta đã sáng tạo nên nhiều phiên bản khác nhau, cho ra đời nhiều loại bánh tét khác nhau, phục vụ nhu cầu ăn uống, tặng quà vào dịp tết.
Có dịp ăn tết khi đi du lịch Miền Tây, bạn sẽ được thưởng thức món bánh này từ những ngày cuối cùng của tháng chạp. Bánh được gói với lá chuối thành hình trụ tròn, gọi là đòn bánh. Khi gói xong, bánh sẽ được nấu trong nồi nước lớn từ 7 – 8 tiếng để bánh chín đều và có vị mềm vừa ăn.
Một khoanh bánh tét ngọt truyền thống của người miền Tây chỉ thực sự ngon khi nếp chín đều và có màu xanh nhạt do gói trong lá chuối, nhân bánh có hình tròn đều. Nếu là bánh tét nhân đậu, nhân bánh sẽ có màu vàng ươm của đậu xanh. Còn nếu là bánh tét nhân chuối, nhân bánh sẽ có màu đỏ ánh tím của chuối chín, đẹp mắt và nổi bật.
Nếu bánh tét ngọt là niềm tự hào của người dân miền Tây nói chung thì bánh tét lá cẩm là món ăn trứ danh của vùng đất Tây Đô. Món bánh này được sáng tạo bởi một gia đình họ Huỳnh ở huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một gia đình ba thế hệ, có truyền thống làm bánh tét đến 40 năm nay, gồm khoảng 20 chục thợ làm bánh chuyên nghiệp. Tất cả đều là con cháu trong dòng tộc.
Người phát hiện ra cách dùng nước lá cẩm để làm cho vỏ bánh tét có màu tím là cụ bà Huỳnh Thị Trọng, nay đã ngoài 70 tuổi. Từ thuở đôi muôi, bà Trọng đã gắn bó với nghiệp làm bánh của gia đình.
Ngày trẻ, bà chủ yếu làm bánh tét truyền thống nhưng rồi một lần tình cờ, bà đã dùng nước lá cẩm để pha nếp làm bánh. Vô tình phát hiện ra đòn bánh khi chính có vỏ màu tím đẹp mặt nên từ đó món bánh tét lá cẩm ra đời, trở thành món bánh tét miền Tây nổi tiếng, được người dân các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Cà Mau,… học hỏi công thức để làm. Lá cẩm không chỉ giúp tạo nên một màu tím đẹp mắt mà còn mang lại một hương vị nhẹ nhàng, thanh thoát, khác biệt với các loại bánh tét màu xanh lá hay vàng thông thường. Cùng với đó, nhân bánh cũng rất đa dạng, từ thịt ba chỉ, đậu xanh, cho đến nhân chuối, đậu đen, tùy theo sở thích và thói quen của mỗi gia đình.
>> Xem thêm: Giải đáp du lịch Kiên Giang tháng 8 đi đâu và danh sách gợi ý các điểm đến ‘siêu chất’
Khác với kiểu bánh truyền thống thường có nhân chuối và nhân đậu xanh, món bánh tét lá cẩm Cần Thơ có 4 loại nhân khác nhau, bao gồm nhân chuối, nhân đậu ngọt, nhân mỡ và nhân thịt muối thập cẩm. Trong đó, hai loại bánh nhân đậu và chuối còn gọi là bánh chay, còn bánh nhân mỡ và thịt muối là bánh mặn. Giá mỗi đòn bánh dao động từ 30.000 – 80.000 đồng tùy loại.
Khi thưởng thức bánh tét lá cẩm Cần Thơ, bạn sẽ cảm nhận được sự kết hợp hoàn hảo giữa vỏ bánh mềm dẻo, nhân bánh ngọt bùi và hương lá cẩm thanh mát. Màu sắc tím đặc trưng của bánh không chỉ là yếu tố làm nên vẻ đẹp mà còn là dấu ấn riêng biệt, làm cho món bánh trở nên đặc biệt và cuốn hút hơn bao giờ hết. Món bánh này thường được dùng kèm với củ kiệu, dưa món, giúp làm giảm bớt độ ngọt và béo, tạo nên một bữa ăn hài hòa và đầy đủ.
Không chỉ nổi tiếng bởi màu sắc đẹp mắt mà món bánh tét ngon của vùng đất Tây Đô còn được yêu thích bởi hương thơm và giá trị dinh dưỡng cao. Sau một năm bôn ba khắp nơi làm việc, ai ai cũng muốn trở lại quê nhà và ăn một cái tết miền Tây trọn vẹn, thưởng thức vị thơm béo của vỏ bánh màu tím, cảm nhận vị ngọt bùi của đậu xanh hòa quyện trong lớp thịt mỡ béo ngậy, ăn đến đâu là thấy ngon đến đó.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN TÂY KHUYẾN MÃI
|
Trên đảo ngọc Phú Quốc không chỉ nổi tiếng bởi các loại hải sản mà còn vang danh một loại bánh tét miền Tây mang tên Mật Cật. Nghe qua có vẻ rất lạ nhưng hầu như du khách nào đến đảo ngọc cũng đều mua vài đòn bánh về làm quà. Và phải có gì đó đặc biệt, phải có gì đó hấp dẫn, món bánh tét này mới được yêu thích như vậy.
Hầu hết các loại bánh tét của người miền Tây đều được gói từ lá chuối vì loại lá này to bản, dễ cố định bánh thành một tròn hình trụ tròn chắc chắn. Tuy nhiên, món bánh tét của người dân xứ đảo Phú Quốc lại được gói thành lá mật cật. Loại lá này thuộc giống lá cọ, khổ lá hơi nhỏ nên đòi hỏi người gói phải thật khéo léo và kinh nghiệm mới xử lí được.
Cũng như lá chuối, lá mật cật trước khi dùng gói bánh sẽ được lau sạch sẽ, phơi qua nắng cho héo để có độ dai, không bị rách khi gói bánh. Người làm bánh tét mật cật Phú Quốc cho biết, công đoạn khó nhất khi làm món bánh này chính là gói bánh.
Đa phần mọi người sẽ gói bánh hình tam giác rất độc đáo. Bánh khi gói không được buộc quá chặt vì sẽ làm bánh chín không đều. Còn nếu buộc quá lỏng thì bánh sẽ bị nong nước vào, ăn bị nhão, không ngon miệng.
Ngoài cách làm cầu kỳ, bánh tét Mật Cật còn được yêu thích bởi vỏ bánh có màu xanh ngọc khá đặc trưng. Màu sắc này hoàn toàn tự nhiên do vỏ bánh tiếp xúc với lá mật cật khi nấu. Khi ăn, bánh tét Mật Cật có hương thơm đặc biệt từ lá mật cật, kết hợp với sự béo ngậy của nhân đậu xanh và thịt, mang đến một trải nghiệm ăn uống độc đáo. Bánh có vị ngọt của đậu xanh và vị mặn của thịt, hài hòa với nhau, khiến món bánh này trở thành món ăn ưa thích của nhiều người trong dịp Tết.
Có một điều thú vị là bánh tét mật cật hầu như được bán quanh năm ở Phú Quốc. Bạn không cần phải đợi đến dịp ăn tết miền Tây mới được thưởng thức loại bánh hảo hạng này. Chỉ cần có một chuyến vi vu đảo ngọc là bạn đã có thể ghé chợ Dương Đông mua vài đòn bánh về làm quà rồi.
Bánh tét nhân đậu mỡ có lẽ bạn đã biết hoặc nghe qua. Nhưng món bánh tét chuối đậu mỡ thì không phải một du khách phương xa nào cũng biết. Với người miền Tây, đây là một món bánh được kết hợp giữa vị mặn và ngọt, tạo nên một món ăn đặc trưng và khác biệt so với các loại bánh tét miền Tây khác.
Bánh tét chuối đậu mỡ có một lớp vỏ bánh và tận 3 lớp nhân, gồm nhân chuối bên ngoài, nhân đậu xanh ở giữa và nhân mỡ bên trong. Sự kết hợp của vị ngọt thanh từ chuối chín, vị bùi của đậu xanh và vị béo ngậy của mỡ đã làm cho món bánh tét này đặc biệt hơn vào dịp tết đến xuân về của người miền Tây.
So với các loại bánh khác, làm món bánh tét ba nhân này tốn nhiều công sức hơn do phải chuẩn bị đến 3 loại nhân khác nhau. Phần nhân chuối, người thợ sẽ chọn loại chuối xiêm vừa chín tới. Phần nhân đậu là loại đậu xanh cà ngâm mềm và nấu chính. Còn phần mỡ heo, người ta sẽ chọn loại mỡ ngon, cắt thành từng sợi hình vuông nhỏ để trong cùng. Bánh được gói lại thành hình trụ dài, sao cho lớp nếp, nhân chuối, đậu xanh và mỡ hòa quyện với nhau một cách hài hòa. Sau đó, bánh tét chuối đậu mỡ được luộc trong nước sôi từ 6-8 giờ đồng hồ để bánh chín mềm, nhân thấm đều.
Khi ăn, bánh tét chuối đậu mỡ có vị ngọt ngọt từ chuối, đậu xanh, vị béo ngậy từ mỡ, cùng với hương thơm đặc trưng của lá chuối. Sự kết hợp này mang đến một hương vị rất đặc trưng, vừa mặn mà vừa ngọt ngào, tạo nên một món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Ngày nay, món bánh tét ba nhân chuối đậu mỡ này khá nổi tiếng ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ở một số vùng khác trong và ngoài tỉnh cũng có món ăn ngon này. Nếu có dịp về ăn tết miền Tây, bạn nhớ thưởng thức món bánh tét đặc biệt này để cảm nhận hương vị độc đáo đặc trưng của ẩm thực Nam Bộ.
Vậy là chúng ta đã cùng khám phá những món bánh tét ngon "hết sảy" của miền Tây trong dịp Tết đến xuân về. Mỗi chiếc bánh tét không chỉ là món ăn truyền thống mà còn chứa đựng bao tình cảm, sự tỉ mỉ và nét đẹp văn hóa độc đáo của người miền Tây. Nếu bạn có dịp thưởng thức, đừng quên chia sẻ cảm nhận và tận hưởng từng hương vị đặc biệt của những món bánh này nhé! Chúc bạn một mùa Tết ấm áp, đầy đủ và ngập tràn niềm vui bên gia đình và người thân.
Ngọc Anh (tổng hợp) - dulichvietnam.com.vn