Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Mùa xuân đến Huế có gì?

Thứ sáu, 15/02/2019, 18:12 GMT+7
Mùa xuân – nếu như bạn muốn được tham gia vào các lễ hội truyền thống, được đắm mình trong không gian cổ kính, bình yên thì Huế có lẽ là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn. 
 
Đến Huế vào mùa xuân có sợ buồn không? Bởi vì Huế là mảnh đất được xem là thong dong và chậm rãi. Con người Huế thường không quá vội vàng, cuộc sống cứ bình lặng chảy trôi như dòng Hương Giang thơ mộng. Thế nhưng, mùa xuân tìm đến Huế không phải là một gợi ý tồi. Bởi những lễ hội du xuân, những địa điểm vui chơi ở đây hẳn là sẽ khiến cho khoảng thời gian khởi đầu một năm của bạn trở nên ý nghĩa hơn. Dưới đây là một số gợi ý cho địa điểm du xuân của bạn khi đến Huế. 
 

Tham quan kinh thành Huế
 

Nổi bật trong số các địa điểm du xuân ở Huế là kinh thành Huế. Vào dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức rất nhiều hoạt động vui tết tại hoàng cung phục vụ nhân dân, du khách.
 
Kinh thành Huế là điểm du lịch lí tưởng vào mùa xuân
 
Du khách được hòa mình, trải nghiệm những hoạt động cùng phong tục đón tết truyền thống và tham quan các công trình tiêu biểu tại hoàng cung (Đại nội Huế) như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Tử Cấm Thành, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh hay Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.
 
Một trong những nghi lễ đặc sắc được tái hiện vào ngày 23 tháng chạp hàng năm là lễ Thượng Tiêu (hay còn gọi là dựng nêu) tại Thế Miếu và điện Long An.
 
Du khách được hòa mình vào không gian đón Tết truyền thống
 
Dựng nêu - một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn, hiện nay trở thành một truyền thống không thể thiếu ở khu di sản Huế. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đích báo hiệu ngày tết đã tới.
 
Hai cây nêu được làm bằng tre dài hơn 15m và được chặt tận gốc. Đỉnh nêu được buộc các lễ vật gồm bùa hay ấn vàng dùng để cúng tế thần linh, xua đuổi tà ma và cầu cho một năm mới an lành.
 
Dựng nêu là nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn


Lễ hội cầu ngư của ngư dân Huế
 

Theo thông lệ, cứ 3 năm Lễ hội cầu ngư mới được tổ chức một lần, mở đầu bằng lễ Cung nghinh thần Hoàng nhằm tưởng nhớ công ơn người đã khai canh, lập làng Trương Quý Công và các bậc tiền nhân. 
 
Sau đó là các nghi lễ mang đậm chất văn hóa truyền thống tâm linh như: lễ cầu an, lễ tưởng niệm, lễ tạ... được tổ chức trang trọng.
 
Lễ hội cầu ngư 3 năm mới được tổ chức một lần
 
Đây là lễ hội xuất hiện từ hơn 500 năm trước, lễ hội truyền thống cầu ngư “tam niên đáo lệ” của làng Thai Dương Hạ có mục đích là cầu cho mưa thuận, gió hòa và cầu cho ngư dân ra biển làm ăn gặp nhiều may mắn.
 
Về phần hội, Lễ hội đã tái hiện lại sinh động và hấp dẫn các trò chơi truyền thống trên sân khấu cạn như múa hát truyền thống, đoàn tàu ra khơi đánh cá, cảnh buôn bán trên bờ.
 
Tiếp sau đó là lễ hội sông nước đua ghe sôi nổi trên phá Tam Giang chào mừng một chuyến ra khơi gặp nhiều thắng lợi.
 
Lễ hội cầu ngư đã xuất hiện từ hơn 500 năm trước
 
Ngư dân làng Thai Dương Hạ cho rằng, lễ hội cầu ngư đầu năm mới sẽ cầu được mùa đi biển, tôm, cá đầy khoang, thuyền bè an toàn, dân làng hưng thịnh.
 

Lễ hội đu tiên làng Gia Viên
 

Lễ hội đu tiên truyền thống tại Thừa Thiên Huế được giữ gìn hàng trăm năm qua, nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu...
 
Theo các vị bô lão trong làng, đây là một trong những nét văn hóa đặc sắc của vùng quê ven sông Bồ được người dân bảo tồn, gìn giữ trong suốt hơn 150 năm qua; cũng là trò chơi phổ biến trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc tại Thừa Thiên Huế.
 
Lễ hội đu tiên làng Gia Viên đã được gìn giữ suốt hơn 150 năm qua
 
Để chuẩn bị cho lễ hội đu truyền thống, từ trước Tết, Ban tổ chức đã dựng sẵn hai cây tre già rất thẳng và có độ dẻo dai cao, ở trên có gắn cờ hội bay phấp phới, ở giữa có buộc dây thừng để người chơi có thể đu cao nhất có thể. Người chơi lên giá đu được trang bị dụng cụ bảo hộ để đảm bảo an toàn.
 
Người chơi lên giá đu được trang bị công cụ để đảm bảo an toàn
 
Mở đầu hội đu, một bô lão uy tín của làng Gia Viên bận áo dài khăn đóng đánh trống và thực hiện các nghi lễ truyền thống, sau đó lên giá đu để mở màn ngày hội. Tiếp đến là phần tranh tài quyết liệt và đẹp mắt của các nam thanh niên khỏe mạnh trong tiếng reo hò, cổ vũ hết sức nhiệt tình của người dân trong làng và du khách dưới cái nắng đầu xuân.
 
Ngoài việc phải đu cho thật cao, người chơi còn phải nhún sao cho đẹp mắt, phải tạo đà sao cho đu càng cao càng tốt. Tay của người chơi chạm cờ đỏ thì đó là người chiến thắng và chuyển sang tranh tài ở giải khác.
 
Ngoài việc đu thật cao, người chơi còn nhún cho thật đẹp
 
Mùa xuân, mùa của những lễ hội. Bạn sẽ không khỏi bất ngờ khi đến Huế vào mùa xuân. Bởi sự rộn ràng, nét cổ kính và truyền thống ở mảnh đất này khiến cho kỳ nghỉ của bạn bớt nhàm chán hơn. Đặc biệt, những lễ hội mùa xuân được mở từ sau Tết một thời gian dài sẽ là điểm hẹn lí tưởng cho bạn. Hãy đến và tận hưởng không khí, cảnh sắc, khoảng trời mùa xuân ở Huế. Bởi đó chính là cách để bạn tìm lại sự bình yên trong chính tâm hồn mình. 
 
Nguyễn Hằng
Theo Báo Du lịch