Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Chùa Giác Lâm - một trong những ngôi chùa cổ nhất TP.HCM

Thứ tư, 19/06/2019, 09:01 GMT+7
Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định – Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay và từng trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Chùa Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm…

 Tháp xá lợi tại Tổ đình Giác Lâm - ảnh TiTC
Tháp xá lợi tại Tổ đình Giác Lâm - ảnh TiTC
 
Tọa lạc tại 565 đường Lạc Long Quân (phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM), chùa Giác Lâm đến nay đã gần 300 năm tuổi.
 
Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa Xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa nằm trên gò Cẩm Sơn.
 
Chùa Giác Lâm là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam, được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Tam gồm 3 dãy nhà ngang nối liền nhau: chính điện, giảng đường và trai đường. Chùa có khuôn viên khá rộng, nhiều cây xanh thoáng mát, dù ngày thường vẫn có rất đông người đến viếng.
 
Trong chính điện bày trí theo kiểu “tiền Phật, hậu Tổ”. Phía trước chính điện thờ các tượng A Di Đà,Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ hai bên phải trái, có tượng Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Đằng sau chính điện là bàn thờ Tổ, thờ các vị Hòa thượng đã trụ trì tại chùa Giác Lâm. Đối diện với bàn thờ Tổ là các bàn thờ: Phật Chuẩn Đề, Phật A Di Đà, và sau cùng là bàn thờ Thập Điện Diêm Vương.
 
Trước chùa có Bảo tháp Xá Lợi hình lục giác, tầng 7 tháp thờ Xá Lợi Phật. Toàn chùa Giác Lâm có 38 tháp, các tháp này được xây dựng đầu thế kỷ XIX, tồn tại đến nay đã gần 200 năm, với kỹ thuật xây dựng tinh vi trong việc dùng chất kết dính bằng hỗn hợp vôi, đường, ô dước… Phong cách nghệ thuật trên các tháp mang yếu tố dung hợp các luồng văn hóa giữa các cộng đồng tộc người đang sống cộng cư ở Nam bộ như Khmer, Việt, Chăm… và phần nào yếu tố phương Tây (Pháp), phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ)…
 
Một góc chùa Giác Lâm - ảnh TiTC
Một góc chùa Giác Lâm - ảnh TiTC
 
Chùa Giác Lâm hiện lưu giữ 118 pho tượng, trong đó có 113 pho tượng cổ với nhiều chất liệu khác nhau (chủ yếu từ gỗ mít và có niên đại từ thế kỷ XVIII, XIX) và chỉ có 7 pho tượng hiếm hoi được tạo tác từ đồng. Các pho tượng nổi tiếng là pho tượng Thích Ca bằng gỗ, tượng cổ nhất ở chùa; tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng; hai bộ tượng Thập bát La Hán; bộ tượng Ngũ Hiền (đức Phật và bốn vị Bồ tát)… Nổi bật là tượng Địa Tạng Vương Bồ tát – được đúc tinh xảo, sơn son thếp vàng và tòa Cửu Long (tức là 9 con rồng chầu hầu giây phút đầu Phật sơ sinh). Điểm thú vị nhất trong các bộ tượng gỗ mít là có đến 2 bộ tượng Mười tám vị La Hán được tôn trí ở bàn thờ Nhị Cấp, dọc hành lang 2 bên Chính điện. Mỗi vị La Hán được tạo tác với nhiều vị thế, có vị cầm cây như ý, có vị cầm hồ lô, có vị nâng tòa bảo tháp, có vị trong tâm thế tay xé ngực chỉ Phật tại tâm… Chính phong cách khác nhau của 2 bộ tượng đã mang lại giá trị lịch sử lớn, đánh dấu bước đi của người Việt và chứng minh cho sự phát triển mới của Phật giáo Nam bộ, từ ảnh hưởng nặng nề của phái Lâm Tế (Trung Quốc), dần dần sáp lập được một dòng mới mang đặc điểm dân tộc hoàn toàn của người Việt.
 
Trên các cột chính của chùa đều có khắc câu đối (gồm 86 câu) thếp vàng công phu. Đáng chú ý có câu đối của Hiệp trấn Trịnh Hoài Đức (treo ở gian thờ Tổ) và câu đối của Mộc Ân đệ tử phụng cúng vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Ngoài ra ở đây còn có 9 bao lam, 19 hoành phi, một bàn thờ cổ và đồ thờ cổ. Chùa Giác Lâm ngày nay như một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, kiến trúc của tiền nhân, các tác phẩm thi phú của các danh nhân, mặc khách vẫn còn được gìn giữ. Hệ tượng thờ của chùa được xem là thành tựu của điêu khắc Việt Nam các thế kỷ trước mang đầy đủ các đặc trưng, dấu ấn mỹ thuật của người Việt ở Nam bộ thế kỷ XVII-XVIII.
 
Với không gian rộng và yên tĩnh, ngôi Tổ đình danh tiếng bậc nhất này rất thích hợp cho những du khách đến hành hương, tìm hiểu thêm về những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc và điêu khắc.
 
Năm 1988, chùa được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
Hạ Quyên
Theo Báo Du Lịch