Miền Tây không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình, mà còn bởi những món ngon nổi tiếng giữ chân người đến thăm. Nếu có dịp về đây mùa nước nổi, đừng quên thưởng thức vị ngọt thịt của cá lóc nướng chui, vị cay cay chát chát của rau đắng sau hè ăn kèm lẩu mắm... Chỉ tưởng tượng thôi đã thấy thèm. Hãy cùng thưởng thức những đặc sản miền Tây mùa nước nổi ngay dưới đây!
Mùa nước nổi ở miền Tây được báo hiệu khi sắc vàng tươi của bông điên điển tràn ngập cánh đồng hay dọc theo những triền đê. Để rồi sau một đêm thức giấc, các cánh đồng ở miệt Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... nước đã ngập trắng đồng.
Đó cũng là lúc người dân bắt đầu chuẩn bị công cụ cho một mùa mưu sinh, những chiếc lưới cá, những con thuyền ba lá, theo người dân len lỏi qua các dòng sông, con lạch, để rồi kéo lên từng mẻ cá nặng trịch, lấp lánh ánh bạc.
Cá linh đánh bắt được người dân bán cho các thương lái, hoặc giữ lại để làm mắm, hoặc chế biến thành các món canh, kho... cho bữa cơm gia đình. Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món lẩu cá linh bông điên điển. Tuy là một món ăn bình dị, nhưng đây là đặc sản miền Tây mùa nước nổi, một niềm tự hào của người dân nơi đây.
Tên gọi của món ăn cũng là hai thành phần chính tạo nên món lẩu thơm ngon này. Đầu tiên là cá linh, những con cá tươi roi rói, béo tròn được làm sạch mang, móc bỏ ruột, rửa lại bằng nước rồi để ráo.
Bông điên điển chọn loại còn tươi, chưa bung cánh, khi ăn vừa giòn giòn vừa có hương thơm nhẹ. Tùy theo từng vùng mà nước dùng của món lẩu này được nấu bằng nhiều cách khác nhau. Có người ninh xương heo, xương cá để lấy vị ngọt, nhưng cũng có nơi nấu bằng nước dừa tươi để nước lẩu vừa trong vừa có vị ngọt thanh dễ chịu.
Đầu tiên, phi thơm tỏi, cho nước dùng vào nấu sôi. Tùy theo khẩu vị mà nước dùng có vị chua ngọt khác nhau.
Sau khi chuẩn bị xong các bước, món lẩu được dọn lên bàn để mọi người cùng thưởng thức. Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi roi rói, đĩa bông điên điển vàng rực, kèm theo đó là các loại rau khác như rau muống, rau nhút... tùy theo ý thích của từng người.
Cá linh rất dễ chín nên khi bắt đầu ăn, mới cho cá linh vào nồi nước lẩu đang sôi, khi nồi nước sôi lại thì cho các loại rau vào và thưởng thức. Ăn kèm với món này là bún tươi hoặc cơm trắng và dĩ nhiên không thể thiếu chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm.
Tuy chỉ là một món ăn hương đồng gió nội, nhưng lẩu cá linh bông điên điển chinh phục người ăn ngay từ màu sắc, hương thơm thoang thoảng cùng vị chua thanh của nước dùng, bên cạnh đó là thịt cá béo ngọt ăn kèm nước mắm nguyên chất, càng làm cho món lẩu này trở nên đậm đà. Nếu có dịp du ngoạn miền Tây vào thời gian này, bạn đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món lẩu cá linh bông điên điển nức tiếng của người dân xứ bưng biền.
Bông súng thiên nhiên ưu đãi cho con người sống nơi ngọn cỏ nội đồng, nơi nào có nước là có bông súng. Mùa nước về bông súng lên nhanh kín cả cánh đồng. Tuy không rực rỡ hương sắc nhưng cũng làm dịu mát ánh nắng trưa hè, khiến ta có cảm giác nhẹ nhàng thư thái.
Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, bông, thân, lá non chẳng kén miệng người miền Tây. Người ta nói rằng, dân miền Tây không ai không biết món bông súng chấm mắm kho. Đây là món ăn dân dã nhưng hương vị đậm đà không phải nơi nào cũng có.
Mắm kho thì có thể dùng các loại như mắm lóc, mắm sặc... Nhưng đặc sản mùa nước nổi vẫn là mắm cá linh. Bắt đầu từ cuối tháng Tám dương lịch hàng năm, cũng là lúc cá linh xuất hiện, khi lũ đầu mùa, cá từ Biển Hồ trôi về hạ lưu.
Món ngon trời ban có hạn, thời gian người dân có thể thưởng thức món cá này chỉ chừng 3 tháng, nhưng đúng ra ngon nhứt chỉ trong khoảng hai tháng đầu. Có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng. Cá không thờ sao gọi cá linh”.
Ngoài ra, nguyên liệu không thể thiếu của món này là bông súng, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng của vùng Đồng Tháp ăn mới mềm, ngọt, đúng điệu. Món ăn rất đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội để làm nên một món ăn mà khi một ai du lịch Đồng Tháp Mười được nếm thử nó phải xuýt xoa, trầm trồ.
Để chế biến món này cũng khá công phu. Muốn kho mắm ngon phải kho bằng nước dừa tươi. Trước tiên, cho mắm vào nồi, rồi nước dừa vào xâm xấp, bắc lên bếp nấu tới khi mắm rã nhừ thì nhắc xuống lọc kỹ, bỏ xương, lấy nước.
Nấu sôi nước mắm mới lọc, sau đó nêm gia vị, để thịt ba rọi xắt mỏng vào, nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn, mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo.
Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon, mùi thơm đặc trưng của mắm hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, béo béo của thịt ba rọi, vị ngọt của tép đồng, giòn của bông súng và mùi thơm của các loại rau sống tạo nên hương vị tuyệt vời, đậm chất đồng quê làm cho chúng ta không khỏi nuốt nước miếng mỗi khi nhắc đến.
>> Xem thêm: Miền Tây mùa nước nổi, thử về rừng tràm Trà Sư An Giang ngắm cảnh đẹp xuất thần
Đi khắp miền Tây mùa nước nổi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng bày bán thịt chuột đồng. Ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ và thường chỉ có vào mùa gặt.
Người dân sau mùa gặt dùng bẫy hoặc giăng lưới, đốt rơm hum khói để bắt chuột đồng. Có người sau một ngày lao động, cả nhóm thui luôn chuột giữa đồng rồi ngồi nhậu lai rai. Thịt chuột hun trong rơm rạ thơm mùi nắng, ngon tuyệt.
Tuy nhiên, nhiều người lại chế biến theo cách cầu kỳ hơn là nướng lu. Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm, sau đó móc từng con vào lu. Người chế biến phải rất khéo, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm.
Chuột đồng nướng lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo... Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận lớp da giòn tan, thịt thơm và mềm, bạn sẽ quên mất cảm giác ghê ghê, chỉ còn vị ngọt cứ tan dần trong huyết quản.
Nếu ai đã từng đặt chân đến miền Tây sông nước, thì không thể không biết đến món cá lóc nướng trui, món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn. Tuy rằng chỉ là món ăn bình dị, nhưng cá lóc nướng trui rất được ưa chuộng không chỉ với người dân miền Tây mà với tất cả những ai đã từng đến với mảnh đất này, bởi thế mới có câu: Bắt con cá lóc nướng trui – Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa.
Cá lóc được bắt từ sông lên, không cần sơ chế cầu kỳ, không mổ bụng, không đánh vảy, thậm chí không cần ướp gia vị. Điều cần thiết là một xiên tre sạch, xiên thẳng từ miệng cá đến hết chiều dài của cá.
Tiếp theo cắm thanh tre đã gắn cá xuống đất hoặc có thể kê bằng 2 viên đá hoặc gạch, rồi phủ rơm khô lên trên, lượng rơm phủ lên cũng phải thật vừa, sao cho khi rơm cháy hết thì cá cũng vừa chín. Như vậy là đã chuẩn bị xong cho việc nướng cá lóc.
Sau khi cá đã chín, đến giai đoạn thưởng thức món cá lóc nướng trui thơm ngon. Phủi sạch tro rơm trên thân cá, rồi cho cá vào mâm hoặc mẹt lớn, rẽ thân cá làm đôi theo dọc sống lưng cá.
Từ đây mùi cá nướng phả vào mặt hương thơm vô cùng, một mùi thơm đặc trưng, phảng phất mùi khói rơm đắng đắng. Thịt cá nướng thơm ngon, đậm đà, chấm với nước mắm chua cay thì quả thật không thể cưỡng lại.
Bánh xèo bông điên điển là một đặc sản miền Tây mùa nước nổi. Bánh xèo được làm từ gạo xay nhuyễn thành bột sau đó khuấy đều với nước cốt nghệ để bánh có màu vàng tươi đẹp mắt.
Người ta cũng trộn thêm bột với nước cốt dừa nhằm tăng thêm độ béo. Sau khi làm xong bột bánh, ta tiến hành công đoạn đổ bánh. Đầu tiên tráng chảo nóng, đổ dầu vào, rồi múc lượng vừa đủ từ bột bánh xèo đổ vào chảo, tráng đều và nhanh tay sao cho không quá mỏng cũng không quá dày.
Khi lớp vỏ bánh chín, tiếp tục cho cho thịt, tép đã xào chín, bông điên điển và giá vào. Có nơi còn cho thêm củ sắn để khi ăn có vị giòn hơn. Úp phân nửa bánh lại, đậy nắp vung đợi khi bông điên điển và củ sắn chín thì gắp ra dĩa. Lấy một phần bánh cuộn tròn bởi nhiều lớp rau sống tươi thơm, chấm đều trong nước mắm chua ngọt thơm nức mùi.
Bánh xèo bông điên điển thơm nức mùi dừa, kết hợp cùng vị bùi từ bông điên điển đã tạo ra món ăn cực kỳ thơm ngon. Thêm vào đó là sự hòa trộn ăn ý với vị ngọt từ tôm, thịt, vị thanh mát từ củ sắn, vị chát nhẹ từ rau rừng tất cả đã làm nên nét đặc trưng riêng cho món bánh xèo của người miền Tây.
Về miền Tây đi đâu bạn cũng sẽ dễ bắt gặp những quán cháo cá lóc rau đắng, một món ăn dân dã mà quen thuộc của miệt vườn sông nước. Nấu cháo thì không cần quá cầu kỳ, nhưng để làm nên một tô cháo cá lóc khiến người ăn phải xuýt xoa không phải là việc đơn giản.
Nguyên liệu chính cho món ăn này là cá lóc đồng, sau khi đánh bắt lên bờ, cá được làm sạch, lóc hết xương rồi tẩm gia vị và đem hấp chín. Gạo nấu cháo cũng được lựa chọn rất kỹ, phải là loại vừa dẻo vừa thơm, đem đi rang trên chảo cho đến khi hạt gạo vàng đều rồi mới ninh thật nhừ trên bếp cho bung hết hạt.
Để tô cháo thơm ngon và hấp dẫn, đầu bếp nhà vườn thường cho thêm một ít hành tím cho ngọt vị, sau đó là rắc ít hành lá và ngò rí lên trên để tô cháo thêm phần bắt mắt.
Cuối cùng là đĩa rau đắng đất, loại rau dại mọc đầy ngoài vườn, có vị đắng đặc trưng đầu lưỡi nhưng lại ngọt hậu vô cùng. Với một số du khách không thể ăn được rau đắng nhưng chỉ cần thưởng thức tô cháo thơm lừng cùng cá lóc tươi ngọt cũng đủ khiến lòng vấn vương.
Ngoài ra, để người ăn thêm “nghiện” cháo cá lóc, đầu bếp còn rất kỹ lưỡng trong việc pha thêm một chén nước chấm tương hột để ăn kèm. Nước chấm này được làm chủ yếu từ đỗ tương bằm nhuyễn, cho thêm một xíu đậu phộng và nêm nêm gia vị cho vừa ăn, vậy là mình có thể thưởng thức một tô cháo cá lóc rau đắng đầy đủ dư vị ngọt, thơm, béo, bùi và đậm đà tình quê.
Miền Tây là vựa cá đồng nổi tiếng khắp cả nước, được thiên nhiên ưu đãi nên sản vật nơi này rất phong phú và đa dạng, các món ngon ở miền Tây đều liên quan chặt chẽ đến những sản vật đồng quê sẵn có. Trên đây là những món đặc sản miền Tây mùa nước nổi mà bạn không thể bỏ qua khi có dịp chu du miền sông nước. Nếu có dịp đến đây, đừng quên thưởng thức nhé!
Phương Nhi
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)