Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Chùa Cổ Lễ - Quần thể kiến trúc đặc trưng văn hóa Phật giáo ở Nam Định

Thứ tư, 18/03/2015, 13:46 GMT+7
Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông - Tây, trên một diện tích gần 10 mẫu Bắc bộ.
Vị trí: Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Ðịnh.
Đặc điểm: Chùa có từ lâu đời. Chùa còn có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng được xây dựng vào năm 1926 - 1927.
 

Ngôi chùa Cổ Lễ - di tích lịch sử ở Nam Định do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên cho thiết kế và xây dựng vào năm 1920 bằng những vật liệu truyền thống gồm gạch và vữa làm từ vôi, mật mía, giấy bản. Chùa là một quần thể kiến trúc có bố cục tiêu biểu cho chùa miền Bắc từ tam quan, tháp, chùa chính, hội quán, nhà tổ, đền thờ. Sự bố trí khéo léo giữa các kiến trúc và khoảng sân vườn làm người ta có cảm giác chùa rộng lớn hơn diện tích thực. Sau nhiều lần trùng tu chùa Cổ Lễ đã trở thành một danh lam ở vùng đồng bằng sông Hồng. Đến với chùa Cổ Lễ vào mùa lễ hội diễn ra từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, du khách sẽ được tham gia nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật, đánh cờ người..., đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Chùa chính cao 29m, một chiều cao hiếm thấy ở các ngôi chùa cổ Việt Nam, được cấu tạo theo thế cửu trùng - gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọc liên kết thành một khối. Nhìn chung, nét nổi bật ở đây là kiểu uốn khung, cuốn vòm dáng dấp hoa sen cách điệu được xây dựng bằng vật liệu là vôi, cát và mật. Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu: với toàn bộ thành phần kiến trúc cơ bản của một ngôi chùa bao gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện đều nằm trong một bình diện hình chữ nhật, có chiều dài 31,6m, rộng 14,7m thì đây là một phong cách quy hoạch chùa chưa từng thấy ở nơi khác.
 

Khuôn viên ao trước chùa Cổ Lễ
 
Ngoài ra, đi du lịch chùa Cổ Lễ du khách còn được chiêm ngưỡng tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng đặt trên lưng một con rùa lớn. Con rùa nằm giữa một hồ nước hình vuông, bốn góc là bốn hòn giả sơn có đắp bốn con voi kích thước tương đương với voi thật. Tháp cao 32m, có tám mặt, các cạnh tháp đều đắp hình rồng, mái cong rất tinh xảo. Trong lòng tháp có 62 bậc theo đường xoáy trôn ốc dẫn lên bàn thờ Phật đặt trên đỉnh.

Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: tượng Đức Phật Thích Ca cao 4,2m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập thiền; một chuông đồng thời Tây Sơn (1799); một chuông đồng nặng hơn 9 tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền có từ thời Lý; một lá cờ thần hai mặt ghi “Nam thiên Thánh tổ” và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.


Có thể nói, điểm du lịch ở Nam Định chùa Cổ Lễ là mảnh đất thiêng, có bề dày lịch sử văn hóa, cách mạng, một bảo tàng sống động về chữ “Đạo”hòa với chữ “Đời”. Những nét kiến trúc bề ngoài cũng đã cho thấy sự tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhân loại, mang lại sự mới lạ, tinh tế cho cảnh quan và các hạng mục công trình trong chùa. Sở hữu những nét kiến trúc độc đáo, có giá trị phản ảnh lịch sử của nghệ thuật tạo hình thời Lý, chùa Cổ Lễ xứng đáng là một danh lam thắng cảnh trong vùng.
Dulichvietnam.com
Sưu tầm