Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
Bhutan

Đến Thimphu cầu bình yên năm mới

Thứ bảy, 09/02/2019, 07:06 GMT+7
Thành phố Thimphu, thủ đô của đất nước Bhutan là điểm đến còn khá mới lạ với nhiều du khách Việt. Tuy nhiên với những nét bản sắc độc đáo, cùng nền văn hóa tín ngưỡng linh thiêng, Thimphu là một ứng cử vien đầy tiềm năng cho du khách Việt mở đầu một năm mới đầy an lành, hạnh phúc. 
Đây là chuyến đi khám phá một vùng đất hoàn toàn mới. Đất nước Bhutan khá thần bí, thành phố Thimphu thủ đô thì càng kỳ lạ hơn. Mặc dù có hàng ngàn xe ô tô chạy ngược xuôi khắp các ngả đường, nhưng Thimphu hoàn toàn không có hệ thống đèn giao thông.


Đường phố Thimphu nhộn nhịp đông đúc

Vậy làm sao tài xế biết đường mà chạy, hóa ra là có một anh cảnh sát giao thông ở ngay mỗi ngả tư của thành phố Thimphu và anh chàng này sẽ điều tiết xe cộ thay cho đèn tín hiệu, đố có anh nào dám vượt. Không giống với bất kỳ nước nào, những động tác của cảnh sát giao thông tại đây không dứt khoát rõ ràng, mà uyển chuyển nhẹ nhàng như múa. Thế nhưng, cánh lái xe ở Thimphu vẫn tuân theo răm rắp.
 

Những chiếc bục đứng với hoa văn... trái tim

Xem thêm: Tour du lịch nước ngoài giá rẻ 
 
Nói cho vui bục đứng của cảnh sát giao thông khá giống một ngôi miếu nhỏ, còn trạm xăng duy nhất ở thành phố Thimphu thì hoành tráng như một ngôi đền. Anh bạn người bản địa khẳng định chắc nịch: “Đèn giao thông trước đây chúng tớ cũng dùng đấy. Nhưng nó vô cảm và không gần gũi, thế là gỡ quách đi. Này xem tớ chào anh cảnh sát, chứ bình thường ai lại chào cột đèn giao thông.”


Một xưởng dệt may ở Thimphu cũng đậm chất Phật

Ôi sao mà thành phố Thimphu và đất nước Bhutan lạ đời quá, họ dường như chối bỏ sự hiện đại hóa, bám rễ sâu chắc vào tinh thần Phật giáo truyền thống. Vậy mà đây lại là nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới. Họ liên kết cùng nhau trong một cộng đồng lớn rất… Phật. 


Thành phố Thimphu với những ngôi nhà độc đáo

Xem thêm: Khách sạn Bhutan giá rẻ 

Thành phố Thimphu, là thủ đô và là đô thị lớn nhất của Vương quốc Bhutan. Thimphu tọa lạc tại trung tâm phần miền tây Bhutan. Thành phố mở rộng dần theo hướng bắc-nam bên sườn tây của một thung lũng. Thimphu không có sân bay, mà được nối bằng đường nhựa đến sân bay Paro cách đó 54 kilômét. 

Thimphu nhìn từ vùng ngoại ô thành phố

Nhìn xung quanh thành phố Thimphu, tôi nhận ra quốc vương nơi đây tài quá, ông cân bằng giữa văn hóa truyền thống và hiện đại hóa một cách đầy chọn lọc. Những địa điểm chính trị quan trọng nhất Bhutan đều nằm ở Thimphu, gồm tòa nhà Quốc hội, và Cung điện Dechencholing tại phía bắc thành phố - nơi ở của nhà Vua.


Một góc ngoại ô Thimphu cổ kính

Anh bạn địa phương còn khiến tôi ngạc nhiên khi kể về thành phố Thimphu. Vào khoảng những năm 1960, thành phố giống như một tu viện được bao bọc bởi những ngôi nhà của nông dân và ruộng lúa, trong một thung lũng nhỏ không hề có tiếng động cơ ô tô.


Những xa lộ hẹp đặc trưng của thành phố Thimphu

Thế rồi ô tô vượt đồi núi dần trở thành phương tiện ưa thích của người dân. Xung quanh các con đường tôi qua không hề có biển báo giảm tốc độ. Khi được hỏi, anh bạn bản địa trả lời hết sức ngây ngô: “Những tuyến đường ở đây chật hẹp và quanh co khúc khuỷu do địa hình đồi núi. Chưa kể một số đường hư hại do thời tiết, đố ai dám chạy quá 45km/h.”


Tashichho Dzong to lớn uy nghiêm

Chạy chậm thật nhưng tôi cũng đến được điểm tham quan đầu tiên, Tashichho Dzong. Tashichho Dzong là một tu viện Phật giáo và pháo đài ở rìa thành phố Thimphu, trên bờ phía tây của Wang Chu. Theo truyền thống, đây là trụ sở của Druk Desi hay "Dharma Raja", người đứng đầu chính phủ dân sự của Bhutan, một văn phòng được kết hợp với vương quyền, kể từ khi thành lập chế độ quân chủ vào năm 1907. 


Những chiếc chuông cầu nguyện bên trong tu viện

Cấu trúc chính của nơi này bao gồm một tòa nhà hai tầng quét vôi trắng cùng với ba tầng tháp ở mỗi bốn góc. Trên cùng là những mái nhà vàng ba tầng. Ngoài ra còn có một tháp trung tâm lớn được xem như đại điện.


Một lễ hội được tổ chức tại đây

Nơi đây được xây dựng bởi Dharma Raja đầu tiên, cũng chính là người đã thành lập giáo phái Lho-drukpa của Phật giáo, và là tín ngưỡng của đất nước Bhutan. Cụm từ Tashichho Dzong có nghĩa là "pháo đài của học thuyết tốt lành".


Thimphu Chorten nổi tiếng là điểm đến linh thiêng

Điểm đến thứ hai là Đài tưởng niệm Stupa hay còn được gọi là Thimphu Chorten, một bảo tháp nằm ngay khu vực trung tâm của thành phố Thimphu gần vòng xoay chính. Bảo tháp này được xây dựng vào năm 1974 để tôn vinh Druk Gyalpo đệ tam, Jigme Dorji Wangchuck. 


Người dân tập trung cầu nguyện bên trong

Đây là một địa danh nổi bật trong thành phố Thimphu với những ngọn tháp và chuông vàng. Bảo tháp còn được biết đến với tên gọi "địa danh tôn giáo nổi bật nhất ở Bhutan". Bảo tháp này không giống như những nơi khác vì trong đây không lưu giữ hài cốt của nhà sư. Bên trong bảo tháp chỉ có bức ảnh Druk Gyalpo đệ tam  trong trang phục nghi lễ ngay giữa sảnh chính tầng trệt.


Tòa tháp giờ là điểm đến được đông đảo du khách yêu mến

Nơi này được hoàn thành theo di nguyện của Gyalpo Khi còn sống, ngài Jigme Dorji muốn xây dựng "một bảo tháp đại diện cho tâm trí của Đức Phật". Vài người đi cùng tôi, ai cũng cúi đầu cung kính trầm mặc. Trong làn khói hương một chiều đầu xuân, sự yên bình nơi bảo tháp khiến lòng người chợt tĩnh như nước, an yên, hỷ xã, đón chờ những niềm vui nho nhỏ khi một năm mới đã sang. 
Danh Bùi
Theo Báo Du Lịch
CÁC TIN CÙNG CHUYÊN MỤC