Bánh hỏi, phá lấu trộn, cơm cháy kho quẹt,… tuy dân dã nhưng đây đều là những món ăn mang đậm hương vị quê nhà mà bất cứ người dân Việt Nam nào xa quê cứ mãi nhung nhớ.
Món ăn đậm hương vị quê nhà Việt Nam đầu tiên có thể kể đến là món cơm cháy kho quẹt. Đây được xem là món đặc trưng và nức tiếng của ẩm thực miền Tây. Với môi trường sông nước mênh mông, cá, tôm, tép, ốc nhiều vô kể, người dân nơi đây đã tận dụng những nguyên liệu có sẵn để chế biến nên món cơm cháy chấm mắm kho quẹt giản dị mà đậm đà, đưa cơm vô cùng.
Cơm cháy kho quẹt không quá cầu kì trong thành phần cũng như cách chế biến. Chỉ với những nguyên liệu sẵn có như tóp mỡ, nước mắm, bột ngọt, đường, mấy con tép trấu, cá lòng tong, hành tím, ngò gai xắt nhuyễn, nêm thêm tiêu, ớt xắt là đã có thể tạo nên phần nước sốt kho quẹt đặc sệt thơm lừng.
Còn phần cơm cháy thì được làm từ gạo thơm ép đều trên chảo đến khi cháy giòn cùng cốt dừa béo ngậy vàng rụm, giòn tan thêm chút mỡ hành rồi ăn kèm với kho quẹt tạo nên một món ăn đủ 5 vị ngầy ngậy, ngọt bùi, cay dịu và chút mằn mặn đặc trưng đưa cơm vô cùng.
Bánh hỏi là một trong những món ăn đậm hương vị quê nhà Việt Nam được các tín đồ ẩm thực Việt cực ưa chuộng. Món ăn này có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành từ miền trung đến miền nam.
Du lịch Bình Định hay Phú Yên nếu chưa biết ăn gì cho bữa sáng, bạn có thể thưởng thức món bánh hỏi lòng heo phổ biến ở đây. Một phần bánh làm từ bột gạo với các loại lòng heo luộc, bánh tráng nướng, rau thơm, nước mắm ớt và đặc biệt là tô cháo huyết nấu loãng nóng hổi, có rắc chút hành, tiêu dậy mùi thơm hấp dẫn khiến bao người mê mẩn.
Ngoài ra, nếu có dịp du lịch Cần Thơ, bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản bánh hỏi mặt võng là đặc sản trứ danh của vùng đất Phong Điền. Khác với bánh hỏi miền trung, món ăn này độc đáo ở khâu tạo hình công phu cho ra loại bánh trông như những mắt lưới võng đan đều nhau và thường được ăn kèm với thịt nướng kim tiền, thịt heo quay, các loại rau thơm, mỡ hành, nước mắm pha chua ngọt.
>> Xem thêm: Top 6 món ngon từ hải sản là đặc sản miền Trung nổi tiếng 'vạn người mê'
Bên cạnh các món ngon đặc sản Đà Nẵng đáng thử như mỳ quảng, bún mắm nêm, bánh tráng cuốn thịt heo… thì thành phố này vẫn còn một món ăn mang đậm hương vị quê nhà Việt Nam mà bạn nhất định không được bỏ qua là món phá lấu trộn.
Thành phần chính để làm nên phá lấu trộn là lòng bò, thường gồm lá sách, gan… được làm sạch và luộc kỹ rồi trộn cùng mắm gừng, rau sống, xoài xanh, chuối chát, thêm chút hành phi để tăng thêm độ thơm ngon của món ăn. Nghe qua có vẻ đơn giản, dễ làm, thế nhưng mỗi nguyên liệu mang một nét đặc sắc và hương vị riêng biệt.
Có lẽ cũng chính vì thế mà khi kết hợp với nhau lại tạo nên một món ăn vặt hấp dẫn, đủ để “thôi miên” thực khách. Nếu có dịp du lịch Đà Nẵng, bạn có thể tìm thưởng thức món đặc sản này tại chợ Cồn với một phần trung bình có giá khoảng 25.000 đồng – 30.000 đồng.
Thêm một món ăn đậm hương vị quê nhà Việt Nam nữa luôn được các bạn trẻ ở đây lựa chọn trong những cuộc tụ tập bạn bè là món tai mui nướng. Đây là món đường phố khá phổ biến ở miền Trung, đặc biệt tại Đà Nẵng.
Một phần ăn thường gồm có tai mui nướng giòn và dai dai ăn khá là vui miệng, bên cạnh đó còn có bánh tráng, rau thơm để bạn ăn kèm cho đỡ ngán. Và đương nhiên không thể thiếu được chén mắm nêm đặc trưng của ẩm thực miền Trung.
Nhắc đến những món đặc sản Bình Định, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món chả ram tôm đất vàng ươm, giòn rụm đầy hấp dẫn. Tuy nguyên liệu đơn giản chỉ gồm tôm đất, thịt ba chỉ, bánh tráng… nhưng chính vì sự khéo léo trong khâu chế biến đã tạo nên sự khác biệt so với các vùng khác.
Món ăn đậm hương vị quê nhà Việt Nam này ngon nhất là khi ăn kèm với rau sống tươi xanh, cuốn cùng với bánh tráng, chấm với nước mắm tỏi ớt chua ngọt. Chỉ cần cắn một miếng là bạn sẽ cảm nhận được độ giòn của lớp vỏ, vị ngọt béo của tôm và thịt mỡ, vị cay nồng của nước mắm, thêm vào vị thanh mát của rau sống hòa quyện với nhau hấp dẫn đến lạ.
Bánh đập là một món ăn đậm hương vị quê nhà Việt Nam khá phổ biến tại các tỉnh ven biển miền Trung, song nổi tiếng nhất vẫn là ở Hội An (Quảng Nam). Món ăn dân dã này có sự kết hợp giữa bánh ướt và bánh tráng nướng.
Khi ăn, bánh tráng sẽ được đập nhẹ cho vỡ ra từng mảng, rồi dùng với mắm nêm hay mắm cái cùng mỡ hành đem đến cảm giác thơm ngon và lạ miệng. Tùy nơi mà bánh đập còn có thể được ăn chung với tôm, thịt heo luộc hay thịt nướng, tuy nhiên cách ngon nhất để thưởng thức bánh đập vẫn là ăn không và chấm với mắm nêm.
Cái giòn rụm của bánh tráng, cái mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà và cay nồng của mắm nêm khiến cho bao thực khách ấn tượng ngay từ lần đầu tiên được thưởng thức.
Có thể nói, dù giờ đây ẩm thực Việt Nam đã có vô vàn những món an sang trọng, cầu kỳ thế nhưng với mỗi người dân đất Việt thì những món ăn đậm hương vị quê nhà này vẫn luôn chiếm giữ một vị trí đặc biệt không thể xóa nhòa.
Minh Nguyên
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)